Thứ tư, 28/06/2017 13:37 GMT+7

Phát triển kinh tế xã hội thủ đô: Đặt ngành KH&CN nhiều nhiệm vụ quan trọng

Nghiên cứu khả năng liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước để xác định các sản phẩm chủ lực, phát triển theo chuỗi giá trị nhằm phát huy thế mạnh của Hà Nội ; phát huy lợi thế của Hà Nội là nơi tập trung các viện nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu của cả nước… là những đề xuất của Bộ KH&CN tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” tổ chức ngày 25/6/2017.

Toàn cảnh Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”

 

Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là Lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành trung ương và TP Hà Nội các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại quốc tế, các ngân hàng trong nước và quốc tế, các địa phương của một số nước có kết nghĩa với TP. Hà Nội.

Đặc biệt, Hội nghị còn có sự tham dự của hơn 800 đại biểu là các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) trong nước và quốc tế. Thông qua Hội nghị, TP Hà Nội sẽ giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của TP với cộng đồng DN trong và ngoài nước; giúp cho các DN, các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về TP, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Hà Nội trong thu hút đầu tư, phát triển DN.

Hướng tới xây dựng Thành phố thông minh

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội bước đầu có chuyển động và phát triển - năng động, hiện đại. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu và còn rất khiêm tốn. Để đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực vẫn luôn là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức. Giai đoạn 2017-2020, Thành phố xác định 5  nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc hướng tới xây dựng Thành phố thông minh. Chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp như: số hóa đồng bộ cơ sở dữ liệu cốt lõi: dân cư, doanh nghiệp, đất đai, tư pháp, hộ tịch, cán bộ công chức,...Hoàn thành hệ thống 1 cửa điện tử 3 cấp kết nối với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2017 trên 40% và đến năm 2020 là 70-80%. Triển khai thực hiện bãi đỗ xe điện tử, quan trắc môi trường điện tử. Xây dựng đô thị thông minh.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội đến năm 2030 đã đặt ra cho ngành KH&CN của thành phố nhiều nhiệm vụ quan trọng cần tập trung giải quyết để đạt được mục tiêu đưa Hà Nội sớm trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước và có vị trí cao trong khu vực về ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó đặc biệt ưu tiên các lĩnh vực như công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ môi trường… và đây cũng chính là những công nghệ, định hướng mà Bộ KH&CN đang tập trung ưu tiên phát triển.

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ nêu trên, lực lượng doanh nghiệp của thành phố Hà Nội đóng một vai trò quan trọng. Hiện nay, Hà Nội có trên 200 nghìn doanh nghiệp, trong đó nhiều doanh nghiệp có hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, y tế, nông nghiệp và đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ cao, là những lĩnh vực được Hà Nội ưu tiên triển khai trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp khoa học công nghệ của thành phố Hà Nội đã có doanh thu lớn, sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và vươn ra được thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu như Công ty cổ phần Robot Tosy đăng ký bảo hộ tại 21 nước trên thế giới và sản phẩm công nghệ của công ty này đã có mặt ở thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ; hay Công ty FPT đã sản xuất phần mềm điều khiển tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với sản phẩm ô tô của Cộng hòa Liên bang Đức.

Nhiều doanh nghiệp của thành phố Hà Nội cũng đã quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm công nghệ mới, công nghệ cao thông qua việc tái đầu tư, dành những nguồn lực xứng đáng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp (như các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điện - điện tử, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin và truyền thông,….).

Một số doanh nghiệp KH&CN của Hà Nội cũng đã đạt được các giải thưởng có uy tín trong và ngoài nước như: Giải thưởng Sao vàng Đất Việt; Giải sáng tạo kỹ thuật Việt Nam; Giải thưởng Môi trường Việt Nam; Giải thưởng Sản phẩm xanh; Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương…

 

Trao chứng nhận cho các nhà đầu tư tại Hà Nội

 

Ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao

Để làm được điều này, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Để đảm bảo mục tiêu phát triển giai đoạn 2017-2020, Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, và đồng thời khẳng định nguồn lực đầu tư xã hội là động lực cho sự phát triển của Thủ đô. Trong thời gian tới, Thành phố Hà Nội ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, năng lượng sạch, dịch vụ đạt chuẩn quốc tế thông qua nhiều hình thức: FDI, PPP, xã hội hóa,… tập trung vào các lĩnh vực: xây dựng và phát triển các khu đô thị vệ tinh; các dự án đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai, các bãi đỗ xe, bến xe; cải tạo, xây dựng các khu chung cư cũ; công viên, khu vui chơi thể dục thể thao; hạ tầng khu công nghiệp, trung tâm Logistic; trung tâm thương mại, chợ đầu mối; các dự án y tế, giáo dục đạt chuẩn quốc tế; các dự án kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường; khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại Hội nghị, danh mục các dự án Hà Nội mong muốn thu hút đầu tư với các nội dung thông tin mà ngay sau Hội nghị này các nhà đầu tư có thể đăng ký triển khai các thủ tục đã được giới thiệu bao gồm:  17 dự án theo hình thức PPP với tổng số vốn 802,7 nghìn tỷ đồng; 119 dự án theo hình thức xã hội hóa với tổng số vốn 303,85 nghìn tỷ đồng.

Bộ KH&CN đã gửi tham luận đến Ban tổ chức Hội nghị với nội dung: Để lực lượng doanh nghiệp KH&CN Hà Nội tiếp tục phát triển ngày càng lớn mạnh và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của thành phố”. Bộ KH&CN đề xuất với Thành phố Hà Nội một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nghiên cứu khả năng liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước để xác định các sản phẩm chủ lực, phát triển theo chuỗi giá trị nhằm phát huy thế mạnh của Hà Nội.

Thứ 2, phát huy lợi thế của Hà Nội là nơi tập trung các viện nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu của cả nước, Ủy ban nhân dân thành phố Hà nội tạo điều kiện để các doanh nghiệp phối hợp với các viện nghiên cứu, các trường đại học xây dựng các nhiệm vụ liên quan đến tiếp cận công nghệ mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ, để đặt hàng với Thành phố (đối với nhiệm vụ cấp tỉnh) và đặt hàng với Bộ KH&CN (đối với nhiệm vụ cấp quốc gia), nhằm nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm hàng hóa, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thứ 3, tập trung đầu tư triển khai Đề án xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố, chủ động đề xuất các dự án của Thành phố để lồng ghép vào Đề án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia mà hiện nay Bộ KH&CN đang triển khai.

Thứ 4, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tổng hợp các nhu cầu về công nghệ mới, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp để đặt hàng Bộ KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình quốc gia như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình sản phẩm quốc gia, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ,…. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia mà hiện nay Bộ KH&CN đang quản lý. Đặc biệt, hiện nay Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đang tập trung hỗ trợ các dự án hoàn thiện công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, dự án liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Thứ 5, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ của Thành phố và kết nối với cơ sở dữ liệu công nghệ quốc gia mà Bộ KH&CN quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận, khai thác các cơ sở dữ liệu này. Hiện nay, Bộ KH&CN đang tiếp tục hoàn thiện và vận hành các cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ, chuyên gia công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp lựa chọn sáng chế và công nghệ phù hợp.

Thứ 6, chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế; hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ của thành phố và quốc gia.

Thứ 7, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chương trình phát triển thị trường KH&CN, kết nối cung cầu công nghệ, chợ công nghệ và thiết bị, sàn giao dịch công nghệ; phát triển hệ thống hạ tầng, nguồn nhân lực và các định chế trung gian của thị trường KH&CN, thúc đẩy quan hệ cung cầu đối với sản phẩm KH&CN.

Quốc Hội đã thông qua Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi với nhiều chính sách mới nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn cũng như tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, lành mạnh hóa môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam. Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hà Nội trong việc triển khai các chính sách mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố Hà Nội nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, hấp thu và nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Hà Nội cũng như của đất nước trong thời gian tới./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 2551

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)