Thứ tư, 25/10/2017 14:31 GMT+7

Hai lĩnh vực đột phá của Chính phủ và hai Bộ tiên phong

Tại các Nghị quyết 19, Chính phủ đã xác định hai khâu đột phá quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh và Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiên phong đi đầu trong hai khâu đột phá này.

“Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm”, Chính phủ nêu rõ trong các Nghị quyết 19 từ năm 2014 tới nay.
 

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh tại một sự kiện diễn ra đầu năm 2017.
 

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, người tham gia xây dựng dự thảo các Nghị quyết 19, đây chính là hai trọng tâm cải cách quan trọng nhất trong các nghị quyết này. Những yêu cầu cải cách này còn được Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục nhắc lại nhiều lần trong nhiều văn bản khác nhau.

Thế nhưng trong thời gian qua, nhiều quy định gây bức xúc về hai lĩnh vực trọng tâm này vẫn chậm được xử lý, mặc dù được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, tại nhiều nơi, thậm chí qua nhiều năm. Nói cách khác, mục tiêu “cải cách toàn diện” theo hướng “phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm” chưa được thực hiện.

Tuy nhiên, mới đây, đã có những chuyển biến rất mạnh mẽ từ một số Bộ ngành.

Trong cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương Bộ Công Thương sau khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh hiện hành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ trong thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh.

Còn các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp  cũng đánh giá cao động thái này, bởi trước đó, Bộ Công Thương được xác định là có số điều kiện kinh doanh nhiều nhất trong tất cả các Bộ.

Trước đó, hồi giữa năm 2016, Chính phủ cũng đã ban hành 50 Nghị định về điều kiện kinh doanh, trong đó đã loại bỏ được nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu có được nhờ “áp lực” mạnh từ trên của Chính phủ, chưa phải là kết quả của quá trình chủ động tự rà soát của các Bộ.

Còn trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, mặc dù “lặng lẽ” hơn Bộ Công Thương, nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã có những quyết định chưa từng có.

Cụ thể, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đã bãi bỏ 114 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra trước thông quan.

Với thay đổi này, mỗi năm sẽ có khoảng trên 30 nghìn lô hàng không phải kiểm tra trước khi thông quan, giúp giảm thời gian và chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Bộ cũng đẩy mạnh thừa nhận kết quả đánh giá của nước ngoài, xã hội hóa toàn bộ hoạt động đánh giá sự phù hợp, đồng thời làm rõ cách thức tiền kiểm, hậu kiểm…

Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Ngô Minh Hải đánh giá rằng Thông tư 07 năm 2017 của Bộ đã giải quyết căn bản các vướng mắc theo yêu cầu của Nghị quyết 19 và mở đường cho việc áp dụng quản lý rủi ro, hậu kiểm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Chúng tôi đánh giá rất cao quy định này. Cho đến nay, trong các Bộ, mới chỉ có Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức thực hiện yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra trước thông quan, thậm chí Bộ cắt tới 96%”, ông Hải nói.

Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ mới đây đã chủ trì cùng 12 Bộ tổ chức hội thảo 3 ngày tại Vĩnh Phúc, qua đó cam kết giảm 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 của các bộ ngành.

Theo Tổ công tác của Thủ tướng, “Bộ Khoa học và Công nghệ có quyết tâm rất cao, có thể nói là mẫu mực trong việc thực hiện cải cách theo yêu cầu của Chính phủ. Nhiều nơi còn tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp, kiểm nghiệm, nhưng Bộ không vấp phải điều này, mà xã hội hóa rất mạnh, có thể nói là ưu việt nhất”.

Trước đó, Tổ công tác của Thủ tướng cũng đã dành sự quan tâm đặc biệt khi tiến hành hàng loạt cuộc làm việc tại các bộ ngành, địa phương về tình hình kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

“Thủ tục kiểm tra như rừng rậm, doanh nghiệp không biết đường nào mà lần” là nhận định của Tổ công tác sau các buổi làm việc. Theo một thống kê, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành khiến cộng đồng doanh nghiệp mất khoảng 30 triệu ngày công và gần 15 nghìn tỷ đồng chi phí mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ phát hiện lô hàng vi phạm rất thấp, chỉ khoảng 0,06%, tức là kiểm tra rất nhiều, chi phí rất lớn, nhưng hiệu quả không đáng kể.

Cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 8/9, Bộ Công Thương cũng đã quyết định xóa bỏ 420 mặt hàng trong danh mục 720 mặt hàng cần phải kiểm tra hàng hóa trước khi thông quan.

Theo các chuyên gia, những quyết định nói trên từ hai Bộ đã tạo đột phá mới trong việc cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh và quản lý chuyên ngành theo yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng. Điều này cũng chứng tỏ rằng việc cải cách toàn diện tuy không dễ dàng nhưng hoàn toàn có thể làm được.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Hai-linh-vuc-dot-pha-cua-Chinh-phu-va-hai-Bo-tien-phong/319987.vgp

 

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 3855

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)