Thứ tư, 19/04/2017 08:29 GMT+7

Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bàn cảm ứng bề mặt đa chạm và phát triển các ứng dụng tương tác đa người dùng thế hệ mới

Theo xu hướng của thế giới hiện nay, các thiết bị điện tử sẽ được trang bị giao diện người - máy thế hệ 3: giao diện tự nhiên thay cho các giao diện thế hệ 2: chuột, bàn phím vốn đã bắt đầu trở nên lỗi thời. Điều này được thể hiện rất rõ nét trên các thiết bị di động cá nhân như điện thoại thông minh, máy tính bảng và đang dần lan sang các thiết bị lớn dùng cho công cộng như bàn cảm ứng rất lớn, màn hình quảng cáo…

Trong xã hội hiện đại, nhu cầu về các bàn cảm ứng rất lớn, đặc biệt làm Kiosk thông tin, ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục, bảo tàng và nhiều lĩnh vực khác như các hệ thống chỉ dẫn công cộng, quảng cáo. Ở nước ngoài, trong vài năm gần đây, các sản phẩm và xu hướng công nghệ đa chạm đang được rất nhiều hãng công nghệ hàng đầu quan tâm và đầu tư phát triển như Samsung và SUR Table, Microsoft với công nghệ PixelSense… Từ xu thế đó, năm 2015, nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa do ThS. Đặng Anh Tuấn dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bàn cảm ứng bề mặt đa chạm và phát triển các ứng dụng tương tác đa người dùng thế hệ mới”.


Đề tài nhằm mục tiêu làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo và tích hợp thiết bị bàn cảm ứng bề mặt đa chạm có khả năng kết nối mạng và phát triển các ứng dụng tương tác tự nhiên đa người dùng phục vụ giáo dục và đưa vào sử dụng thử nghiệm tại một số địa chỉ ứng dụng để đánh giá hiệu quả.

Một số kết quả nổi bật của đề tài:

- Bàn cảm ứng đa chạm GT-42 (GREEN TOUCH) hỗ trợ đa điểm chạm, đa người dùng ứng dụng công nghệ quang điện tử chiếu sáng khuếch tán mặt sau.

- Phầm mềm với nội dung phục vụ giảng dạy tiếng Anh hỗ trợ đa người dùng để chạy trên thiết bị bàn cảm ứng “Học tiếng Anh qua hình vẽ” chạy trên bàn cảm ứng và các thiết bị đa chạm tương đương trên nền hệ điều hành MS Window.

- Phầm mềm điều khiển trung tâm cho hệ thống “GDS Server”.

Các sản phẩm trên đã tạo thành một hệ sinh thái, có thể kết hợp nhuần nhuyễn với nhau để cung cấp nhiều giải pháp cho khách hàng trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, quảng cáo… và có thể ứng dụng trong các cơ sở đào tạo, bảo tàng, triển lãm… Một trong các kết quả quan trọng là: trên cơ sở các công nghệ quang điện tử đã làm chủ, nhóm nghiên cứu hoàn toàn có khả năng chế tạo các màn cảm ứng kích thước lớn hơn nữa và không bị hạn chế bởi giới hạn công nghệ như với công nghệ cảm ứng điện dung hoặc cảm ứng điện trở. Do đó, nhóm sẵn sàng chế tạo các thiết bị này khi có đặt hàng và sẽ tiết kiệm kinh phí do không phải nhập ngoại.

Về các ứng dụng trong lĩnh vực giáo dục và quảng cáo, sản phẩm bàn cảm ứng đa chạm hỗ trợ tất cả các hoạt động học tập từ mức nghe nhìn đến mức cao nhất là dạy nhau nên có thể đạt hiệu suất cao đến 90% và cao gấp 18 lần so với giảng dạy truyền thống. Ngoài ra, sản phẩm này cũng có hiệu quả tương tự đối với lĩnh vực quảng cáo, làm tăng hiệu quả quảng cáo lên nhiều lần thông qua việc thực hành và tương tác thay cho các đoạn Video thuần túy. Đây là một lĩnh vực tiềm năng nữa mà hiện nay chưa được khai phá ở Việt Nam.

Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bàn cảm ứng bề mặt đa chạm và phát triển các ứng dụng tương tác đa người dùng thế hệ mới” là một trong những đề tài đầu tiên ở Việt Nam có tham vọng kết nối hai xu hướng này để tạo ta một hệ thống sản phẩm mới bao gồm cả phần cứng và phần mềm, có tính sáng tạo cao và phù hợp với các xu hướng công nghệ hiện đại của thế giới.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12161/2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 2492

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)