Thứ năm, 23/11/2017 21:36 GMT+7

Hoàn thiện thiết kế, công nghệ và chế tạo hệ thống máy canh tác và thu hoạch cây sắn

Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm sắn ở Việt Nam cho thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa là rất cao. Việt Nam sản xuất mỗi năm gần 10 triệu tấn sắn củ tươi, trong đó khoảng 70% dành cho xuất khẩu và 30% cho tiêu thụ trong nước. Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu tinh bột sắn thứ hai trên thế giới sau Thái Lan.

 

Vùng sản xuất nguyên liệu sắn thường có đặc điểm đất rộng và chủ yếu sử dụng lao động thủ công nên cho năng suất thấp và kế hoạch sản xuất không ổn định, thường xảy ra cảnh tranh mua, tranh bán nguyên liệu sắn giữa các nhà máy chế biến. Để chủ động về nguồn lao động, nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, tăng chất lượng sản phẩm chế biến từ sắn, giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, giữ vững được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Nhu cầu đặt ra là phải tiến hành sản xuất sắn theo hướng cơ giới hóa đồng bộ từ canh tác tới thu hoạch bằng những máy móc hiện đại, có nhiều tính năng ưu việt nhất.

Vì thế, từ tháng 4/2013 đến tháng 1/2016, nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam do TS. Hà Đức Thái làm chủ nghiệm, đã thực hiện đề tài: “Hoàn thiện thiết kế, công nghệ và chế tạo hệ thống máy canh tác và thu hoạch cây sắn”.

Một số kết quả của đề tài nghiên cứu:

1/ Đã lựa chọn, đề xuất được nguyên lý cấu trúc, tính toán, thiết kế, chế tạo được máy Xới - Phay cho phép máy khi làm việc phay nhỏ, trộn đều tàn dư thực vật tầng đất mặt độ sâu 15 cm có nhiều dinh dưỡng; xới sâu 25 cm phá vỡ tầng đất nền cứng thành tảng, tạo độ hổng trong đất để dự trữ nước mưa, dưỡng khí và cải tạo tầng đất nền để có nhiều dinh dưỡng cho củ sắn phát triển.

2/ Đã lựa chọn, đề xuất được nguyên lý, cấu trúc, tính toán, thiết kế,  chế tạo được máy liên hợp cắt - trồng hom sắn có.

3/ Đã lựa chọn được cấu trúc, tính toán, thiết kế, chế tạo được máy Xới - Bón phân có bộ phận xới liên kết đàn hồi với khung cho phép khi làm việc do lực cản đất lên lưỡi xới không đều tạo ra rung động làm tơi đất tốt hơn. Bộ phận vun luống dạng đĩa chỏm cầu điều chỉnh được bề rộng và lượng đất vun vào gốc cây sắn. Bộ phận bón phân loại vít xoắn có lưỡi rạch bón phân đi sâu vào tầng đất củ cho phép phân ít bị rửa trôi do nước và gió.

4/ Đã lựa chọn, đề xuất được nguyên lý cấu trúc, tính toán, thiết kế, chế tạo được máy Đào - Nhổ củ sắn có.

Các máy được ứng dụng trên mô hình 100 ha tại Phúc Thịnh, Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Hệ thống máy làm việc đạt các chỉ tiêu kỹ thuật đã đăng ký. Đặc biệt khi sử dụng hệ thống máy: chi phí lao động giảm 70%; chi  phí sản xuất giảm 30%; Thời gian làm việc nhanh, kịp thời vụ do vậy năng suất cây trồng tăng cao.

Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã cho ra đời 8 mẫu máy phục vụ cho nhiều công đoạn sản xuất sắn như: Cuốc vùi, xới phay, chuẩn bị hom sắn, băm thân lá sắn và đào nhổ củ sắn... Địa điểm thực hiện mô hình thử nghiệm tại hai tỉnh có sản xuất sắn tập trung là Ninh Bình và Đồng Nai, đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tại Ninh Bình, mô hình được thực hiện tại xã Sơn Lai, huyện Nho Quan với diện tích sắn khoảng 20 ha, diện tích thực hiện cơ giới hóa đồng bộ các khâu khoảng 6 - 7 ha trong 2 năm. Tại diện tích ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ của đề tài cây sắn phát triển tốt và cho năng suất cao.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12821/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia./.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 1919

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)