Thứ sáu, 17/08/2018 16:06 GMT+7

Vượt khó vươn lên từ mô hình nuôi trùn quế khép kín

Lấy trùn quế làm trung tâm của quy trình nuôi, trùn quế làm thức ăn cho gà, heo; sau đó lại sử dụng phân của heo, gà để ủ và sinh ra trùn quế. Cách làm khép kín này đã giúp anh Võ Văn Trúc (thôn Phước Cẩm, Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam) tiết kiệm được chi phí chăn nuôi, tăng chất lượng đàn gia súc, gia cầm…

Khi học hết cấp 2, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn anh Võ Văn Trúc đã tạm dừng việc học để phụ giúp gia đình. Sau thời gian làm việc ở quê, năm 2016 anh vác balo vào TPHCM để tìm việc khác.

 

Anh Trúc khởi nghiệp từ 10 kg trùn quế giống

 

Nhiều lần anh xuống chơi và tham quan tại các mô hình nuôi trùn quế tại Củ Chi, anh rất thích thú và quyết tâm học hỏi. Sau khi tích cóp được ít vốn, anh trở về quê nhà với 10 kg trùn quế mua được tại Củ Chi.

Anh bắt đầu mở rộng một trang trại rộng chừng vài chục mét vuông trong vườn nhà nuôi trùn quế làm thức ăn cho gà, vịt, cá. Nhưng khi nhận thấy thị trường tiêu thụ trùn quế tại Quảng Nam tăng mạnh, anh mới “liều” đầu tư mở rộng trang trại và thu mua thức ăn cho trùn.

 

 
Trang trại của anh chia làm 3 khu: trùn thịt, trùn giống và phân trùn, ngoài ra anh còn sử dụng trùn quế trong chăn nuôi
 

Anh Trúc chia sẻ: “Mình khởi nghiệp từ bàn tay trắng nên mọi việc không hề đơn giản, đi từng bước, tính từng bước. Mới đầu cũng hơi lo, nhưng sau thời gian nuôi tôi nhận thấy trùn quế rất thích hợp với nhiệt độ nơi đây. Thức ăn của trùn cũng dễ tìm như phân heo, bò, các phụ phẩm chăn nuôi như rau muống, rau củ quả… Trùn quế dễ sống, ít sinh bệnh nên dễ nuôi hơn các loài khác”.

Hiện trang trại của anh rộng khoảng 300m², chia làm ba khu nuôi gồm: khu trùn giống, trùn thịt và phân trùn. Anh còn đầu tư thêm cả hệ thống phun sương để giữ ẩm chuồng trại và máy xay xát cây cối, rau quả.

 

Trại của anh được xử lý sạch sẽ, có hệ thống phun sương giữ ẩm trại, tưới nước thường xuyên duy trì độ ẩm, nhiệt độ trại từ 20-28 độ C là thích hợp
 

Theo anh Trúc, nuôi trùn quế không khó, cơ bản là phải đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho trùn sinh sống. Nhiệt độ từ 20-28 độ C, tưới nước và giữ ẩm trại thường xuyên. Cái khó nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho trùn, thức ăn của chúng chủ yếu là phân gia súc, gia cầm nhưng hiện nay đang dần hạn hẹp.

Hiện nay, mỗi ký phân trùn có giá từ 3.000 - 5.000 đồng, trùn giống giá 10.000 - 20.000 đồng/kg, trùn thịt có giá 50.000 - 100.000 đồng/kg. Trùn giống nuôi chừng 1,5-2 tháng là có thể bán được, còn trùn thịt và phân trùn có thể bán quanh năm.

 

 
Thức ăn cho trùn là phân heo, gà, bò, phụ phẩm như rau muống, rau củ quả…
 

Ngoài ra, anh còn sử dụng trùn quế trong chăn nuôi của gia đình. Sử dụng mô hình khép kín từ sử dụng trùn làm thức ăn cho heo, gà để tăng chất lượng con giống; sau đó lại sử dụng phân heo, gà và các phụ phẩm khác trong sinh hoạt để nuôi lại trùn quế… Nhờ sử dụng mô hình khép kín này, gia đình anh tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong chăn nuôi, đồng thời sản lượng gia súc, gia cầm cũng được tăng cao rõ rệt.

Hiện tại, trang trại anh đang nuôi khoảng 40 con heo lấy thịt và vài chục con gà. Sắp tới, anh sẽ cho mở rộng trang trại tăng đàn heo, gà để nâng cao thu nhập cho gia đình và sử dụng phân trùn để trồng thêm hoa.

Với nguồn thu nhập từ bán trùn giống, trùn thịt, phân trùn và heo, gà tại gia đình... sau khi trừ chi phí, thu nhập trung bình của anh đạt từ 20-30 triệu đồng/tháng.

Điều đáng quý ở anh Trúc là sau nhiều năm khởi nghiệp bằng nuôi trùn quế và có nguồn thu nhập ổn định, anh Trúc đã tự nguyện đem hết những kinh nghiệm tích lũy được chia sẻ cho nhiều thanh niên có cùng chí hướng.

Ngoài trại của mình, anh còn có 20 trại vệ tinh khác trong toàn tỉnh. Anh cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và có khi còn bao tiêu cả sản phẩm đầu ra cho trại nào có nhu cầu. Bên cạnh đó, anh còn lập trang facebook để chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và cung cấp trùn giống cho những ai có đam mê khởi nghiệp từ trùn quế.

“Mình đi lên từ 2 bàn tay trắng, từ lúc bắt đầu cũng học hỏi nhiều người, học qua sách báo đủ loại rồi tích lũy kinh nghiệm dần dần. Hơn ai hết, tôi thấu hiểu những khó khăn của bạn trẻ khởi nghiệp như thế nào nên chỉ hy vọng giúp đỡ, ủng hộ phần nào các bạn trong con đường gian nan phía trước”, anh Trúc chia sẻ.

Ông Ngô Tấn Cơ - Phó chủ tịch Hội nông dân xã Bình Tú - cho biết: “Mô hình nuôi trùn quế của anh Tú tại địa phương rất mới lạ và đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, anh là thanh niên có chí hướng vươn lên và sẵn sàng giúp đỡ chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong quá trình nuôi trùn quế cho những thanh niên có mong muốn khởi nghiệp bằng trùn quế. Anh là tấm gương sáng về ý chí vượt khó và luôn quan tâm, giúp đỡ thanh niên khác”.

 

 

Nguồn: dantri.com.vn

Lượt xem: 3834

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)