Năm 2017, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted), cơ quan thường trực của Giải thưởng Tạ Quang Bửu đã tiếp nhận 30 hồ sơ đăng ký tham gia. Số lượng hồ sơ năm nay có tỷ lệ nhà khoa học trẻ (không quá 35 tuổi) và nhà khoa học nữ tăng so với các năm trước, đạt 17% nhà khoa học nữ và 33% nhà khoa học trẻ. Các hội đồng khoa học chuyên ngành của Quỹ đã họp đánh giá và đề cử bốn hồ sơ lên Hội đồng Giải thưởng, trong đó đề cử ba giải thưởng chính và một giải thưởng nhà khoa học trẻ là tác giả của các công trình khoa học xuất sắc.
Theo GS.TSKH Đinh Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng, đây là Giải thưởng tôn vinh các nhà khoa học đã có những thành tựu nghiên cứu xuất sắc được cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế thừa nhận, ghi nhận sự đóng góp của họ cho nền khoa học Việt Nam và thế giới. Giải thưởng không mang tính hư danh, bởi do chính các nhà khoa học xét chọn, nên người được trao giải cảm thấy vinh dự thật sự và được các đồng nghiệp “tâm phục, khẩu phục”.
Một trong những đòi hỏi khắt khe của Giải thưởng là bài báo khoa học có liên quan tới Giải thưởng phải được công bố trên các tạp chí chuyên môn hàng đầu thế giới, được quốc tế thừa nhận (Web of Science, Scimago).
Hai nhà khoa học đứng đầu danh sách đề cử năm nay là PGS.TS Toán học Nguyễn Sum (Đại học Quy Nhơn) và GS.TS Hóa học Phan Thanh Sơn Nam (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
PGS.TS Nguyễn Sum
PGS.TS Nguyễn Sum hiện đang làm việc tại Đại học Quy Nhơn, nơi vốn không phải là một trung tâm toán học. Ông được trao giải thưởng với một công trình khoa học đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, được rút gọn từ một tiền ấn phẩm 240 trang. Công trình khoa học này đã giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết “va đập” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Công trình có bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990. Với công trình này, ông đã có một bài báo dài 57 trang được công bố năm 2015 trên một trong những tạp chí toán học hàng đầu thế giới: “Nguyễn Sum, On the Peterson hit problem, Advances in Mathematics, Vol. 274 (2015), 432-489”. Không chạy theo số lượng công bố công trình khoa học, ông đã kiên trì bảy năm để theo đuổi bài toán mở chưa có lời giải trọn vẹn trong lĩnh vực tô pô đại số.
Còn GS.TS Phan Thanh Sơn Nam là tác giả chính của công trình khoa học xuất sắc về chất xúc tác trong lĩnh vực hóa học kỹ thuật. Công trình đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu khung hữu cơ - kim loại (MOFs) làm chất xúc tác cho các phản ứng tổng hợp các hợp chất hữu cơ họ propargylamine. Đặc biệt, công trình đã phát hiện ra một chuyển hóa của N-methilaniline chưa từng được công bố. Đây là công trình khoa học được thực hiện ở Việt Nam, bởi năm tác giả là người Việt Nam. Bài báo khoa học làm nên giải thưởng được các nhà chuyên môn trên thế giới rất quan tâm, với 21 lần trích dẫn. Là một trong những nhà khoa học được phong học hàm giáo sư trước 40 tuổi, từ năm 2010, GS.TS Phan Thanh Sơn Nam đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh công bố được 48 bài báo khoa học trên Tạp chí quốc tế ISI theo hướng nghiên cứu trên.
PGS.TS Hoàng Thị Thu Hà
Nhà khoa học nữ duy nhất trong danh sách đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay là PGS.TS Hoàng Thị Thu Hà - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương với công trình "Vắc-xin ho gà trên phụ nữ có thai tại Việt Nam: Kết quả của một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên". Công trình được thực hiện từ năm 2012 đến 2016, do PGS.TS Hoàng Thị Thu Hà làm trưởng nhóm đã đưa ra các bằng chứng khoa học cho thấy tiêm phòng ho gà cho phụ nữ có thai là an toàn và có thể sử dụng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ nhỏ.
Đề tài đã tiếp cận được hướng nghiên cứu khá mới và cập nhật của thế giới. Cùng với nhóm nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Việt Nam đã thực hiện song song và đối chứng với nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Bỉ. Kết quả khá tương đồng và nhận được sự đánh giá cao của các đồng nghiệp quốc tế.
TS Bùi Hùng Thắng
Đề cử duy nhất cho Giải trẻ Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 là TS. Bùi Hùng Thắng (Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với công trình “Mô hình cải tiến về độ dẫn nhiệt của chất lỏng chứa thành phần ống nano cacbon". Về mặt lý thuyết, TS. Bùi Hùng Thắng đã xây dựng thành công mô hình tính toán về độ dẫn nhiệt của chất lỏng chứa thành phần CNTs. Theo đó, kết quả nghiên cứu về mô hình tính toán lý thuyết của đề tài đã giúp nhóm nghiên cứu có bốn bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế (trong đó, ba bài công bố trên tạp chí đạt chuẩn ISI).
Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2014, nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có kết quả công bố xuất sắc trong nghiên cứu cơ bản thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật.
Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/32893602-giai-thuong-ta-quang-buu-nhung-nha-khoa-hoc-di-cung-nhip-the-gioi.html