Thứ hai, 22/05/2017 16:33 GMT+7

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam

Trong năm 2016 - 2017, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (HVCTQGHCM) đã triển khai 635 đề tài khoa học. Những điểm mới trong kết quả nghiên cứu của các cán bộ khoa học đã nhanh chóng, trực tiếp thẩm thấu vào các bài giảng cho đội ngũ học viên; góp phần bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Thông tin trên được đưa ra tại Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18-5 do HVCTQGHCM tổ chức chiều 18/5/2017. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện, TS. Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đến dự buổi Lễ.
 

TS. Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ KH&CN tham dự buổi Lễ

 

Tôn vinh đóng góp của thế hệ cán bộ khoa học

Sự kiện được tổ chức nhằm tôn vinh những đóng góp của các thế hệ cán bộ khoa học của Học viện trong sự nghiệp KH&CN và công tác lý luận của Đảng, đồng thời tạo sự thống nhất nhận thức về nhiệm vụ đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động khoa học thời gian tới.

 

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện CTQGHCM chúc mừng các nhà khoa học nhân Ngày KH&CN Việt Nam

 

Tại buổi Lễ, Giám đốc Học viện Nguyễn Xuân Thắng nhớ lại, cách đây 54 năm, ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng Chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam cho hoạt động KH&CN Việt Nam trên suốt chặng đường bảo vệ và xây dựng đất nước hơn 50 năm qua. Và, ngày 18/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật KH&CN, trong đó quy định lấy ngày 18/5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam nhằm tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu KH&CN; tuyên truyền, phổ biến tri thức khoa học; nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam.

“Niềm tự hào và tinh thần cao quý đó phải được bồi đắp để trở thành một nguồn động lực nội sinh quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất - nguồn lực con người, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế”, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

HVCTQGHCM là trung tâm quốc gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp, cán bộ khoa học lý luận chính trị của cả hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý; là cơ quan tham mưu, đề xuất, cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chính sách xây dựng, phát triển đất nước. Cùng chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoạt động nghiên cứu khoa học là chức năng quan trọng hàng đầu của Học viện. Với đội ngũ giáo sư, chuyên gia, các nhà khoa học có trình độ cao, thời gian qua, Học viện đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác lý luận của Đảng.

Trong những năm gần đây, nhất là từ 2016, hoạt động khoa học của Học viện ngày càng phát triển về quy mô nhiệm vụ khoa học, số lượng các công trình, xây dựng nguồn nhân lực khoa học, đổi mới cơ chế quản lý,… Đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ khoa học quốc tế và cấp quốc gia.

Thực hiện trên 630 đề tài, nhiệm vụ KH&CN

Báo cáo hoạt động năm 2016-2017, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN của Học viện thời gian tới, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học Lê Văn Lợi cho biết, những năm qua, HVCTQGHCM đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh hoạt động khoa học. Trong năm 2016 - 2017, Học viện đã triển khai 635 đề tài khoa học, trong đó có nhiều đề tài khoa học quy mô lớn. Cụ thể, đã thực hiện 43 nhiệm vụ cấp quốc gia, gồm 11 đề tài khoa học cấp Nhà nước thuộc Chương trình khoa học do Hội đồng lý luận Trung ương và Ủy ban Dân tộc chủ trì; 6 đề tài khoa học cấp Nhà nước thuộc các chương trình KH&CN khác; 8 đề tài khoa học thuộc Quỹ Nafosted; 18 đề tài khoa học do Ban Bí thư giao. “Có thể nói, chưa bao giờ Học viện đảm nhiệm số lượng nhiệm vụ khoa học cấp quốc gia nhiều như hiện nay”, ông Lợi nói.

Ông cũng cho biết thêm, về nhiệm vụ khoa học cấp bộ, cấp cơ sở, đã triển khai 2 chương trình khoa học cấp bộ trọng điểm; 14 đề án, đề tài cấp bộ trọng điểm; 89 đề tài cấp bộ và 320 đề tài cấp cơ sở. Ngoài ra, các Học viện trực thuộc còn khai thác các nguồn kinh phi tự chủ triển khai hàng trăm đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở và các đề tài liên kết với các bộ, ngành. Bên cạnh đó, Học viện đã tiếp tục mở rộng, tăng cường nhiều hoạt động hợp tác nghiên cứu với các đối tác quốc tế.

Năm 2016 – 2017, toàn Học viện có khoảng trên 200 công trình nghiên cứu khoa học được xã hội hóa dưới các hình thức xuất bản sách, đăng tải trên các báo, tạp chí, bản tin, các phương tiện truyền thông đại chúng. Các đề tài, nhiệm vụ khoa học đều được đưa vào sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu của Học viện.

Theo nhận định của Giám đốc Học viện Nguyễn Xuân Thắng, các hoạt động khoa học của Học viện được triển khai đồng bộ và có nhiều chuyển biến. Chất lượng nghiên cứu khoa học ngày càng được nâng cao. Những điểm mới trong kết quả nghiên cứu của các cán bộ khoa học đã nhanh chóng, trực tiếp thẩm thấu vào các bài giảng cho đội ngũ học viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các bộ, ngành địa phương. Từ đó, được họ ứng dụng vào lãnh đạo giải quyết, xử lý các công việc chuyên môn của mình. Đồng thời đã góp phần bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các bộ, ngành, địa phương.

“Thành tích khoa học của Học viện có sự đóng góp cả về tâm lực, trí lực của các thế hệ cán bộ khoa học của Học viện, từ các nhà khoa học tiền bối ngày đầu khai sinh mái “Trường Đảng”, cho đến các nhà khoa học trẻ hôm nay”, Giám đốc Học viện ghi nhận.
 

Các sản phẩm của HVCTQGHCM trưng bày tại buổi Lễ

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động khoa học của Học viện cũng còn một số hạn chế, bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ như chưa huy động được tối đa tiềm năng chất xám của nguồn nhân lực khoa học, nhất là nguồn nhân lực trẻ trong nghiên cứu; chưa hình thành được hệ thống thông tin kết nối, tạo ra sự thông suốt giữa các đơn vị trong Học viện. Việc cập nhật những thông tin khoa học mới trên thế giới và Việt Nam còn hạn chế;…

Để nâng cao chất lượng hoạt động khoa học, Học viện đã xác định tiếp tục tiến hành “phân luồng” các loại hình nghiên cứu; tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình khoa học. Xây dựng, triển khai một hệ thống các biện pháp gắn liền với quy trình nghiên cứu từ đầu vào cho đến đầu ra; đổi mới cơ chế hoạt động khoa học nhằm tạo động lực cho cán bộ khoa học tích cực nghiên cứu, say mê tìm tòi, sáng tạo ra các công trình có chất lượng, có giá trị về khoa học; đổi mới hoạt động thông tin khoa học theo hướng cập nhật, hiện đại và thông suốt; xây dựng đề án, sớm đưa ra cơ chế để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh đủ sưc giải quyết những vấn đề khoa học cấp bách;…

“Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đòi hỏi mỗi nhà khoa học với những cương vị khác nhau, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, say mê trong nghiên cứu và quản lý khoa học để từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập hiện tại, đưa hoạt động khoa học của Học viện phát triển lên tầm cao mới”, ông Thắng nói.

Tại buổi Lễ, các đại biểu đã được nghe tham luận của nhiều đơn vị, nhà khoa học, tập trung đánh giá về những đóng góp của hoạt động khoa học trong từng lĩnh vực cụ thể, đồng thời đóng góp, đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn,… Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, cần xây dựng một chế độ phản biện và ngoài việc cơ quan tham mưu tổng kết, các nhà khoa học cũng cần độc lập tổng kết thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, sản phẩm nghiên cứu đó có thể đồng hành với các sản phẩm khác của các cơ quan khác của Trung ương để tham mưu cho khách quan hơn; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học - hạt nhân, nhân tố quan trọng nhất khẳng định vị thế của Học viện. 

Nhân ngày KH&CN Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Học viện, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng đánh giá cao, đặt niềm tin và nhiều kỳ vọng vào các nhà khoa học của Học viện. Đồng thời tin tưởng, Ngày KH&CN Việt Nam sẽ là một sự kiện thường niên, gắn kết cộng đồng khoa học trong và ngoài Học viện; truyền cảm hứng và niềm say mê nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, những người làm công tác của Học viện./.
 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3321

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)