Thứ tư, 09/08/2017 20:53 GMT+7

Hội thảo khoa học về thiết kế, vận hành và các ứng dụng của lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu

Được sự cho phép và tạo điều kiện của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, ngày 31/7/2017, tại Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) đã diễn ra Hội thảo quốc tế về thiết kế, vận hành và các ứng dụng của Lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu đa mục tiêu. TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam chủ trì Hội thảo.

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam chủ trì Hội thảo

 

Tham dự Hội thảo có các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm như GS Ayman Hawari, Giám đốc chương trình lò phản ứng nghiên cứu của Trường Đại học Bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ; GS Mikhail Itkis, Phó Viện trưởng Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna, Liên bang Nga; GS Chul Hwa Song, nguyên Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc, và TS Raghunath Acharya, Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Bhabha, Ấn Độ. Có trên 50 đại biểu của Việt Nam tham dự, là những GS, PGS, TS, nghiên cứu viên và các cán bộ quản lý khoa học từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các đơn vị năng lượng nguyên tử thuộc Bộ KH&CN (Cục Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Đà Lạt, v.v.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Đã có 8 báo cáo khoa học được trình bày tại Hội thảo nhằm trao đổi các kết quả và kinh nghiệm về thiết kế lò phản ứng nghiên cứu và các thiết bị thực nghiệm trên lò phản ứng, kinh nghiệm trong quản lý, vận hành và thực hiện các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo nhân lực trên các lò phản ứng nghiên cứu với các đặc trưng thiết kế và thông số công nghệ rất đa dạng, đó là lò phản ứng PULSTAR công suất 2 MWt, sử dụng nhiên liệu dạng ống chứa các viên UO2 độ giàu thấp 4-6%, tương tự như nhiên liệu của nhà máy điện hạt nhân; lò phản ứng HANARO công suất 30 MWt, sử dụng nhiên liệu dạng ống chứa U3Si2-Al với độ giàu 19,5%; lò phản ứng Dhruva công suất 100 MWt là lò phản ứng nước nặng, sử dụng nhiên liệu uranium tự nhiên; lò phản ứng IBR-2M là lò nơtron nhanh, sử dụng nhiên liệu PuO2 với công suất 2 MWt ở chế độ dừng và có thể hoạt động ở chế độ xung lên đến 1850 MWt; và lò phản ứng IVV-9 tại Đà Lạt, công suất 500 kWt, được nâng cấp từ lò TRIGA Mark-II và đã chuyển đổi từ nhiên liệu độ cao sang sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp 19,75%. Một số dự án lò phản ứng nghiên cứu mới cũng được giới thiệu để trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong thiết kế và sử dụng như lò phản ứng JRTR công suất 5 MWt của Jordan, sử dụng nhiên liệu dạng tấm với vành phản xạ bằng nước nặng; lò phản ứng KJRR công suất 15 MWt của Hàn Quốc, sử dụng nhiên liệu dạng tấm với vành phản xạ bằng beryllium và grahite; và dự án đang đề xuất về Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu công suất dự kiến 10-15 MWt của Việt Nam. Bên cạnh đó, các hướng nghiên cứu tiềm năng trên lò phản ứng nghiên cứu trong tương lai và các bài học kinh nghiệm rút ra từ việc thực hiện các dự án xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới và nâng cấp các lò phản ứng nghiên cứu đang vận hành cũng được trình bày và trao đổi tại Hội thảo.

 

          Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt

 

Hội thảo thực sự là diễn đàn bổ ích và là cơ hội rất tốt để các cán bộ nghiên cứu và kỹ thuật của Việt Nam có thêm các thông tin, kiến thức và kinh nghiệm trong tính toán thiết kế lò phản ứng cũng như đề xuất các lĩnh vực có thể ứng dụng trên lò phản ứng nghiên cứu đa mục tiêu của Trung tâm KH&CN hạt nhân trong tương lai.

Qua trao đổi, các đại biểu đã nhấn mạnh và thống nhất rằng, để dự án Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu mới của Việt Nam phát huy hiệu quả, cơ quan sẽ quản lý và vận hành lò phản ứng là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cần sớm xây dựng một chiến lược sử dụng và mục tiêu dài hạn cho dự án, chuẩn bị nguồn nhân lực và đề xuất với đối tác xuất khẩu lò phản ứng để các cán bộ của Việt Nam được tham gia từ giai đoạn nghiên cứu khả thi, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cả trong quá trình xây dựng, kiểm tra và đưa lò phản ứng vào vận hành./.

Nguồn: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam

Lượt xem: 2089

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)