Thứ năm, 12/02/2015 15:09 GMT+7

Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng cho cá nhân, tập thể đạt thành tích trong ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để chọn tạo giống cây trồng đột biến

Ngày 10/2/2015, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ trao giải thưởng của IAEA và Bằng khen của Bộ trưởng cho cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để chọn tạo giống cây trồng đột biến.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh đã trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp KH&CN và Bằng khen của Bộ trưởng cho ông Nguyễn Thiệp, Cục trưởng Cục cơ yếu Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cộng hoà Áo, nguyên Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại IAEA và các tổ chức quốc tế vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân giữa Việt Nam và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng trao Bằng khen của Bộ trưởng cho tập thể Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam, Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh và 2 cá nhân là ông Hồ Quang Cua, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh Sóc Trăng và ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng vì đã có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để chọn tạo giống cây trồng đột biến.

Cũng tại Lễ trao giải thưởng, Đại sứ Nguyễn Thiệp đã trao lại giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” cho Viện Di truyền nông nghiệp và giải thưởng thành tựu cho Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam, Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, ông Hồ Quang Cua và ông Trần Tấn Phương mà Đại sứ đã thay mặt nhận tại Lễ trao giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” về đột biến tạo giống lúa của IAEA trong khuôn khổ Đại hội đồng IAEA lần thứ 58 diễn ra từ ngày 22-26/9/2014. Giải thưởng nhằm tôn vinh những nỗ lực của cá nhân, nhóm và tập thể của các nước thành viên trong lĩnh vực tạo giống đột biến bằng bức xạ góp phần tăng cường an ninh lương thực khu vực.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đã bày tỏ sự cám ơn đến Bộ KH&CN, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã hỗ trợ cho Viện Di truyền nông nghiệp và các đơn vị có liên quan khác trong việc đạt được những thành tựu được quốc tế ghi nhận này. Đó là kết quả của một quá trình lao động lâu dài của tập thể cán bộ Viện từ những năm 90. Tạo giống bằng đột biến phóng xạ có hiệu quả rất lớn trong việc góp phần nâng cao năng suất. Viện đã tạo ra được nhiều giống cây trồng như lúa, ngô, đậu tương, hoa,…được công nhận là giống quốc gia và được gieo trồng trên hàng trăm nghìn ha.

Đột biến tạo giống bằng bức xạ là kỹ thuật được nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam từ những năm 1970. Với sự giúp đỡ của IAEA, từ những năm 1980, thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, các cơ sở nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam (Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và một số sở KH&CN) đã đẩy mạnh hướng nghiên cứu ứng dụng này. Nhiều giống đột biến phóng xạ đã được tạo ra với năng suất cao, chất lượng tốt và chống chịu được với các điều kiện môi trường khắc nghiệt như nhiễm mặn, chống chịu sâu bệnh. Một trong 5 giống lúa phục vụ xuất khẩu chủ lực hiện nay của Việt Nam là được tạo ra từ đột biến phóng xạ. Trên 50% diện tích đất canh tác đậu nành hiện nay là sử dụng giống đột biến phóng xạ.

Việt Nam được IAEA đánh giá là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống. Hiện nay hàng năm Việt Nam sản xuất 43 triệu tấn lúa, xuất khẩu 6 triệu tấn mang về trên 3 tỷ USD. Sản xuất lúa không chỉ đem lại an ninh lương thực cho Việt Nam mà còn giúp cho người nông dân tăng thu nhập, giảm đói nghèo trong thời gian qua. Các giống lúa đột biến hiện được gieo trồng trên 3,5 triệu ha và đã làm tăng thu nhập cho người nông dân trên hàng trăm triệu USD mỗi năm./.

Lượt xem: 1096

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)