Thứ năm, 16/07/2020 16:31 GMT+7

Doanh nghiệp Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã quan tâm đến sở hữu trí tuệ

Ngày 10/7/2020, Cục Công tác phía Nam, Bộ KH&CN và Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Tham dự hội thảo có Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam; Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cùng hơn 100 đại biểu là các doanh nghiệp khởi nghiệp, viện, trường quan tâm.
 

Tại hội thảo, các diễn giả cho thấy phần nào bức tranh về Sở hữu trí tuệ đối với Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KH&CN thuộc Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN đã có báo cáo điều tra tác động của cơ chế chính sách trong việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam thì có đến 87% các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quan tâm đến việc đào tạo về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp.

Theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng phụ trách Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ TP. Hồ Chí Minh, với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trước hết cần thiết lập quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động khởi nghiệp tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa các doanh nghiệp lẫn nhau. Thực trạng khởi nghiệp tại nhiều địa phương cho thấy, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thường mắc lỗi ở chọn tên gọi (nhãn hiệu) thuộc quyền của người khác, đó là một hình thức xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, hoặc đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến công nghệ, nếu không tìm hiểu thông tin về quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến sản phẩm công nghệ do mình tạo ra thì rất có thể sản phẩm hoặc giải pháp kỹ thuật hoặc hình dáng của nó không còn mới hoặc đã thuộc quyền sở hữu của người khác…

Cũng theo ông Trần Giang Khuê, doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với việc phát triển kinh doanh và phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Do đó, mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ. Xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ chính là nền tảng để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển bền vững và kêu gọi được vốn đầu tư từ xã hội.
 

Ông Bùi Văn Quyền, Phó Chủ tịch Hội Sáng chế Việt Nam, cho rằng, "nên coi đào tạo SHTT trong trường đại học là một môn bắt buộc, đặc biệt ở các trường kỹ thuật. Được đào tạo từ trong nhà trường, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường mới có đủ kiến thức về SHTT để lập nghiệp". Theo ông Quyền, do chưa được đào tạo bài bản từ trường đại học, trước mắt các doanh nghiệp cần được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo chuyên sâu về SHTT.

Chia sẻ kinh nghiệm trong bảo hộ và khai thác các tải sản trí tuệ, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phẩn Elink Gate, một công ty khởi nghiệp chuyên về các giải pháp kết nối và điều khiển các thiết bị thông minh từ xa, cho rằng, đăng ký SHTT đem lại cho các doanh nghiệp nhiều lợi ích như được bảo vệ quyền lợi đối với các đối thủ cạnh tranh, an toàn khi chuyển giao công nghệ, dễ dàng tiếp cận nhà đầu tư hay thuận tiện trong việc góp vốn bằng SHTT. Vì vậy, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên đăng ký bảo hộ quyền SHTT sớm nhất có thể. Ông Hoàng cũng mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong hoạt động đăng ký SHTT và kết nối các đối tác sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp trong từng lĩnh vực công nghệ.

Liên kết nguồn tin:

http://sromost.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien/99-thong-tin-hoat-dong-cua-cuc-ctpn/1142-doanh-nghiep-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao-da-quan-tam-den-so-huu-tri-tue

Nguồn: Cục Công tác phía Nam

Lượt xem: 677

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)