Thứ ba, 21/11/2017 21:19 GMT+7

Việt Nam – Italia: Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực KH&CN

Ngày 21/11/2017 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Tuần lễ Italia tại các nước ASEAN, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đại sứ quán Italia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về hợp tác KH&CN Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Những kinh nghiệm và dự án nghiên cứu song phương: Kết quả và triển vọng”.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh; Ông Fabrizio Nicoletti, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Nghiên cứu và Đổi mới (Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia); Bà Cecilia Piccioni - Đại sứ Italia tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành có liên quan.
 

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội thảo.
 

Phát biểu tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, hoạt động về hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Italy đã có nhiều bước phát triển trong 20 năm qua. Ngày 05/1/1992, Việt Nam và Italia đã ký Hiệp định khung về hợp tác KH&CN giữa hai nước và chính thức được phê duyệt và có hiệu lực từ năm 1998. Tháng 11/1998, hai bên chính thức thành lập Ủy ban hỗn hợp (UBHH) và tiến hành phiên họp lần thứ nhất và tiến hành phê duyệt Chương trình hợp tác KH&CN Việt Nam – Italia đầu tiên giai đoạn 1998 – 2001 với 20 dự án nghiên cứu. Tính đến nay, hai bên đã tổ chức 06 phiên họp của UBHH với gần 70 dự án hợp tác trên nhiều lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm như khoa học nông nghiệp, thực phẩm, công nghệ sinh học và y tế, môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin và truyền thông,…

“Ngoài việc giải quyết nhiều vấn đề phía Việt Nam quan tâm, các kết quả của các dự án nghiên cứu chung của hai nước còn giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực KH&CN” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chia sẻ.

Italia là một trong những quốc gia có kinh nghiệm hàng đầu thế giới trong một số lĩnh vực bảo tồn và phục chế di tích cổ, y học và dược phẩm, ứng dụng công nghệ sinh học cho nông nghiệp, gốm sứ và khoa học biển. Do vậy, Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học hai nước gặp gỡ, trao đổi về chuyên môn, giới thiệu các dự án hợp tác. Đồng thời, các nhà khoa học có thêm cơ hội tiếp cận, cùng nhau hình thành các ý tưởng nghiên cứu, xây dựng mối liên kết bền vững.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh tin tưởng sự hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Italia sẽ trở thành một lĩnh vực hợp tác trọng điểm với sự tham gia nhiều hơn nữa từ khối nghiên cứu và các doanh nghiệp của hai nước.

Tại Hội thảo, bà Cecilia Piccioni cho biết, Hội thảo về hợp tác KH&CN Việt Nam – Italy lần thứ nhất là một trong nhiều sự kiện trong khuôn khổ Tuần lễ Italia tại các nước ASEAN. Bà nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của KH&CN trong mối quan hợp tác giữa hai nước và mong muốn mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động về hợp tác KH&CN giữa hai nước trong tương lai.
 

Hai bên cùng giới thiệu các dự án chung về KH&CN giữa hai nước.
 

Cũng tại Hội thảo, Bộ KH&CN và Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia đã giới thiệu về các dự án hợp tác nghiên cứu chung đã được hai bên phê duyệt và sẽ triển khai gồm: “Nghiên cứu hệ vi sinh vật nội sinh phục vụ sản xuất chế phẩm phòng chống bệnh bạc lá (Xanthomonas oryzae pv. oryzae) và bệnh thối rễ (Dickeya zeae) trên cây lúa” của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) hợp tác với Trung tâm quốc tế về Kỹ thuật gen và Công nghệ sinh học - ICGEB (Italia); “Nghiên cứu, phát triển hệ thống giám sát và phát hiện các hiện tượng bất thường trong tín hiệu định vị nhằm đảm bảo an toàn/an ninh định vị GNSS/GPS tại Việt Nam” của Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) hợp tác với Viện Nghiên cứu cao cấp Mario Boella, Torino; “Nghiên cứu tác dụng và cơ chế tác dụng ở mức độ phân tử liên quan đến bệnh tự nhiễm và ung thư của một số bài thuốc y học cổ truyền và cây thuốc của Việt Nam” của Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) hợp tác với Đại học Tổng hợp Perugia; “Nghiên cứu enzyme polysaccharide monoxygenase và các enzyme liên quan trong quá trình gây bệnh của nấm Magnaporthe oryzae và một số ứng dụng” của Trường Đại học Duy Tân hợp tác với Đại học Tổng hợp Padova.

 

Nguồn: Vụ Hợp tác quốc tế

Lượt xem: 3271

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)