Chủ nhật, 10/01/2021 12:57 GMT+7

Bài 2: Áp lực đổi mới trong "thập kỷ 4.0"

Các Nghị quyết 01, 02 năm 2021 vừa được Chính phủ ban hành nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới và theo các chuyên gia, áp lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng là rất lớn trong thập kỷ tới đây – thập kỷ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, phát biểu tại một cuộc họp của Ủy ban. Ảnh: VGP

 

Trong Nghị quyết 01, Chính phủ đề ra hàng loạt giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tiếp tục cơ cấu lại lĩnh vực dịch vụ vận tải, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tập trung nguồn lực thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng…

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các tổ chức tín dụng yếu kém. Tiếp tục rà soát, thu hẹp phù hợp các ngành, lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn, tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, nhất là các dự án ngành công thương.

Về tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, Nghị quyết 01 yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật, các cơ chế, chính sách, nhất là trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, thuế, đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, thương mại, quản lý thị trường… để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, giải phóng các nguồn lực cho phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Đẩy mạnh phát triển các thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm; tăng cường quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Đổi mới, sáng tạo” được đưa vào phương châm hành động của Chính phủ và cụm từ “đổi mới sáng tạo”, “khởi nghiệp sáng tạo” được nhắc tới 8 lần.

Cụ thể, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công. Ban hành chính sách thử nghiệm (Sandbox) các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh, công nghệ mới, như: kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, đô thị thông minh,… đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Đẩy nhanh và triển khai toàn diện chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, trong đó chú trọng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Xây dựng hạ tầng kinh tế số, xã hội số, hạ tầng kết nối thông minh, phát triển trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật. Từng bước hình thành hạ tầng mạng thông tin di động 5G. Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng công nghệ số và truyền thông, nền tảng dùng chung. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số gắn với hoàn thiện thể chế, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Phụ lục 4 của Nghị quyết cũng nêu các nhiệm vụ cụ thể giao cho các bộ ngành trong giai đoạn 2021-2025 như Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, Đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030…

Trong khi đó, Nghị quyết 02 được Chính phủ ban hành để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghị quyết yêu cầu, tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP (năm 2019 và 2020). Tập trung chỉ đạo khắc phục ngay những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.

Nghị quyết cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện cải cách hành chính; nhấn mạnh các giải pháp tăng mức độ sẵn sàng thích ứng với nền sản xuất mới trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.


Tạo sức bật tăng trưởng cho giai đoạn tới

Trao đổi với phóng viên về câu chuyện đổi mới mô hình tăng trưởng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định trong năm 2020, đầu tư công giữ vai trò quan trọng nhưng không phải động lực tăng trưởng duy nhất của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh những khu vực tăng trưởng âm do ảnh của COVID – 19 như du lịch hay vận tải, hay khu vực khai khoáng liên tục giảm từ năm 2017 tới nay, thì nhìn chung cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có đóng góp tăng trưởng. Trong đó, đáng chú ý là từ cuối năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở lại mức tăng trưởng 2 con số, đạt 10%.

Về mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2021 mà Chính phủ phấn đấu đạt được, Thứ trưởng cho rằng, những điều kiện trong năm 2020 cho phép chúng ta tin rằng mục tiêu này sẽ đạt được.

“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói về 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Chúng ta thấy kinh doanh đã phục hồi với công nghiệp và nông nghiệp đang dần khởi sắc, dịch vụ tuy có những ngành tổn hại nhưng cũng có những ngành phát triển mạnh. Riêng nông nghiệp năm 2020 sản lượng và diện tích giảm so với năm trước nhưng giá trị lại tăng lên, đây là xu hướng cơ cấu nền nông nghiệp đúng hướng. Dịch vụ cũng có thể tốt hơn với dịch vụ số được kỳ vọng phát triển mạnh năm 2021, xuất khẩu đang được kỳ vọng nhờ các FTA mới”, Thứ trưởng nói.

Trao đổi thêm về chuyển đổi số, một trong những nội dung được nhấn mạnh tại Nghị quyết 01, Thứ trưởng Trần Quốc Phương phân tích, việc chuyển đổi số quốc gia không chỉ trong phạm vi các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ, mà còn chuyển đổi số trên diện rộng, đặc biệt với các doanh nghiệp, trong quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp kết hợp với chuyển đổi số, công nghệ số.



Các nhà mạng tại Việt Nam chính thức phát sóng thử nghiệm thương mại 5G tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM. - Ảnh: LĐO

 

Đây là một đòi hỏi hết sức khách quan và bức thiết để phục vụ tăng trưởng. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để chúng ta có sức bật tăng trưởng trong giai đoạn tới. Nếu như chúng ta không chuyển đổi số kịp thời thì đây sẽ là yếu tố dẫn tới nguy cơ nền kinh tế bị tụt hậu, bản thân các doanh nghiệp cũng bị tụt hậu so với các doanh nghiệp trên thế giới.

"Chuyển đổi như thế nào, bước đi ra sao thì sau khi có chương trình, đề án cụ thể triển khai Nghị quyết của Đảng; Quốc hội, Chính phủ sẽ có lộ trình phù hợp với từng ngành, lĩnh vực" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ triển khai từ năm 2021 chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi số và cơ cấu lại doanh nghiệp ngay từ đầu nhiệm kỳ 5 năm tới.

“Cố gắng làm sao để các doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng bắt kịp xu thế chuyển đổi số của thế giới. Đồng thời đây cũng là điều kiện giúp các doanh nghiệp của Việt Nam có sự liên kết với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh, khắc phục hạn chế trong thời gian vừa qua, đó là quy mô doanh nghiệp rất nhỏ mà “không chịu lớn”. Đây là yếu tố mà chúng tôi rất kỳ vọng, như một cú huých cho các doanh nghiệp phát triển, xã hội phát triển”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.


Tiếp tục phát huy những gì làm tốt trong năm 2020

TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cũng cho rằng đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững toàn diện của đất nước về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Tinh thần Nghị quyết của Chính phủ là tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng trưởng theo chiều sâu.

Trong giai đoạn vừa qua, tuy việc tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được một số kết quả, nhưng hoạt động tái cơ cấu chưa gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thời gian tới, cốt lõi của cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng phải là nâng cao được hiệu quả sử dụng nguồn lực,  thay đổi cách phân bổ nguồn lực theo hướng lấy hiệu quả làm đầu.

“Áp lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang rất mạnh khi những vấn đề mới đã xuất hiện, đó là kinh tế số, cách mạng công nghiệp 4.0, là chuyển đổi số. Như vậy chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay không chỉ là giải quyết vấn đề hiệu quả mà còn phải giải quyết những vấn đề mới, xu hướng mới. Mô hình tăng trưởng mới phải vừa dựa trên hiệu quả, vừa dựa vào chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Để đạt mục tiêu, đạt khát vọng, để tạo khởi đầu tốt cho nhiệm kỳ mới thì những gì đã làm tốt trong năm 2020 cần được tiếp tục, nhất là sự điều hành nhất quán, linh hoạt, nhạy bén, khẩn trương, quyết liệt cần được phát huy trong nhiệm kỳ mới, đồng thời phải đẩy nhanh phục hồi kinh tế. “Tôi hy vọng chúng ta làm tốt hơn thì sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn, vượt mục tiêu Quốc hội đặt ra, có thể sẽ đạt tới mức 7 đến 7,5%”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

(còn tiếp)

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Bai-2-Ap-luc-doi-moi-trong-thap-ky-40/419259.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 1305

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)