Thứ bảy, 24/06/2017 22:11 GMT+7

Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chính thức được thông qua cơ chế đặc thù

Ngày 20/6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Nghị định này gồm 6 Chương, 22 Điều, mở ra những cơ hội đầu tư mới tại Dự án này.

 

Phối cảnh khu CNC Hòa Lạc

 

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%

Nghị định cho phép Dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về thuế. Theo đó, với dự án đầu tư mới tại Khu Công nghệ cao có quy mô vốn từ 4.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 30 năm.

Đối với các dự án đã được UBND cấp tỉnh cấp phép đầu tư trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Công nghệ cao (ngày 23/5/2008) và đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư/Giấy phép đầu tư/Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã được cấp.

Ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư quy định tại Nghị định này, các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này còn được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật khi đáp ứng đủ các điều kiện được hưởng ưu đãi, hỗ trợ.

Năm 2016 đánh dấu bước chuyển mình của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc khi chuyển sang giai đoạn tập trung thu hút đầu tư công nghệ cao và phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ cho đất nước.

Áp dụng cơ chế “một cửa”

Ban Quản lý được áp dụng cơ chế “một cửa” trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ban Quản lý, cơ chế “một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn khác trong lĩnh vực đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, lao động và các lĩnh vực khác.

Ban Quản lý là cơ quan chủ trì và đầu mối phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn có liên quan trong việc giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" và "một cửa liên thông” quy định tại khoản 1 Điều này; ban hành quy chế quản lý, sử dụng đất đai bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, đúng đối tượng, hiệu quả và phù hợp với đặc thù của Khu Công nghệ cao; ban hành quy chế quản lý hoạt động đối với các khu chức năng có chủ đầu tư hạ tầng.

Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan có trách nhiệm phân cấp, ủy quyền cho Ban Quản lý, ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn Ban Quản lý thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Khu Công nghệ cao và phối hợp với Ban Quản lý trong quá trình thực hiện.

Ban Quản lý lập biên bản đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường, đầu tư, lao động tại Khu Công nghệ cao và chuyển biên bản đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để xử lý theo quy định.

Thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, năm 2016, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã tổ chức ký kết hợp tác với các đơn vị, tổ chức có liên quan (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam...

Bố trí đủ quỹ đất xây nhà ở cho người lao động

Về chính sách phát triển nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao, UBND thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và phát triển nhà ở (bao gồm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và công trình nhà ở).

Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án nhà ở cho người lao động làm việc tại Khu Công nghệ cao được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại Nghị định này.

Xem xét cấp thị thực, xuất cảnh, nhập cảnh có giá trị sử dụng nhiều lần

Về chính sách xuất nhập cảnh và quản lý người lao động nước ngoài tại khu CNC Hòa Lạc, Nghị định quy định nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài và thành viên gia đình (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được xem xét cấp thị thực xuất cảnh, nhập cảnh có giá trị sử dụng nhiều lần và thời hạn phù hợp với thời gian làm việc trực tiếp tại Khu Công nghệ cao.

Trưởng ban Quản lý xét cho phép sử dụng thẻ doanh nhân APEC đối với doanh nhân Việt Nam đang làm việc trong các doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hoạt động tại khu công nghệ cao.

Ban quản lý cấp giấy phép lao động theo quy định, thủ tục rút gọn đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài làm việc tạo khu công nghệ cao theo ủy quyền của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trưởng ban Quản lý quyết định chấp nhận kế hoạch sử dụng người lao động nước ngoài của các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghệ cao, quyết định cho phép nhà thầu tại khu công nghệ cao được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào các vị trí công việc không tuyển được người lao động Việt Nam theo ủy quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Đối với các dự án cần đặc biệt thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung. Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/8/2017.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một khu sản xuất tại khu công nghệ cao Hòa Lạc

 

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc ký kết hợp tác với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 4512

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)