Thứ bảy, 16/12/2017 15:45 GMT+7

Dược liệu vùng Tây Bắc – Tiềm năng và định hướng phát triển

Chiều ngày 15/12/2017, tại Lào Cai, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã tổ chức Hội nghị phát triển dược liệu vùng Tây Bắc. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Đồng chí Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, các doanh nghiệp, các Viện nghiên cứu, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực dược liệu.

Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng kết hợp với tri thức y dược học cổ truyền lâu đời là nền tảng vô cùng quý báu để phát triển các sản phẩm từ dược liệu phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Với thị trường dược liệu trong và ngoài nước đang phát triển mạnh mẽ, việc phát triển sản phẩm từ dược liệu thành hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước, hướng tới xuất khẩu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững là hướng đi đúng đắn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng và Chính phủ trong những năm gần đây.

Vùng Tây Bắc bao gồm 14 tỉnh, với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng rất thích hợp cho phát triển dược liệu. Theo điều tra sơ bộ, vùng Tây Bắc có hơn 1.500 loài dược liệu quý tập trung tại một số tỉnh trọng điểm như Lai Châu (450 loài), Điện Biên (562 loài), Sơn La (535 loài), Hà Giang (625 loài). Nhiều loài dược liệu quý hiếm (như Bảy lá một hoa, Sâm Lai châu, Tam thất hoang, Hoàng liên ô rô) đã và đang được bảo tồn và phát triển. Nhiều bài thuốc dân gian, gia truyền có giá trị cao trong điều trị bệnh ở người được lưu truyền trong đồng bào dân tộc, là nguồn tri thức bản địa vô cùng quý giá cần được phát huy. Như vậy, có thể nói, tiềm năng phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở vùng Tây Bắc là vô cùng to lớn, cần được quan tâm đầu tư phát triển.
 

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã chỉ rõ: Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Quốc gia Hà Nội và các địa phương trong việc hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) để phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng, thông qua các Chương trình KH&CN cấp quốc gia như Chương trình bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2013-2018. Qua dó, nhiều loài dược liệu đã được nghiên cứu, bảo tồn và phát triển theo chuỗi giá trị từ chọn, nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến dược liệu.

Một số công nghệ cao đã được triển khai thông qua các nhiệm vụ KH&CN để phát triển hàng hóa từ dược liệu một cách đồng bộ, toàn diện, xuyên suốt chuỗi giá trị của sản phẩm từ khâu giống đến vùng nguyên liệu, chiết xuất và bào chế, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp tiêu chuẩn, đánh giá hiệu quả của sản phẩm nhằm tạo được các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao từ dược liệu Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, vùng Tây Bắc có tiềm năng rất lớn để phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Để biến những tiềm năng to lớn đó thành hiện thực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân, góp phần ổn định kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, các địa phương vùng Tây Bắc cần tập trung triển khai các giải pháp toàn diện và đồng bộ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện tại Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, cần chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN, đặc biệt là công nghệ mới, công nghệ cao theo chuỗi giá trị trong tất cả các khâu phát triển dược liệu từ công nghệ sản xuất giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bào chế các sản phẩm thương mại hóa, đồng thời khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, liên kết và hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học và người dân để cùng tập trung nguồn lực khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu vùng Tây Bắc, bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu quý hiếm, giữ gìn, phát huy giá trị vốn tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, hướng tới mục tiêu chung phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa của Việt Nam, với các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc từ vùng Tây Bắc đảm bảo chất lượng cao và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

 

Nguồn: Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật

Lượt xem: 3429

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)