Thứ bảy, 28/10/2017 06:37 GMT+7

Đào tạo nghề đặc thù dành cho người Việt Nam trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I 4.0) sẽ dẫn đến sự thay đổi kỹ năng nghề, nhiều nghề sẽ biến mất, nhiều nghề mới hình thành… kéo theo đó là hàng loạt các vấn đề an sinh xã hội.

Hàng loạt các vấn đề về đào tạo nghề, biến động về nguồn nhân lực, việc làm đã được bàn đến trong buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ngày 27/10/2017. Buổi làm việc nằm trong chuỗi các buổi làm việc kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Chỉ thi 16/CT-TTg) giữa Bộ KH&CN và các Bộ, Ngành.

Chủ động ứng phó với biến động về nhân lực và việc làm
 

Toàn cảnh buổi làm việc.
 

Báo cáo về tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg, ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hộicho biết, Bộ đang tích cực triển khai các đánh giá, nghiên cứu liên quan đến I 4.0. Có thể kể đến báo cáo “Đánh giá về cơ hội, thách thức, tác động của I 4.0 đến lĩnh vực lao động, việc làm ở Việt Nam”; Phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) triển khai nghiên cứu “Nhu cầu về kỹ năng trong kỷ nguyên công nghệ mới”. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm: nắm bắt được tình hình công nghệ và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp; hiện trạng cung-cầu kỹ năng lao động trong các doanh nghiệp và xu hướng việc làm “mới” và yêu cầu về kỹ năng trong tương lai tại các doanh nghiệp thuộc ngành điện tử, dệt may. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng báo cáo “Tác động của I 4.0 đến các lĩnh vực lao động, việc làm, thị trường lao động, giáo dục nghề nghiệp và an sinh xã hội”.

Liên quan đến vấn đề đào tạo nhân lực trước bối cảnh I 4.0, Bộ đã triển khai Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020”; Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dạy nghề và hệ thống quản lý thông tin các trường nghề”…

Ông Vinh cũng cho biết, thời gian tới, Bộ LĐTBXH chủ động xây dựng kế hoạch hành động về chủ đề I 4.0 tập trung vào các nội dung sau:Xây dựng kế hoạch triển khai chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ về chủ đề “Cơ sở lý luận và thực tiễn về tác động của I 4.0 tới Thị trường lao động”; Xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 2469 về “Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017-2025”; Chính sách, giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, giảm thiểu tác động của I4.0 đối với nhóm lao động yếu thế; Nghiên cứu, xây dựng báo cáo “Đề xuất các chính sách, giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của I 4.0 tới cơ cấu thị trường lao động”; Đổi mới chính sách, chương trình trợ giúp xã hội nhằm khắc phục, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của I 4.0; Nghiên cứu tác động của I 4.0 đến việc giảm thời gian làm việc của người lao động, cải thiện điều kiện lao động.

Thay đổi chính sách cần phải nhanh hơn

Ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH cho biết vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đang đặt ra bài toán hết sức cấp bách. Theo nhiều cảnh báo, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, sẽ có 1/3 số lao động sẽ bị thay đổi kỹ năng nghề. Với nền kinh tế chia sẻ, mô hình cung cấp dịch vụ lao động cũng sẽ thay đổi. Người ta không cần có văn phòng, không phải chỉ làm việc cho 1 cơ quan tổ chức, doanh nghiệp mà sẽ cung ứng dịch vụ lao động cho nhiều nơi. Như vậy, bài toán quản lý thu nhập, thuế thu nhập, bảo hiểm xã hội… sẽ phải tính như thế nào?  Đó là chưa kể sự phân hóa chất lượng nguồn nhân lực, sẽ có người đáp ứng được các yêu cầu đặt ra nhưng cũng có người bị mất việc vì không kịp thay đổi. Khoảng cách về thu nhập, giàu nghèo sẽ bị kéo xa dẫn đến hàng loạt vấn đề về an sinh xã hội. Ông Vinh cũng nhấn mạnh, phản ứng về thay đổi chính sách đáp ứng yêu cầu này cần phải nhanh hơn.
 

Cơ cấu lao động và kỹ năng nghề sẽ có thay đổi lớn trước I 4.0.
 

Trước những yêu cầu đã và đang đặt ra trong bối cảnh I 4.0, ông Nguyễn Quang Việt, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng, cần có đề án nghiên cứu tổng thể về nhân lực, từ đó xây dựng các chương trình đào tạo nghề đặc thù dành cho người Việt Nam, tránh sao chép, bắt chước không đúng với thực tiễn xã hội.

Có vấn đề đặt ra tại buổi làm việc, đó là thông tin về I 4.0 đang bị nhiễu.Có bộ, ngành, địa phương thì hết sức hăng hái, tập trung nguồn lực để triển khai và có những hành động cụ thể.Nhưng cũng có nơi thì cho rằng, I 4.0 chưa đến mức đáng lo ngại như cảnh báo.Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, sự tác động của I 4.0 đối với kinh tế xã hội và các mặt của đời sống là có thực, vấn đề là nhận diện nó ở mức độ nào, biến thách thức thành cơ hội ra sao mới là điều đáng bàn. Ở đâu đó, trong các chương trình hành động, đề án của nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai I 4.0 nhưng việc “chỉ mặt đặt tên” chưa rõ mà thôi.

Trở lại câu chuyện này, ông Đàm Bạch Dương lại nhấn mạnh, các Bộ Ngành cần rà soát lại hệ thống văn bản chính sách, chương trình, dự án đã và đang làm có liên quan đến I 4.0 để từ đó thấy cần điều gì, thiếu điều gì hay có sự chồng chéo vướng mắc thì bổ sung, điều chỉnh hoặc ban hành mới. Ông Dương cũng nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận tỉnh táo với I 4.0 để không bị bỏ lỡ cơ hội và cũng không bị thụ động trước những tác động của nó.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4747

TAGS :
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)