Thứ sáu, 17/03/2017 10:46 GMT+7

Hội nghị điều phối viên Chương trình hợp tác song phương giữa VINATOM và QST

Trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác song phương giữa Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - Bộ KH&CN (VINATOM) và Viện Khoa học Công nghệ Bức xạ và Lượng tử quốc gia Nhật Bản (QST), ngày 14/03/2017, Hội nghị điều phối viên và các nhà khoa học trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ đã diễn ra tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Tuy Hợp tác giữa Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội và Viện Nghiên cứu Bức xạ Takasaki (TRRI) đã bắt đầu từ năm 2000, nhưng đây có thể xem là Hội nghị đầu tiên khi TRRI chuyển từ Cơ quan năng lượng nguyên tử Nhật Bản (JAEA) sang trực thuộc QST.

Thay mặt lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN), TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng đã phát biểu chào mừng TS. Atsushi Kimura, nghiên cứu viên chính, đại diện điều phối viên phía Nhật Bản và các nhà đồng nghiệp tham dự Hội nghị. Đánh giá cao thành quả mà hai bên đã đạt được trong thời gian qua, TS. Quang cũng gửi lời cảm ơn lãnh đạo VINATOM và QST đã hỗ trợ Hợp tác trong lĩnh vực “Xử lý chiếu xạ sửa đổi vật liệu polyme”, đề xuất mở rộng sang các lĩnh vực là thế mạnh của QST gồm công nghệ gia tốc và Y học hạt nhân, và mong muốn các nhà khoa học tích cực trao đổi để tăng cường hơn nữa hiệu quả Chương trình hợp tác song phương mà hai bên vừa mới ký kết tháng 10 năm 2016. 
 

TS. Nguyễn Hào Quang phát biểu khai mạc Hội nghị


Đại diện đơn vị tổ chức Hội nghị, ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội cảm ơn những ghi nhận của lãnh đạo Viện và mong muốn VINATOM tiếp tục hỗ trợ hợp tác để đào tạo cán bộ cho Trung tâm. Sau khi tóm tắt các hoạt động Nghiên cứu và Triển khai ứng dụng Xử lý chiếu xạ gần đây tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, ông Trần Minh Quỳnh, điều phối viên phía Việt Nam đã đề xuất mở rộng hợp tác xử lý chiếu xạ tạo các chất có hoạt tính bảo vệ phóng xạ và vật liệu polyme bền hóa – nhiệt dùng trong công nghiệp. Ông Kimura cũng báo cáo về các thành tựu gần đây của TRRI trong lĩnh vực xử lý chiếu xạ polyme. Đặc biệt nhấn mạnh các nghiên cứu mới áp dụng công nghệ bức xạ thiết kế khuôn “scaffold” cho nuôi cấy mô, tế bào… tạo các loại gel polysaccharide mới như gel cellulose, gel chitin trong dung dịch ion. 
 

TS. Trần Minh Quỳnh trình bày tại Hội nghị


Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các nghiên cứu viên trẻ thuộc nhóm nghiên cứu ứng dụng CNBX trong Sinh học và Nông nghiệp cũng đã trình bày một số kết quả mới trong việc ứng dụng xử lý chiếu xạ gamma giảm số lượng bào tử Bacillus thuringiensis (Bt) trong thuốc trừ sâu sinh học VBT nhằm hạn chế ảnh hưởng không mong muốn của vi khuẩn Bt đến hệ sinh thái; kết hợp xử lý chiếu xạ gây đột biến và công nghệ ribosom để tạo và chọn lọc một số chủng vi khuẩn đột biến có khả năng sinh tổng hợp protease cao; chiếu xạ phân hủy tinh bột làm chất mang phân hủy sinh học… 
 

TS. Atsushi Kimura trình bày tại Hội nghị


Sau đó, ông Kimura đã được tham quan hệ thiết bị chiếu xạ gamma và máy gia tốc cyclotron 13 MeV. Đánh giá cao cơ sở hạ tầng của Trung tâm, ông Kimura cho rằng hai bên có thể hợp tác để sử dụng máy gia tốc này cho hoạt động nghiên cứu mà không chỉ dành riêng cho sản xuất dược chất phóng xạ. TS. Nguyễn Tiến Dũng và ThS. Nguyễn Quang Anh cũng đề xuất ông Kimura trình bày với lãnh đạo QST hỗ trợ đào tạo cán bộ trong lĩnh vực gia tốc và Y học hạt nhân, vì dù Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đã làm chủ việc vận hành máy gia tốc cho sản xuất đồng vị 18F và dược chất 18F-FDG, song vẫn chưa thể làm chủ hoàn toàn việc bảo trì, bảo dưỡng thiết bị. Liên quan đến Kế hoạch hợp tác trong thời gian tới, phía Việt Nam đề nghị QST mở rộng hợp tác sang lĩnh vực gia tốc và Y học hạt nhân, cũng như dành kinh phí để hỗ trợ cho ít nhất 01 nghiên cứu viên trẻ của VINATOM được học tập và làm việc ngắn hạn tại các Viện nghiên cứu thuộc QST mỗi năm. Ông Kimura đồng ý sẽ trao đổi thêm với lãnh đạo QST để mở rộng và tăng cường hiệu quả Chương trình hợp tác
Kết thúc Hội nghị, hai bên thống nhất đề nghị VINATOM và QST phê duyệt các đề xuất nghiên cứu mới để thúc đẩy ứng dụng xử lý chiếu xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kiến nghị Hội nghị lần tới nên tổ chức tại Nhật Bản để các nhà khoa học Việt Nam có điều kiện tham quan và học hỏi kinh nghiệm./. 

Nguồn: Viện NLNTVN

Lượt xem: 2343

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)