Tham dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc; Chánh văn phòng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; lãnh đạo các cơ quan báo chí của Bộ KH&CN cùng hơn 50 nhà báo, phóng viên, biên tập viên đại diện các cơ quan thông tấn báo báo chí.
Tại buổi gặp mặt, đại diện một số cơ quan thông tấn, báo chí đã chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp cũng như đề xuất, kiến nghị nhằm phát huy và tăng cường vai trò của truyền thông đối với sự phát triển KH&CN. Hoạt động KH&CN có những đặc thù riêng nên cần có sự phối hợp tích cực của các cơ quan báo chí nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KH&CN.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, đây là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm giao lưu và tri ân những tình cảm mà các phóng viên, nhà báo đã dành cho Bộ KH&CN và ngành KH&CN.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu
Thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng ngành KH&CN trong suốt thời gian qua, đồng thời bày tỏ hy vọng, tin tưởng, thông qua Câu lạc bộ Nhà báo về KH&CN và đầu mối của các cơ quan báo chí, hai bên ngày càng có sự phối hợp chặt chẽ hơn, cùng quan sát, đồng hành để xã hội, doanh nghiệp thấu hiểu và chia sẻ và đi tới thành công, đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, trong bối cảnh mới, KH&CN không chỉ thể hiện trên nghị quyết hay chương trình hành động, mà phải thật sự trở thành đòn bẩy cho công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để phát triển đất nước bền vững.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua các nhà báo đã thật sự chung sức chung lòng cùng với Bộ, với ngành KH&CN, khắc họa sắc nét các hoạt động KH&CN. Với nhiều hình thức phong phú, các nhà báo đã chuyển tải kịp thời tinh thần, thông điệp của các cơ chế, chính sách KH&CN vào cuộc sống; tôn vinh các cá nhân, tổ chức điển hình, có kết quả hoạt động tốt; động viên các lĩnh vực, ngành, tổ chức KH&CN,… tiếp tục sáng tạo, phát triển KH&CN.
“KH&CN là ngành khô khan hơn so với các lĩnh vực khác, vì thế để hiểu, để thấm cần quá trình rất dài. Những người làm khoa học rất cần có sự đồng hành của các cơ quan báo chí để thông tin khoa học đến với đời sống một cách chân thực nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, nếu trước đây rất ít doanh nghiệp quan tâm đến KH&CN thì nay thông qua các bài viết, câu chuyện thực tiễn, doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến chuyển giao và đổi mới công nghệ, hơn nữa doanh nghiệp là lực lượng trung tâm đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế. Sự thay đổi này có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí. Báo chí đã giúp KH&CN gần hơn với xã hội, các bài viết nêu ra được nhiều vấn đề, phương diện mà xã hội quan tâm.
Bên cạnh sự chung sức, chung lòng đồng hành của các cơ quan báo chí, Bộ trưởng hy vọng sẽ có sự tiếp nối, kế thừa để có chặng đường dài tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện trên sân chơi toàn cầu, sẽ tác động, làm thay đổi cách thức quản lý, hoạt động của KH&CN nước nhà. Cùng với đó, hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, ứng dụng KH&CN vào cuộc sống sẽ được đẩy mạnh hơn, nhanh hơn.
Năm 2016, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ KH&CN tăng 14 bậc so với năm 2015, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Có được kết quả trên, Lãnh đạo Bộ KH&CN thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện phân công cải cách hành chính của Bộ. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các hoạt động thực hiện cải cách hành chính tại các đơn vị trực thuộc Bộ được tăng cường. Bộ KH&CN đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các nội dung đảm bảo yêu cầu, tiến độ theo kế hoạch, đã xác định đầy đủ các nhiệm vụ cải cách hành chính trên các lĩnh vực theo chương trình cải cách hành chính của Chính phủ; Theo báo cáo về Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2017 (GII-2017) được công bố chiều 15/6, Việt Nam xếp hạng 47/127, vượt 12 bậc so với năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được từ trước đến nay. Nhằm tiếp tục cải thiện kết quả đổi mới sáng tạo, năm 2017, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN làm đầu mối hướng dẫn, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, sử dụng báo cáo hằng năm về GII để thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, được thể hiện thông qua việc cải thiện các chỉ số GII; Với tỷ lệ tán thành 93,28 %, Luật chuyển giao công nghệ được Quốc hội thông qua ngày 19/6 được kỳ vọng sẽ hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh; …
Trong thời gian tới, toàn ngành KH&CN tiếp tục thực hiện tinh thần, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết 20 Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc; các chủ trương chính sách phát triển KH&CN được tiếp tục bổ sung trong Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về Một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; gần đây nhất là Nghị quyết Trung ương 5 Khóa XII về phát triển doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ KH&CN chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà báo, phóng viên hoạt động trong lĩnh vực KH&CN