Các công trình thủy điện lớn trên lưu vực sông Đồng Nai đã và đang xây dựng như Trị An, Đa Nhim, Thác Mơ, Hàm Thuận - Đa Mi, Đại Ninh... có tổng công suất lắp máy tính đến năm 2010 là trên 2.200 MW. Các hồ chứa của nhà máy thủy điện đều có quy mô rất lớn, với tổng dung tích các hồ đã và đang xây dựng đến năm 2010 lên đến 8,4 tỉ m3. Các hồ thủy điện này ngoài mục đích phát điện còn có khả năng cung cấp nước phục vụ các nhu cầu kinh tế khác như tưới, cấp nước sinh hoạt, phòng lũ v.v... Nhìn chung, các công trình lớn trên các dòng chính và nhánh là công trình lợi dụng tổng hợp, ngoài nhiệm vụ chính là phát điện, cấp nước, các công trình còn có nhiệm vụ tưới trực tiếp và cắt giảm lũ cho hạ lưu, đặc biệt là các công trình Trị An, Thác Mơ-Cần Đơn, Dầu Tiếng, Hàm Thuận và Đa Nhim.
Với nhiệm vụ làm rõ các tác động của hệ thống công trình khai thác nguồn nước tới phân phối và sử dụng nước, xem xét dự báo các các tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn nước và đề xuất các giải pháp khoa học để duy trì và phát triển bền vững nguồn nước trên lưu vực sông Đồng Nai. Cơ quan chủ trì Viện Quy hoạch Thủy lợi cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Lương Quang Xô để thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình khai thác nguồn nước đến phân phối, sử dụng nước trên lưu vực sông Đồng Nai, đề xuất các giải pháp duy trì và phát triển bền vững nguồn nước”.
Trong thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
Ngày nay, nước và tài nguyên nước được xem là có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự sống còn của nhân loại. Nước được xếp vào vị tri thứ 2 sau con người. Chính vì thế, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước ngày càng trở nên cấp thiết và không thể chậm trễ nếu loài người muốn có một tương lai tốt đẹp hơn. Lưu vực sông Đồng Nai và phụ cận (LVSĐN&PC) cũng không nằm ngoài mong muốn này.
Trong quy trình quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông, giải bài toán cân bằng nước đóng vai trò then chốt và quan trọng nhất. Mục tiêu của quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý tổng hợp lưu vực sông cũng chính từ mục tiêu của cân bằng nước là phát triển tài nguyên nước một cách toàn diện, hài hòa, đảm bảo một sự cân bằng giữa con người và thiên nhiên, giữa khai thác, sử dụng và bảo vệ, giữa hôm nay và mai sau, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH) và mọi biến động của thiên nhiên.
Nguồn nước LVSĐN&PC tuy khá dồi dào nhưng do phân bố không đều cả theo không gian và thời gian nên trong khi có vùng thừa nước thì có vùng lại thiếu nước, thậm chí thiếu nước nghiêm trọng, có thời kỳ thừa nước gây lũ lụt nhưng cũng có thời kỳ thiếu nước gây hạn hán. Để đáp ứng nhu cầu nước cho mọi ngành kinh tế - xã hội trên mỗi vùng trên lưu vực, các giải pháp công trình cơ bản nhất là xây dựng hồ chứa, xây dựng các kênh tiếp nước và chuyển nước trong lưu vực và liên lưu vực, hoàn chỉnh hệ thống cấp nước cho từng Tiểu lưu vực đến lưu vực.
Qua nhiều năm phát triển, hiện trên LVSĐN&PC có một hệ thống công trình phát triển nguồn nước (thủy lợi, thủy điện, cấp nước...) khá phong phú và rộng khắp, song, cân bằng nước hiện trạng cho thấy vẫn còn thiếu nước ở một số Tiểu lưu vực/Tiểu vùng và ở tất cả các Lưu vực/Vùng. Vì thế, việc tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, tạo nguồn là rất quan trọng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nước cho các giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai, cũng như ứng phó hiệu quả với các tác động của BĐKH.
So sánh với năm 2000 cho thấy nhu cầu nước năm 2010 đã tăng 1,46 lần và khả năng cấp nước của các công trình khai thác nguồn nước trên lưu vực tăng lên 1,52 lần. Các vùng thượng và trung lưu sông Đồng Nai, sông Bé, vùng ven biển đã được cấp nước tăng lên gấp hơn hai lần so với năm 2000. Điều này có được là do trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2010, trên lưu vực đã xây dựng nhiều công trình thủy lợi, thủy điện có khả năng điều tiết và cấp nước cho các nhu cầu dùng nước của lưu vực sông Đồng Nai, khả năng cấp nước tăng nhanh hơn so với nhu cầu.
Các hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai không có dung tích phòng lũ và không có nhiệm vụ phòng chống lũ cho hạ du. Tuy nhiên các hồ chứa trên LVSĐN đã cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du Đồng Nai - Sài Gòn rất hiệu quả. Trong trận lũ năm 2000 xảy ra lũ trên LVSĐN, các hồ chứa đã cắt giảm lũ đến tương đương tần suất 20% thành 25% nên hạ du không bị ngập nặng. Hồ Dầu Tiếng đã cắt giảm lũ rất hiệu quả cho hạ du sông Sài Gòn, hiện nay hầu như chỉ xả tối đa 200-400m3/s khi có lũ. Quy trình vận hành xả lũ của các hồ trên LVSĐN phụ thuộc vào dung tích siêu cao mà không có dung tích phòng lũ nên hiệu quả giảm lũ chưa cao. Để giảm lũ cho hạ du cần bổ sung dung tích phòng lũ cho các hồ, tuy nhiên sẽ làm giảm điện lượng của các NM thủy điện.
Các hồ thượng lưu đã làm tăng dòng chảy mùa kiệt cho vùng hạ du Đồng Nai - Sài Gòn. Hồ Trị An đã tăng dòng chảy kiệt tối thiểu từ 60 m3/s lên 160 m3/s, hồ Thác Mơ làm tăng dòng chảy kiệt từ 14m3/s lên 70 m3/s. Các lưu lượng bổ sung tăng thêm mùa kiệt đã tham gia đẩy mặn và cải tạo môi trường cho vùng hạ du Đồng Nai -Sài Gòn rất hiệu quả. Biên mặn đã được đẩy về phía biển từ 10-15km so với khi chưa có các công trình hồ chứa.
Theo tính toán cân bằng nước, hồ La Ngà 3 có khả năng cấp nước tưới cho đập Tà Pao 20.340 ha và Võ Đắc 9.700 ha, 13.900 ha cho lưu vực sông Dinh, 4.000 ha của vùng cao Xuân Lộc, 10.500 ha vùng thượng lưu sông Ray, 20.000 ha của đồng bằng Phan Thiết, cấp nước công suất 300.000m3/ngày cho tỉnh Bình Thuận (100.000m3 cho lưu vực sông Dinh và 200.000m3 cho khu vực thành phố Phan Thiết) và 300.000m3/ngày cho lưu vực sông Ray của Bà Rịa Vũng Tàu. Tổng diện tích tưới dự kiến của hồ La Ngà 3 là 78.840 ha. Kết hợp phát điện sau đập với công suất đảm bảo 90% là 11,357 MW, công suất lắp máy dự kiến là 34 MW, điện lượng trung bình năm là 152,2.106KWh. Hồ La Ngà 3 có khả năng giảm lũ cho vùng hạ du với dung tích gia cường tạm trữ lũ là 50 triệu m3 (thay cho thủy điện La Ngâu). Có thể chuyển thêm từ 6-10 m3/s từ Hồ Phước Hòa xuống Hồ dầu Tiếng nhằm phục vụ tưới cho Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng hai hồ Đại Ninh và Đa Nhim không có khả năng chuyển thêm cho các vùng đồng bằng ven Biển, nếu có phải thay đổi chế độ vận hành ưu tiên từ phát điện sang phục vụ tưới và sinh hoạt. Qua quá trình tính toán, hai nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không nên xây dựng, bởi vì làm ngập diện tích lớn của rừng Cát Tiên, ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Sản lượng điện không nhiều, có thể bù đắp bằng nhiệt điện và điện hạt nhân. Dự án lấn sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP Biên Hòa: Qua quá trình tính toán, đã chỉ ra ảnh hưởng rất ít đến khả năng thoát lũ và chế độ dòng chảy mùa kiệt. Vấn đề xói lở-bồi lắng cần phải xem xét thêm.
Để đạt được hiệu quả tối ưu của các công trình khai thác nguồn nước trên sông Đồng Nai cần thiết phải tiến hành lập quy trình vận hành liên hồ chứa. Hầu hết các hồ chứa ở đây dung tích phòng lũ rất hạn chế, đề nghị cần có giải pháp nâng cao dung tích phòng lũ nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Trên sông Sài Gòn từ Thủ Dầu Một trở xuống, trên sông Đồng Nai từ Biên Hòa trở xuống: Chế độ mực nước, hầu như không thay đổi so với sự thay đổi thượng lưu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12881/2016) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.