Sáng ngày 23/9, tại Tọa đàm “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Y tế” nằm trong chuỗi chương trình AI4VN 2020 do Bộ KH&CN tổ chức, các chuyên gia y tế, công nghệ và quản lý nhà nước cho biết, hiện nay AI đã bắt đầu được phát triển hoặc thử nghiệm ở một số bệnh viện từ trung ương đến địa phương.
Theo TS Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế, trí tuệ nhân tạo trong y tế là một lĩnh vực rất mới mẻ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Mặc dù không có một định hướng mang tính chiến lược chính thức về AI trong y tế, nhưng những năm gần đây, ngành y tế rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa nhiều hoạt động của ngành. Theo bà, trong các nhiệm vụ đặt ra, luôn có đất để AI phát triển.
Trên thực tế, việc dùng AI trong hỗ trợ điều trị bệnh, đào tạo năng lực cho bác sĩ hay quản lý bệnh viện đã được triển khai thí điểm ở hơn một chục bệnh viện trên cả nước, bao gồm Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Quân y 108, Bệnh viện K, Bệnh viện Vinmec, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Nhân dân 115….
Một số ứng dụng điển hình bao gồm: Hỗ trợ chẩn đoán lao và bệnh phổi thông qua đọc phim X-quang (phát hiện chính xác đến 92%), hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú, phân tích hình ảnh não thai nhi để phát hiện dị tật, nâng cấp chất lượng ảnh scan từ các thiết bị không chuyên dụng, ứng dụng theo dõi điều trị dài hạn trên 6 tháng, ứng dụng hỏi đáp về bệnh tật, robot phục vụ hậu cần y tế và hỗ trợ giao tiếp giữa bác sĩ với người bệnh,…
Cũng trong hội thảo, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia KC 4.0 giai đoạn 2019-2025 và phó ban soạn thảo Chiến lược AI quốc gia, cho biết, “Y tế đang nằm trong Top 5 lĩnh vực ưu tiên về ứng dụng AI của Việt Nam.” Hơn 400 đề xuất mà chương trình KC4.0 nhận được từ cuối năm 2019 đến nay, có 40 dự án sẽ được triển khai, trong đó 1/3 chủ đề liên quan đến lĩnh vực y tế - theo GS Thủy.
“Đó là con số rất ấn tượng, cho thấy mức độ quan tâm lớn tới ứng dụng công nghệ hiện đại 4.0 vào lĩnh vực y tế”, GS Thủy nhận xét. Mặc dù đa dạng về hướng tiếp cận, nhưng những đề tài này giống nhau ở chỗ, “chủ nhiệm đa phần là người làm ngành y, trong khi người làm công nghệ thông tin thường là người đi cùng và hỗ trợ”.
Thách thức kết nối chuyên gia y tế - chuyên gia công nghệ thông tin
Bàn về phát triển các dự án AI trong y tế, PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương – người đang tham gia xây dựng một loạt kế hoạch phát triển AI nhằm mục tiêu quốc gia “đến năm 2030 Việt Nam chấm dứt bệnh lao”, cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất mà ông nhìn thấy trên thực tế là làm sao để kết nối được các chuyên gia y tế với những chuyên gia công nghệ thông tin.
Ông nhấn mạnh, do đặc thù y tế, việc phát triển các ứng dụng công nghệ AI trước tiên cần “trí tuệ” của con người – tức các kiến thức chuyên môn và lâm sàng mà bác sĩ là người làm chủ, chẳng hạn như chẩn đoán và dán nhãn được bộ dữ liệu sạch; sau đó mới đến “nhân tạo” – tức đào tạo máy móc học để hỗ trợ bác sĩ. Điều này đòi hỏi đội ngũ bác sĩ và các nhà khoa học phải dấn thân vào các lĩnh vực đa ngành mới mẻ mà họ chưa từng trải.
Mặc dù tạo ra hiệu quả trong việc khám chữa bệnh nhưng AI cũng đặt ra bài toán về tính pháp lý và đạo đức bác sĩ. Theo TS Trần Thị Mai Oanh, đây là vấn đề cần tính đến, chẳng hạn như mức độ ủy thác của bác sĩ cho công nghệ được giới hạn đến đâu, hay các quy định về chịu trách nhiệm an toàn người bệnh.
Đại diện Viện Chiến lược Bộ Y tế bổ sung ý kiến, để ứng dụng AI một cách hợp lý, sẽ cần có khung pháp lý, tức coi AI như một loại hình dịch vụ y tế và có những quy trình hướng dẫn về chuyên môn và quy trình về việc tương tác giữa bác sĩ, hệ thống công nghệ và bệnh nhân, nhằm phân định trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia.
Liên kết nguồn tin: Luôn có đất cho AI y tế phát triển (khoahocphattrien.vn)