Thứ năm, 12/11/2020 14:55 GMT+7

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận bản thảo bộ Quốc sử Việt Nam

Ngày 12/11, Bộ KH&CN đã tổ chức tiếp nhận bản thảo bộ Lịch sử Việt Nam. Đây là kết quả của đề án khoa học xã hội cấp quốc gia “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam" có tầm quan trọng đặc biệt.

Đề án này được Ban Bí thư xác định là “bộ Quốc sử mang tính chất quốc gia chính thống” và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Tham dự buổi tiếp nhận có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ/ban ngành trung ương, các viện nghiên cứu, trường đại học…
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ tiếp nhận bản thảo bộ Lịch sử Việt Nam.
 

Phát biểu tại lễ tiếp nhận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, chưa có đề tài nghiên cứu nào mà sau bước nghiệm thu cơ sở lại có lễ bàn giao. Trong hàng nghìn đề tài, nhiệm vụ cấp Nhà nước nếu tính số nhà khoa học tham gia, kinh phí, số trang tài liệu thì có nhiều đề tài có số lượng nhiều hơn nhưng với đề tài này lại rất đặc biệt, thu hút sự quan tâm của xã hội bởi ý nghĩa sự trân trọng quá khứ, các thời đại đã qua.

 Phó Thủ tướng cho rằng, việc nghiên cứu để ra sản phẩm là một bộ Quốc sử, Bách khoa thư... mới hoàn thành nhiệm vụ cấp cơ sở. Sẽ còn nhiều bước tiếp theo để đi đến bước cuối cùng để xuất bản. Trong quá trình hoàn thiện sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để điều chỉnh (nếu có sai sót).  Tuy nhiên, sự kiện ngày hôm nay đã đánh dấu một bước vô cùng quan trọng.
 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chụp ảnh lưu niệm với các nhà khoa học tham gia Đề án.
 


 

"Thay mặt Chính phủ tôi xin ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học, đặc biệt là cố giáo sư Phan Huy Lê", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. 

Báo cáo tại lễ tiếp nhận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Kết luận số 82-KL/TW, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định về việc Phê duyệt mục tiêu, nội dung và dự kiến sản phẩm của Đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia giai đoạn 2014-2018 “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam”; Quyết định về việc thành lập Ban Chủ nhiệm, Thư ký Đề án Khoa học xã hội cấp quốc gia giai đoạn 2014-2018 “Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam” gồm Chủ nhiệm: GS Phan Huy Lê (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), ba Phó Chủ nhiệm: GS.TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Trần Đức Cường (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội). Hai Thư ký khoa học: PGS.TS Vũ Văn Quân (Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Đoàn Minh Huấn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – nay là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản).

Hội đồng Khoa học Đề án gồm 21 ủy viên là nhà khoa học, nhà quản lý có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, uy tín; đại diện một số Bộ, ban, ngành và viện nghiên cứu, trường đại học trong cả nước. Hội đồng Khoa học Đề án do GS Phan Huy Lê làm Chủ tịch, GS.TS Nguyễn Văn Khánh làm Phó chủ tịch, PGS.TS Vũ Văn Quân là thư ký khoa học.

Bộ KH&CN đã giao Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia tổ chức triển khai thực hiện Đề án và bố trí các điều kiện cơ sở vật chất: Phòng làm việc, trang thiết bị cần thiết, kinh phí hoạt động… của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng khoa học Đề án và các đề tài thuộc Đề án. Thực hiện Chỉ đạo của Ban Bí thư, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho Đề án.
 

GS Nguyễn Văn Khánh (bìa phải) bàn giao bản thảo cho ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Nafosted.
 

 Bộ Lịch sử Việt Nam được biên soạn gồm 25 tập thông sử (trong đó, 13 tập Lịch sử Việt nam thời kỳ cổ-trung đại, 12 tập thời kỳ cận-hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó, 3 tập thời kỳ cổ-trung đại, 2 tập thời kỳ cận-hiện đại). 

Đề án đã huy động được trên 300 nhà khoa học trong cả nước tham gia thực hiện. Các tổ chức chủ trì gồm: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khảo cổ học, Hội khoa học Lịch sử Thừa thiên – Huế, Viện Khảo cổ học và Viện Sử học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương.

Theo Ban chủ nhiệm Đề án, thực hiện yêu cầu chất lượng được đặt lên hàng đầu, Ban Biên soạn đã tổng hợp toàn bộ kết quả nghiên cứu của nền sử học Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những kết quả nghiên cứu có giá trị của giới Việt Nam học quốc tế, bảo đảm tính khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật lịch sử; bản thảo được trình bày theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế, vận dụng phương pháp luận nghiên cứu hiện đại, “tái hiện và phân tích lịch sử dựa trên cơ sở tư liệu được thu thập và giám định”, nghiên cứu “điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái” khi phục dựng các sự kiện lịch sử, “quán triệt đặc điểm đa tộc người”, “bao quát lịch sử các cộng đồng cư dân, tộc người, vương quốc đã từng tồn tại trên không gian lãnh thổ”....

Thứ trưởng Tạc cũng cho biết thêm, sau khi các cơ quan chủ trì hoàn thành việc nộp bản thảo và báo cáo kết quả thực hiện, Bộ KH&CN sẽ tổ chức thẩm định, đánh giá nghiệm thu các đề tài thuộc Đề án. Trên cơ sở bảo đảm chất lượng biên soạn, tính thống nhất của bộ Quốc sử, song song với việc đối chiếu giữa các tập Chính sử, Biên niên sự kiện lịch sử, các nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục điều chỉnh bản thảo theo ý kiến chuyên gia và kết luận của Hội đồng khoa học để hoàn thiện trước khi đưa vào biên tập xuất bản. Việc đánh giá nghiệm thu và xuất bản sẽ được tiến hành theo Luật Khoa học và công nghệ, Luật Xuất bản.'

Liên kết nguồn tin: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-tiep-nhan-ban-thao-bo-quoc-su-viet-nam-20201112110828925.htm

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Lượt xem: 2594

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)