Thứ năm, 23/01/2025 02:07 GMT+7
Thứ năm, 02/05/2013 11:34 GMT+7

Áp dụng luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh trong việc giải quyết vụ việc tại tòa án

Kể từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) đến nay, Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định là thành viên có trách nhiệm của tổ chức này. Khung pháp lý cho việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp. Đã có nhiều vụ việc được giải quyết theo trình tự “á tố tụng”, khi mà các cơ quan hành chính thay thế một phần vai trò của tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Không thể phủ nhận sự cần thiết của hệ thống hành chính trong giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, xu hướng chung và cũng là cách thức giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ một cách triệt để mà Việt Nam cần phải thực hiện đó là giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án.

          Vai trò trung tâm của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là không thể phủ nhận. Có rất nhiều vấn đề được đặt ra về tính minh bạch và hiệu quả khi tòa án giải quyết vụ việc. Cũng có khá nhiều quan ngại về năng lực của Tòa án trong việc thụ lý và giải quyết các vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ - lĩnh vực khá đặc thù mà Việt Nam chưa có thẩm phán hoặc tòa chuyên trách. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ lạc quan hơn, thẩm phán cũng sẽ là những “chuyên gia” sở hữu trí tuệ khi họ có điều kiện làm việc kỹ về một vụ việc và với các luật sư chuyên nghiệp. Nghiên cứu và phân tích các vụ việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ được xét xử gần đây có thể ghi nhận xu hướng này. Tác giả xin giới thiệu nghiên cứu một vụ việc được Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử công khai ngày 29/3/2013.

  1. Giới thiệu vụ việc:

          Công ty Marvel Chracters Inc. (Mỹ) là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình giải trí, nổi tiếng tại Mỹ và toàn thế giới. Trong lịch sử từ khi được thành lập đến nay, Marvel Chracters đã tạo dựng được một thư viện lớn, khoảng trên 5000 các nhân vật hoạt hình, trong đó có nhiều nhân vật được đông đảo người biết đến và yêu thích như “IRON MAN”, “NGƯỜI KHỔNG LỖ XANH” và các nhân vật đột biến gien “X-MEN”.

          Tại Việt Nam, Marvel Chracters là chủ sở hữu nhãn hiệu X-MEN (nhãn hiệu chữ), bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 11455 cấp ngày 07/04/1994 đối với các sản phẩm video thu sẵn; băng, đĩa nghe nhìn… (Nhóm 9); các loại xuất bản phẩm, truyện và truyện tranh …(Nhóm 16); quần áo…(Nhóm 25); đồ chơi các loại (Nhóm 28).

          Công ty Marvel Chracters được biết Công ty Hàng gia dụng Quốc tế đã nộp đơn và được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “X-MEN, hình” (Giấy chứng nhận số 63481, cấp ngày  08/06/2005; ngày nộp đơn 27/06/2003) cho các sản phẩm hoá mỹ phẩm gia dụng (Nhóm 3).

          Công ty Marvel Chracters (qua Đại diện SHCN tại Việt Nam) đề  nghị hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ số 63481 cấp cho Hàng gia dụng Quốc tế. Đề nghị hủy bỏ hiệu lực của Công ty Marvel Chracters đối với văn bằng bảo hộ cấp cho Công ty Hàng gia dụng Quốc tế được giải quyết theo thủ tục hành chính tại Cục SHTT (Khiếu nại lần 1) và Bộ Khoa học và Công nghệ (tại Thanh tra Bộ - Khiếu nại lần 2). Tại các cơ quan này, đề nghị của Công ty Marvel Chracters bị bác bỏ do không đủ căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành. Không đồng ý với quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về SHTT, Công ty Marvel Chracters khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (Vụ án số 08/2008/TLST-HC).

  1. Lập luận của các bên:

          2.1.Công ty Marvel Characters:

    Tại Tòa, nguyên đơn - Công Marvel Characters đề nghị hủy bỏ hiệu lực văn bằng được cấp cho Công ty Hàng gia dụng Quốc tế với lý do: (i) Nhãn hiệu được bảo hộ trùng với nhãn hiệu “X-MEN” nổi tiếng của Marvel Characters (vi phạm điều 6.1e, Nghị định 63/CP)); (ii) Nhãn hiệu được bảo hộ trùng với tên, biểu tượng nhân vật X-MEN của Marvel Characters (vi phạm điều 6.1h, Nghị định 63/CP); (iii) Công ty Hàng gia dụng quốc tế có động cơ lợi dụng danh tiếng của nhãn hiệu và các nhân vật X-MEN thuộc sở hữu của Marvel trong việc quảng cáo và tiếp thị sản phẩm mang nhãn hiệu mỹ phẩm (dầu gội đầu) tại Clip quảng cáo sử dụng hình ảnh kinh đô diện ảnh Hollywood (nơi Marvel có trụ sở), hình ảnh diễn viên Prat Pitt (gây liên tưởng về sản phẩm gắn với phim ảnh – sản phẩm của Marvel).

Công ty Marvel cung cấp các tài liệu và chứng cứ chứng minh nhãn hiệu X-MEN mình là nhãn hiệu nổi tiếng, trong đó có:

  • 38 Hợp đồng li-xăng quyền sử dụng nhãn hiệu X-MEN ở nhiều nước trên thế giới;
  • 18 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu X-MEN tại nhiều quốc gia;
  • 06 Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm X-MEN;
  • Các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc sử dụng yếu tố X-MEN trên các ấn phẩm, phim, truyện, băng đĩa; tường trình về doanh thu khai thác hình ảnh/nhãn hiệu X-MEN.

             2.2.Đại diện Cục SHTT:

Cục Sở hữu trí tuệ - đơn vị đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 63481 cho Công ty Hàng gia dụng quốc tế tham gia tố tụng với tư cách bị đơn trong vụ án. Về nội dung khiếu kiện và các tài liệu chứng minh của Công ty Marvel Characters đệ trình tại Tòa án, đại diện Cục SHTT cho rằng:

  • Tài liệu của Công ty Marvel Characters không chứng minh X-MEN gắn với sản phẩm là nhãn hiệu nổi tiếng thuộc sở hữu của mình. Sản phẩm đăng ký của Công ty Marvel Characters và Công ty TNHH Hàng gia dụng Quốc tế hoàn toàn khác nhau (sản phẩm văn hóa và sản phẩm mỹ phẩm). Các sản phẩm này không có tính liên quan, không gây nhầm lẫn và do vậy, Công ty TNHH Hàng gia dụng Quốc tế không lợi dụng uy tính của Công ty Marvel Characters xét từ góc độ quy định về cạnh tranh không lành mạnh.
  • Khi nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, Công ty TNHH Hàng gia dụng Quốc tế không có nghĩa vụ cung cấp hình ảnh các nhân vật được sử dụng trong Clip quảng cáo mà Marvel dẫn chiếu. Do vậy, việc Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “X-MEN, hình” của Công ty hàng gia dụng quốc tế là đúng quy định pháp luật.

     2.3.Công ty TNHH Hàng gia dụng Quốc tế:

          Công ty Hàng gia dụng Quốc tế là chủ sở hữu hiện tại của nhãn hiệu “X-MEN, hình” cho các sản phẩm nhóm 3 tham gia tố tụng với tư cách là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Đại diện Công ty này bác bỏ hoàn toàn các lập luận của Marvel Characters, cho rằng: (i) Nhãn hiệu X-MEN của Marvel Characters không phải là nhãn hiệu nổi tiếng. Người Việt Nam còn thậm chí không biết đến sản phẩm nào mang nhãn hiệu X-MEN tại Việt Nam; (ii) X-MEN là tên gọi một nhóm nhân vật, không phải là tên hoặc biểu tượng nhân vật cụ thể của Marvel. Do vậy không phải là đối tượng thuộc phạm vi của Điều 6.1h, Nghị định 63/CP; (iii) Công ty Hàng gia dụng quốc tế có chiến lược quảng bá và xây dựng phong cách riêng cho nhóm khách hàng sử dụng sản phẩm của mình. Công ty Hàng gia dụng Quốc tế không có mục đích và cũng không mong muốn lợi dụng uy tín của Marvel.

  1. Nhận định và phán quyết của Tòa

Tại Bản án sơ thẩm số 03/2013/HCST ngày 29/03/2013 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội nhận định:

  1. Về nhãn hiệu:
  • Tại thời điểm Công ty Hàng gia dụng quốc tế nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu “X-MEN, hình” (27/06/2003), Công ty Marvel Characters chưa thực hiện đăng ký tại Việt Nam cho nhãn hiệu các sản phẩm nhóm 3.
  • Theo cơ sở dữ liệu của Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ tại địa chỉ www.uspto.gov, Marvel Characters là sở hữu nhãn hiệu X-MEN cho một số nhóm sản phẩm. Đối với sản phẩm nhóm 3, Marvel Characters có nộp đơn đăng ký cho nhãn hiệu X-MEN số 78061366 (Serial Number: 78061366) trên cơ sở dự định sử dụng (original filing basis: 1B). Do Marvel Characters đã không xuất trình được tài liệu về việc sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm xin đăng ký, nhãn hiệu đã bị khước từ cấp đăng ký vào tháng 11/2005. Chỉ sau đó, đến tháng 11.2006 Marvel Characters mới xuất trình được bằng chứng sử dụng nhãn hiệu tại Mỹ khi nộp đơn số 77046945 xin bảo hộ cho nhãn hiệu X-MEN cho các sản phẩm thuộc nhóm 3 (trên sở sở sử dụng – original filling basis: 1a), đó là ngày 31.5.2006. Thông tin này được Công ty Hàng gia dụng quốc tế cung cấp và Marvel Characters thừa nhận.

Như vậy, cho đến tháng 11/2005 Công ty Marvel Characters không có quyền sở hữu nhãn hiệu X-MEN cho các sản phẩm nhóm 3 tại Mỹ cũng như tại Việt Nam. Chỉ đến tháng 11/2006 Công ty Marvel Characters mới xuất trình được bằng chứng sử dụng tại Mỹ. Đến thời điểm này, Cục SHTT đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký cho nhãn hiệu X-MEN đối với các sản phẩm nhóm 3 của Công ty Hàng gia dụng Quốc tế.

  1. Về sự nổi tiếng của nhãn hiệu:

          Cho tới thời điểm Công ty Hàng gia dụng quốc tế nộp đơn, Công ty Marvel Characters không có sản phẩm cùng loại là mỹ phẩm mà chỉ có các tác phẩm văn hóa như phim, truyên, trò chơi X-MEN đã được đăng ký bản quyền. Các chứng cứ mà Marvel cung cấp chưa được cơ quan chức năng xác định. Doanh thu cũng không chỉ rõ bao nhiêu thu từ sản phẩm chăm sóc sắc đẹp (nhóm 3) hay dược phẩm (nhóm 5).

          Khái niệm X-MEN của Công ty Marvel Characters được biết đến như những dị nhân, siêu nhân trong các tác phẩm phim, truyện. X-MEN của Công ty Marvel là tên gọi nhóm người có chứa gien X (đột biến), có khả năng khác thường chứ không phải là nhân vật cụ thể. Mỗi nhân vật trong nhóm có tên gọi khác nhau. Trong khi đó theo Cục Bản quyền tác giả thì tên nhân vật không có quy định bảo hộ.

          Về hình ảnh, X-MEN của Công ty hàng gia dụng quốc tế gắn liền với định dạng về “Người đàn ông đích thực”. Người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm mỹ phẩm của Marvel Characters nên không có cơ sở kết luận Công ty Hàng gia dụng quốc tế đã lợi dụng uy tín, khai thác bản quyền của Công ty Marvel.

  1. Vấn đề cạnh tranh không lành mạnh:

Marvel Characters cho rằng Công ty Hàng gia dụng quốc tế sử dụng hình ảnh diễn viên Prad Pitt và hình ảnh dòng chữ Hollywood để quảng cáo sản phẩm thể hiện hành vi không trung thực, lợi dụng sự nổi tiếng của nhãn hiệu X-MEN. Tuy nhiên, Công ty Marvel đã không cung cấp được video quảng cáo và cũng không chứng minh được quyền của mình đối với hình ảnh diễn viên Pad Pitt cũng như biểu tượng dòng chữ Hollywood. Do vậy, Tòa án không có cơ sở để kết luận về động cơ không trung thực của Công ty Hàng gia dụng Quốc tế trong vấn đề được đề cập.

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quyết định: Bác bỏ yêu cầu khởi kiện của Công ty Marvel Characters. Giữ nguyên hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 63481 bảo hộ nhãn hiệu X-MEN đối với các sản phẩm nhóm 3 của Công ty Hàng gia dụng Quốc tế.

          PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN:

  1. Về vấn đề xác định luật áp dụng:

Vấn đề xác định quy định pháp luật áp dụng để giải quyết vụ việc có vai trò đặc biệt quan trọng và ý nghĩa quyết định để giải quyết vụ việc một cách đúng đắn.

Trong vụ án, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xác định tại thời điểm Công ty Hàng gia dụng quốc tế nộp đơn và được cấp văn bằng số 63481, Bộ Luật Dân sự 1995 đang có hiệu lực. Theo điều 785 Bộ luật này, nhãn hiệu hàng hóa được định nghĩa “là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau”. 

Như vậy, điều đầu tiên và cơ bản nhất là một dấu hiệu được coi là nhãn hiệu khi nó sử dụng gắn với sản phẩm (hoặc dịch vụ) nhất định để thực hiện chức năng phân biệt. Theo đó Tòa xác định “nhãn hiệu” tồn tại tách rời khỏi sản phẩm. Trong khi Công ty Marvel không xuất trình được chứng cứ chứng minh cho sản phẩm cùng loại tại Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam từ năm 2003 đến nay lại biết đến sản phẩm X-MEN của Công ty Hàng gia dụng Quốc tế một cách rộng rãi, thông qua việc chào bán, quảng cáo sản phẩm này.

(ii) Vấn đề bảo hộ tên gọi, biểu tượng nhân vật:

          Theo qui định tại Điều 6.1h, Nghị định 63/CP, nhãn hiệu hàng hoá được công nhận có khả năng phân biệt khi “không trùng với một hình tượng, nhân vật đã thuộc bản quyền tác giả của người khác”.

          Tòa án cho rằng X-MEN của Marvel (tiếng Việt được biết đến như những DỊ NHÂN) không phải là một nhân vật cụ thể. Đó là tên gọi 1 nhóm người có chứa gen X (gen đột biến) nên có những khả năng khác thường. Mỗi nhân vật trong nhóm có tên gọi riêng như Cyclops, Iceman, Angel, Beast, Grey. Do đó, việc đưa ra điều khoản này khi đề nghị hủy bỏ hiệu lực văn bằng 36481 là không phù hợp. Trong khi đó Cục Bản Quyền tác giả và Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng khẳng định: luật về bản quyền tác giả và các văn bản hướng dẫn thi hành không qui định về việc bản hộ tên nhân vật trong tác phẩm. Giới hạn về việc bảo hộ nhân vật như một phần trọng yếu của tác phẩm vẫn đang là vấn đề bỏ ngỏ và chưa được xác định rõ trong các quy định pháp luật Việt Nam

          (iii)  Vấn đề cạnh tranh không lành mạnh.

          Do Marvel không có sản phẩm (đồng nghĩa với không có uy tín đối với mặt hàng mỹ phẩm), Tòa án đã không kết luận Công ty hàng gia dụng quốc tế lợi dụng uy tín của Marvel. Nhận định của Tòa án trong trường hợp này có cách tiếp cận từ khía cạnh thực tế của vụ việc. Trong quá trình sử dụng nhãn hiệu, Công ty Hàng dụng quốc tế đã khai thác và xây dựng thành công hình tượng “NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐÍCH THỰC” gắn với nhãn hiệu X-MEN. Hình tượng “Người đàn ông đích thực” sử dụng sản phẩm mang nhãn hiệu X-MEN hoàn toàn độc lập và khác biệt đối với nhóm người DỊ NHÂN mang gien X (gọi chung là X-MEN) của Marvel Characters.

Lượt xem: 20711

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:60386
Lượt truy cập: 48154799