Thứ năm, 25/05/2017 16:46 GMT+7

Việt Nam tham dự Cuộc họp quốc tế lần thứ 5 của các Đầu mối quốc gia về CBRN tại Brúc-xen, Vương quốc Bỉ

Trong khuôn khổ Sáng kiến thiết lập Trung tâm hợp tác tiên tiến về giảm thiểu nguy cơ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN), từ ngày 16-18/5/2017, tại thủ đô Brúc-xen, Vương quốc Bỉ đã diễn gia Cuộc họp quốc tế lần thứ 5 của các Đầu mối quốc gia (NFP) về CBRN. Đoàn Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN), Đầu mối quốc gia thứ nhất về CBRN của Việt Nam làm Trưởng đoàn đến tham dự Cuộc họp.

 

 

Cuộc họp lần này có sự góp mặt của 157 đại diện, bao gồm các Đầu mối quốc gia đến từ 57 nước (thuộc 8 khu vực địa lý trên thế giới), đại diện của Ủy ban châu Âu (EC), Trung tâm Nghiên cứu chung (JRC), Viện Nghiên cứu Tội phạm và Tư pháp liên vùng của Liên Hiệp Quốc (UNICRI) và nhiều quan sát viên đến từ các tổ chức quốc tế khác.

Trong ngày làm việc đầu tiên, phát biểu khai mạc tại phiên toàn thể, bà Cindy Smith, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tội phạm và Tư pháp liên vùng của Liên Hiệp Quốc (UNICRI) đã nhấn mạnh thành tựu của Sáng kiến CBRN đã đạt được trong thời gian qua. Kể từ thời điểm bắt đầu (năm 2010) cho tới nay, Sáng kiến CBRN đã có sự tham gia của 57 quốc gia thành viên, với 54 dự án đã và đang triển khai một cách hiệu quả, đào tạo được gần 4,000 lượt cán bộ trong lĩnh vực CBRN, Sáng kiến thực sự đã xây dựng được một mạng lưới hợp tác toàn cầu, đóng góp mạnh mẽ cho nỗ lực giảm thiểu nguy cơ và rủi ro hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân trên toàn thế giới.

Sau phát biểu khai mạc, Lãnh đạo Ban thư ký (RS) 8 khu vực (Đông Nam và Đông Âu, Trung Đông, Trung Á, Ủy ban các quốc gia hợp tác vùng vịnh, Các nước châu Phi giáp Đại Tây Dương, Trung và Đông Phi, Bắc Phi và Sahel, và Đông Nam Á) lần lượt trình bày cập nhật về tình hình hoạt động trong lĩnh vực CBRN kể từ cuộc họp quốc tế lần thứ 4 của các Đầu mối quốc gia về CBRN (được tổ chức từ ngày 31/5 – 2/6/2016 tại Brussels, Bỉ). Đại diện Lãnh đạo Ban thư ký khu vực Đông Nam Á, ông Danilo Servando đã trình bày sơ lược về tình hình chung tại khu vực,  các hoạt động nổi bật, các dự án đang triển khai, và các bài học thành công liên quan đến việc xây dựng/triển khai Kế hoạch hành động quốc gia (NAP) tại các nước thành viên, trong đó nổi bật là việc 6/10 quốc gia khu vực đã và đang triển khai Kế hoạch hành động quốc gia; Cam-pu-chia đã hoàn thành và được phê duyệt bản NAP vào cuối tháng 2/2017; và việc Chính phủ Philippines đồng ý gia hạn cho Văn phòng Ban thư ký khu vực tiếp tục đặt trụ sở tại Manila, Philippines tới năm 2020.

Buổi chiều cùng ngày, cuộc họp diễn ra theo phương thức cuộc họp bàn tròn chia theo 8 khu vực tương ứng. Cuộc họp bàn tròn khu vực Đông Nam Á (SEA) có sự tham dự của ông Michiel Sweerts, đại diện Kiểm toán từ Tòa án châu Âu; bà Silvia Bottone, Giám đốc Sáng kiến CBRN khu vực Đông Nam Á; ông Robert Frank, Cán bộ hợp tác khu vực; bà Anne-Sophie Lequarre, Giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu chung; Đầu mối quốc gia từ 10 quốc gia thành viên, Ban thư ký khu vực (ông Danilo Servando và ông Harro Wittermans).

Tại phiên họp này, PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải đã cập nhật tình hình hoạt động của Tổ công tác liên Bộ về CBRN ở Việt Nam, tình hình triển khai Dự án số 46 “Nâng cao năng lực cho các quốc gia khu vực Đông Nam Á trong việc giảm thiểu nguy cơ CBRN liên quan đến ứng phó ban đầu, an toàn và an ninh sinh học, hoàn thiện khung pháp luật quốc gia” và Dự án số 47 “Kiểm soát xuất khẩu về các hàng hóa lưỡng dụng” trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến hiệu quả của 02 Dự án này đối với việc nâng cao năng lực kỹ thuật cho cán bộ của các đơn vị có liên quan của Việt Nam. Cũng trong bài trình bày trên, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải đã đề cập đến các hoạt động đã và đang triển khai liên quan tới việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về CBRN của Việt Nam hướng tới mục tiêu hoàn thành Kế hoạch này trong năm 2017 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào Quý I năm 2018.

Sau phần trình bày của đại diện các quốc gia thành viên, Cuộc họp bàn tròn sẽ được tiếp tục với việc thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác trong ngày làm việc tiếp theo./.
 

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 2217

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)