Thứ sáu, 16/06/2017 11:52 GMT+7

Nghiên cứu chọn và nhân giống Keo lá liềm (Acacia crassicarpa) và Keo tai tượng (A. mangium) phục vụ trồng rừng kinh tế

Keo tai tượng và Keo lá liềm là hai loài cây đã được xác định là loài cây trồng rừng chủ yếu ở nước ta. Từ 2010-2015, Việt Nam đã trồng gần 733.000 ha Keo tai tượng trên nhiều lập địa vùng thấp từ Bắc tới Nam (Tổng cục Lâm nghiệp, 2015). Trong khi Keo lá liềm được trồng ít hơn (6500 ha tập trung chủ yếu ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) nhưng lại là loài cây sinh trưởng nhanh và có triển vọng cho các vùng cát và cát nội đồng ven biển miền Trung, nơi chưa xác định được nhiều giống cây trồng rừng kinh tế.

Gỗ của hai loài keo này đã và đang được sử dụng làm gỗ giấy và gỗ, nhưng chất lượng gỗ rừng trồng còn thấp do nguyên nhân rỗng ruột, khối lượng riêng thấp, độ co rút lớn và nhiều khuyết tật. Hiện công tác cải thiện giống cho hai loài cây này còn nhiều hạn chế. Các nghiên cứu trong thời gian qua mới chỉ tập trung vào sinh trưởng, chất lượng thân và ở mức độ thấp (biến dị xuất xứ).

 

Hình ảnh: Cây keo tai tượng

Những năm gần đây, nước ta đã phải nhập hạt giống Keo tai tượng với một khối lượng khá lớn (trên 3 tấn hạt) để phục vụ trồng rừng. Chính vì vậy nghiên cứu nhân giống cho 2 loài Keo tai tượng và Keo lá liềm cũng hết sức cần thiết. Do vật liệu nhân giống của 2 loài nhanh bị già cỗi nên ảnh hưởng rõ rệt tới tỷ lệ ra rễ và chất lượng giống cung cấp, vì vậy 2 loài này chỉ thích hợp với phương thức nhân giống hạt. Việc xây dựng các vườn giống vô tính bằng cây ghép từ các cá thể tốt nhất trong các các gia đình tốt sẽ đảm bảo rút ngắn thời gian cung cấp giống có chất lượng cao cho các chương trình trồng rừng hiện nay. Một giải pháp khác là ứng dụng công nghệ trồng rừng gia đình dòng vô tính (Clonal Family Forest - CFF) đã áp dụng rất thành công cho các loài keo này ở Indonesia và đem lại năng suất vượt 15% so với việc sử dụng hạt giống thu từ các vườn giống. Tuy nhiên để áp dụng được CCF trong trồng rừng đòi hỏi phải nghiên cứu công nghệ nhân giống CFF.

Kế thừa các vườn giống và kết quả đã đạt được của chương trình cải thiện giống Keo tai tượng và Keo lá liềm, nhóm nghiên cứu do TS. Phí Hồng Hải, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu chọn và nhân giống Keo lá liềm (Acacia crassicarpa) và Keo tai tượng (A. mangium) phục vụ trồng rừng kinh tế” nhằm đánh giá sâu và có hệ thống các biến dị và khả năng di truyền của các vườn giống đã được xây dựng, từ đó chọn lọc được các giống tốt và hoàn thiện công nghệ xây dựng CFF phục vụ các chương trình trồng rừng kinh tế ở nước ta.

Các nội dung chính sẽ được triển khai bao gồm:

- Chọn lọc, thu hái, dẫn dòng và khảo nghiệm các gia đình/dòng và cây trội cho Keo tai tượng và Keo lá liềm: để thực hiện nội dung này đề tài nghiên cứu biến dị di truyền trong  một số vườn giống về các tính trạng liên quan tới gỗ xẻ; Chọn lọc và thu hái các gia đình/dòng và cây trội; Dẫn dòng và nhân giống các cây trội chọn lọc; Thiết lập các khảo nghiệm giống (tăng thu di truyền và dòng vô tính).

- Nghiên cứu nhân giống nuôi cấy mô tế bào cho các dòng được chọn lọc và nhân  giống CFF (Clonal Family Forestry) bằng mô và hom cho các gia đình được chọn lọc.

- Xây dựng các vườn giống cây ghép cho cả hai loài.

Sau một thời gian tích cực nghiên cứu, nhóm nghiên cứu thu được các kết quả như sau:

- Các biến dị và khả năng di truyền của Keo tai tượng đã được nghiên cứu ở 3 vườn giống thế hệ 2 tại Tuyên Quang, Hà Nội và Bình Dương và 1 vườn giống vô tính tại Phú Thọ. Trong khi nghiên cứu biến dị và khả năng di truyền của Keo lá liềm đã được nghiên cứu ở 3 vườn giống thế hệ 1 tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Bình Thuận và 3 vườn giống thế hệ 2 tại tại Hà Nội, Quảng Trị và Quy Nhơn.

- Các tính trạng sinh trưởng, chất lượng thân, chất lượng gỗ liên quan tới gỗ xẻ (khối lượng riêng, Fakop, mô đun uốn tĩnh, mô đun đứt gẫy, co rút, độ cứng gỗ) và chất lượng gỗ liên quan tới gỗ giấy (khối lượng riêng và hàm lượng cellulose) ở tất cả các vườn giống biến động khá lớn giữa các gia đình và cá thể. Khả năng di truyền của các tính trạng sinh trưởng và chất lượng thân ở mức thấp tới trung bình, trong khi các tính trạng chất lượng gỗ khá cao.

- Đối với Keo tai tượng, đã chọn được 105 cá thể/dòng/gia đình tốt trong các gia đình Keo tai tượng tốt về năng suất và chất lượng gỗ tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Ba Vì và Bầu Bàng. Các cây trội/dòng Keo tai tượng có độ vượt 316-444% về thể tích, 5-23% về tính chất cơ lý gỗ so với trung bình vườn giống. Đã dẫn giống được 70 dòng.

- Xây dựng 01 vườn vật liệu tại Ba Vì - Hà Nội phục vụ ghép cây (500m2), 4 ha khảo nghiệm dòng vô tính tại Ba Chẽ - Quảng Ninh và Cam Lộ - Quảng Trị, 1,5 ha vườn giống cây ghép tại Tiên Yên - Quảng Ninh. Các khảo nghiệm đều sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao trên 95%.

- Đối với Keo lá liềm đã chọn được 100 cá thể tốt trong các gia đình tốt về năng suất và chất lượng gỗ tại Đông Hà, Thừa Thiên Huế và Bình Thuận. Các cây trội Keo lá liềm ở vườn thế hệ 1 và 2; vượt 153-825% về thể tích so với TBKN vượt 121-170% so với trung bình gia đình; hàm lượng cellulose từ 50-53%; khối lượng riêng 442-567 kg/m3.

- Đã dẫn giống được 60 dòng; Xây dựng 01 vườn vật liệu tại Ba Vì - Hà Nội phục vụ ghép cây (500m2), 1,5 ha khảo nghiệm tăng thu di truyền tại Thừa Thiên Huế, 4 ha khảo nghiệm dòng vô tính kết hợp làm VG tại Hàm Thuận Nam - Bình Thuận và Cam Lộ - Quảng Trị, 1,5 ha vườn giống cây ghép tại Hàm Thuận Nam - Bình Thuận. Các khảo nghiệm đều sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao trên 95%.

- Nghiên cứu nhân giống mô CFF đã xác định được phương pháp khử trùng và nhân  chồi, ra rễ, số lần tối đa cấy chuyển cho nhân giống mô CFF cho 10 gia đình/loài. Trong khi nghiên cứu nhân giống CFF hom đã nghiên cứu ảnh hưởng phân bón, tuổi vật liệu và tần suất thu hoạch hom tới khả năng nhân giống hom CFF cho cả 2 loài. Xác định được hệ số nhân là 572 hom giâm/m2 cho Keo tai tượng và 224 hom/m2 cho Keo lá liềm. Nhân giống mô CFF  có hệ số nhân rất cao từ 2.000 - 2400 cây con từ 1 hạt nuôi cấy. Nhân giống mô các dòng vô tính cũng đã xác định được phương pháp khử trùng và nhân chồi và ra rễ.

- Công nhận giống tiến bộ kỹ thuật cho 7 gia đình Keo tai tượng, vượt 25-45% so với trung bình vườn giống (25-30 m3/ha/năm) và 11 gia đình Keo lá liềm, vượt 20-34% về sinh trưởng; 5-14% về hàm lượng cellulose và khối lượng riêng so với trung bình vườn giống (22-27 m3/ha/năm); Có được 1,5 ha vườn giống Keo tai tượng (60 dòng) và 1,5 ha vườn giống Keo lá liềm (50 dòng).

Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép thực hiện các dự án sản xuất thử về nhân giống mô CFF và khảo nghiệm mở rộng các giống tiến bộ kỹ thuật cho Keo tai tượng và Keo lá liềm và các nghiên cứu cải thiện giống Keo tai tượng phục vụ trồng rừng gỗ lớn và cải thiện Keo lá liềm phục vụ trồng rừng kinh tế cho miền Trung.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12616-2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 4162

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)