Thứ năm, 08/06/2017 22:05 GMT+7

Sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Sâm Ngọc Linh cùng với tôm nước lợ và cà phê Việt Nam chất lượng cao là những sản phẩm được bổ sung trong danh mục.

Việc Sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia là một sự kiện ý nghĩa trước thềm Festival di sản Quảng Nam lần thứ 6 năm 2017. Lễ hội sâm núi Ngọc Linh với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh” sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13/6 tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng một số cơ chế ưu đãi đặc thù cho từng sản phẩm.

Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số tại Trung Trung bộ Việt Nam, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng sử dụng như một loại củ rừng, mà họ gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu, chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Trong kháng chiến, sâm Ngọc Linh đã từng được đồng bào sử dụng để trị vết thương, sốt rét, cảm hàn,… cho bộ đội.

 

Hình dạng cây sâm Ngọc Linh 6 năm tuổi

 

Sâm Ngọc Linh là loài thân thảo, có tên khoa học là Panax vietnamensis thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Ngoài ra, còn có một số tên gọi khác là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm), củ ngải rọm con hay cây thuốc dấu của đồng bào dân tộc sống xung quanh núi Ngọc Linh. Cây sâm Ngọc Linh được biết đến chính thức đầu tiên ở Việt Nam vào ngày 18/3/1973 bởi dược sỹ Đào Kim Long, Nguyễn Châu Giang và Nguyễn Thị Lê ở đới độ cao 1.800 thuộc dãy Ngọc Linh và đặt tên là Panax articulatus Kim Long Đào. Đến năm 1985, tiến sĩ Hà Thị Dụng và giáo sư Grushvisky đã xác định đây là một loài nhân sâm mới của Thế giới và đặt tên khoa học là Panax vietnamensis Ha et Grushv, thường được gọi là sâm Việt Nam.

Có thể nói rằng cả Thế giới chỉ có nước Việt Nam, cả nước chỉ có 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum và tại 2 tỉnh cũng chỉ có 3 huyện với 9 xã là Trà Linh, Trà Nam (huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam), Ngọc Linh, Mường Hoong (huyện Đắk Glei - tỉnh Kon Tum) và Măng Ri, Ngọc Lây, Ngọc Yêu, Tê Xăng, Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông - tỉnh Kon Tum) là có sâm Ngọc Linh. Đã có nhiều kiểm nghiệm về việc di thực giống sâm Ngọc Linh, nhưng khi đem trồng ở các vùng khác có cùng điều kiện thổ nhưỡng, cây sâm vẫn không phát triển. Như vậy có thể thấy được rằng sâm Ngọc Linh là cây bản địa Việt Nam, đặc hữu của vùng núi Ngọc Linh.

Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 hecta, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa./.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 5821

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)