Thứ sáu, 31/03/2017 09:13 GMT+7

Bộ KH&CN và UBND tỉnh Hà Nam ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giai đoạn 2017 - 2020

Chiều ngày 30/3/2017, tại trụ sở UBND tỉnh Hà Nam đã diễn ra Lễ ký kết "Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Hà Nam giai đoạn 2017-2020”. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Nam Nguyễn Đình Khang đồng chủ trì buổi Lễ.

Tham dự Lễ ký kết, về phía Bộ KH&CN có Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Về phía UBND tỉnh Hà Nam có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Đại Thắng và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành của tỉnh.
 


Toàn cảnh Lễ ký kết

 

Chương trình ký kết nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Hà Nam trong hoạt động KH&CN, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực của tỉnh hướng tới quy mô sản xuất hàng hóa có sản lượng và chất lượng cao; xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, rác thải, chất thải; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hình thành mạng lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cho ngành công nghiệp; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Tại Lễ ký kết, các đại biểu đã nghe Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Vũ Đại Thắng báo cáo về thực trạng hoạt động KH&CN của tỉnh Hà Nam năm 2016 và quý I năm 2017, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hoạt động KH&CN thời gian tới.

Xác định rõ tầm quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã đặc biệt quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và tạo điều kiện cho phát triển KH&CN, ban hành một số văn bản có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động KH&CN. Trong những năm qua, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển tích cực, nhiều hoạt động ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai trong các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hoá... góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh và trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng vào sản xuất nông, lâm, thủy sản, góp phần thúc đẩy sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh phát triển tương đối toàn diện, duy trì mức tăng trưởng 4%/năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn. Chú trọng phát triển KH&CN trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần tăng năng suất, sản lượng của các doanh nghiệp. Tập trung nghiên cứu tổng hợp thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công.

Có thể nói, nông nghiệp là một thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam, việc sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là trọng tâm phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, các đề tài, dự án, đề án tập trung hướng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch được 17 vùng chuyển đổi rau quả an toàn, chất lượng cao và hướng xuất khẩu ven sông Châu Giang với tổng diện tích hơn 1.100 ha thuộc 19 xã, trong đó quy hoạch 04 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 500 ha.

Đi kèm với đó, lĩnh vực sở hữu trí tuệ của tỉnh hướng vào bảo hộ các sản phẩm truyền thống của địa phương như: chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, gà Móng Tiên Phong; thêu ren Thanh Hà, Lụa Nha Xá... Trong năm 2016 đã bảo hộ được thêm 03 nhãn hiệu tập thể, nâng tổng số sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể là 08 sản phẩm và 01 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Đặc biệt, năm 2015 - 2016, Tỉnh đã tập trung xây dựng và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp quyền sử dụng “Nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam”. Đến nay, Tỉnh đang triển khai cấp quyền sử dụng cho các tập thể, cá nhân có các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng của Tỉnh.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Tỉnh duy trì thực hiện nghiêm cam kết với các nhà đầu tư, nâng cao chất lượng thu hút các dự án đầu tư. Tập trung thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, tiêu thụ ít năng lượng, có đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN - Bộ KH&CN tập huấn về kiến thức và kỹ năng đổi mới sáng tạo trong phát triển thị trường công nghệ tại Hà Nam.

Trong năm 2016 và quý I/2017, Tỉnh đã phát triển thêm 02 doanh nghiệp KH&CN hoạt động có hiệu quả, nâng tổng số doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh đến nay là 04 doanh nghiệp.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh phát biểu tại Lễ ký kết

 

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định, kết quả thực hiện Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Hà Nam trong thời gian qua đã đóng góp tích cực trong việc phát triển, đổi mới và hoàn thành chuyển đổi mô hình, tổ chức KH&CN theo hướng tinh gọn, tự chủ, tự chịu trách nhiệm với 100% số viện chuyên ngành đã chuyển đổi; phát triển tiềm năng KH&CN theo đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu cho một số viện chuyên ngành; hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ, nông thôn miền núi được đẩy mạnh… Qua đó, kết quả hoạt động KH&CN của Tỉnh đã đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển và tăng trưởng những năm qua.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, thời gian tới cần đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy thương hiệu trong chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra, cần chung tay tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc hỗ trợ khởi nghiệp đối với các doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tin tưởng, sau Chương trình phối hợp này sẽ có nhiều hơn nữa các quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, sản phẩm mới được đưa vào ứng dụng và sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết và chương trình mà Tỉnh đã đề ra.
 


Ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN

 

Cũng tại buổi Lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông cảm ơn Bộ KH&CN trong những năm qua đã có nhiều quan tâm, hỗ trợ đối với các hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Hà Nam, kết quả thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Việc ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và tỉnh Hà Nam sẽ giúp Hà Nam tăng cường tiềm lực, đào tạo và khai thác có hiệu quả nguồn lực KH&CN, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa KH&CN của tỉnh Hà Nam phát triển sang giai đoạn mới, hiệu quả, thiết thực.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông cũng cho rằng, Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa tỉnh Hà Nam với Bộ KH&CN hôm nay sẽ là khuôn khổ để trao đổi, phối hợp với các nội dung hai bên cùng quan tâm như: Tập trung hỗ trợ việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nhất là các hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN…

Trong thời gian tới Hà Nam tiếp tục phát huy nội lực và tranh thủ mọi nguồn lực tập trung cho phát triển KH&CN, tạo điều kiện tốt nhất, kịp thời nhất với mục đích đưa quan hệ phối hợp toàn diện giữa hai bên đạt được những kết quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh và hiệu quả của việc phối hợp.
 


Các đại biểu tham dự Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Hà Nam

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3883

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)