Thứ tư, 22/03/2017 16:33 GMT+7

WIPO cam kết hỗ trợ và thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Sáng ngày 22/3/2017, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) Francis Gurry và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã ký kết Bản ghi nhớ giữa WIPO và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ (SHTT) của Việt Nam.

Tham dự Lễ ký kết có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO; Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva; lãnh đạo các đơn vị có liên quan của Bộ KH&CN.
 


Lễ ký kết Bản ghi nhớ giữa WIPO và Bộ KH&CN về việc xây dựng Chiến lược quốc gia về SHTT của Việt Nam


Việc ký kết Bản ghi nhớ có ý nghĩa đối với mối quan hệ hợp tác song phương giữa WIPO và Bộ KH&CN, qua đó thiết lập một cơ chế hợp tác chính thức giữa hai Bên trong việc triển khai xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia cho Việt Nam, nhằm giải quyết các nhu cầu và ưu tiên cụ thể của đất nước trong cả dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, đồng thời thống nhất với chính sách phát triển và mục tiêu kinh tế chung của quốc gia. 

Quy trình để xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về SHTT dự kiến gồm 8 bước: Tổ chức hội thảo tư vấn; Thành lập nhóm soạn thảo; Tiến hành rà soát văn bản; Thu thập thông tin; Tổ chức các cuộc họp tham vấn; Xây dựng bản dự thảo Chiến lược; Lấy ý kiến về bản dự thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược; Triển khai Chiến lược. 

Sau khi Bản ghi nhớ được ký kết, các chuyên gia quốc tế của WIPO sẽ sang Việt Nam để cùng phối hợp với nhóm chuyên gia trong nước khảo sát về thực trạng SHTT tại Việt Nam, thảo luận và xây dựng các định hướng chiến lược về SHTT, hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ. 

Cũng trong sáng nay, ông Francis Gurry và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc hội thảo “Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển bền vững đất nước” (Innovation- Driving Force for Sustainable Development). Hội thảo diễn ra với 2 chủ đề: “Khởi động Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ” và “Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII)”. Hội thảo kỳ vọng sẽ trở thành một diễn đàn sôi nổi, thẳng thắn, cởi mở, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho Việt Nam, kiến nghị các giải pháp phù hợp cho các vấn đề đang là điểm nóng hiện nay. 
 


Toàn cảnh Lễ khai mạc


Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết rất vui mừng khi nhận thấy sự tương đồng về chính sách phát triển mạng lưới IP-Hub của Việt Nam với mô hình “Trục và nan hoa” của WIPO và mong những kinh nghiệm được chia sẻ từ các chuyên gia quốc tế đối với việc xây dựng mô hình này sẽ góp phần giúp Bộ KH&CN xây dựng các cách thức phù hợp triển khai mạng lưới các Trung tâm SHTT và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định: Bộ KH&CN sẽ tập trung mạnh mẽ hơn vào việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu triển khai, thúc đẩy việc bảo vệ quyền SHTT và thương mại hóa tài sản trí tuệ, đặc biệt tài sản trí tuệ của các chủ thể Việt Nam. Chính phủ sẽ hoàn thiện khung pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức KH&CN trong xác lập, bảo vệ và ứng dụng quyền SHTT, đồng thời, tạo ra các mạng lưới, hạ tầng giúp cho các chủ thể của quá trình có những định hướng và sự hỗ trợ thiết thực nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.
 


Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại khai mạc


Tại hội thảo, ông Francis Gurry cũng khẳng định, với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực mới này, bắt đầu bằng sự trợ giúp về phương pháp tính toán, xử lý số liệu và tư vấn giải pháp cải thiện các chỉ số đổi mới sáng tạo, cũng như vấn đề bảo hộ thực thi quyền SHTT toàn cầu. WIPO hiện đang cung cấp dịch vụ để có được quyền SHTT ở nhiều quốc gia và giải quyết tranh chấp. WIPO cũng cung cấp các chương trình xây dựng năng lực để giúp các nước đang phát triển hưởng lợi từ việc sử dụng SHTT và cho phép việc tiếp cận miễn phí các ngân hàng thông tin về SHTT.
 


Tổng Giám đốc WIPO phát biểu tại khai mạc


Hội thảo về IP-Hub, từ ngày 22-24/03/2017 nhằm khởi động Dự án IP-Hub về thương mại hóa tài sản trí tuệ, thông qua việc nâng cao năng lực và xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị liên quan trong việc phát triển, quản lý và thương mại hóa công nghệ bằng mô hình “Trục và nan hoa” (Hub and spoke).

Bộ KH&CN đang xây dựng đề án thiết lập một mạng lưới các Trung tâm SHTT và Chuyển giao công nghệ trong các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (mạng lưới “IP-Hub”), hỗ trợ các thành viên mạng lưới tiếp cận với thông tin KH&CN chất lượng cao và các dịch vụ liên quan, khai thác tiềm năng đổi mới sáng tạo và xác lập, bảo vệ và ứng dụng quyền SHTT. Trên cơ sở đó, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đặc biệt của chủ đơn Việt Nam gia tăng, thắt chặt mối liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đưa SHTT trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Hiện đã có 28 viện nghiên cứu, trường đại học đồng ý tham gia vào mạng lưới IP-Hub với mục tiêu thành lập được các Trung tâm SHTT để xử lý tại chỗ các vấn đề liên quan đến SHTT. 

Hội thảo về Chỉ số sáng tạo toàn cầu (GII), từ ngày 21-22/03/2017 về chia sẻ ý nghĩa, phương pháp thu thập số liệu, tính toán các chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả ĐMST và cải thiện chỉ số ĐMST cho Việt Nam, góp phần thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. 

Theo công bố mới nhất của WIPO về chỉ số ĐMST, năm 2016, Việt Nam xếp thứ 59 trong tổng số 128 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng. Xác định vai trò quan trọng của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và hoạt động ĐMST trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngày 06/02/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020. Nghị quyết đã xác định rõ Việt Nam cần “có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực”. Với tư cách là cơ quan chủ trì xây dựng Chỉ số ĐMST toàn cầu, WIPO tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực mới này, bắt đầu bằng sự trợ giúp về phương pháp tính toán, xử lý số liệu và tư vấn giải pháp cải thiện các chỉ số ĐMST. Trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của mình, Bộ KH&CN đã ban hành Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP (Quyết định số 289/QĐ-BKHCN ngày 24/2/2017). 
 


Bộ trưởng Bộ KH&CN tiếp xã giao Tổng Giám đốc WIPO 

 

Lượt xem: 4153

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)