Quang cảnh Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 18 Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN.
Ông Lê Xuân Định, Bí thư Đảng uỷ Bộ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, đến nay, khi đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trở nên rõ ràng, có thể khẳng định, lựa chọn phát triển Liên hợp thư viện Việt Nam là nỗ lực rất đúng hướng và đáng trân trọng. Để phát triển Liên hợp thư viện trong 16 năm qua đòi hỏi nỗ lực rất lớn với sự quan tâm của Bộ Khoa học và công nghệ và công sức của các đơn vị thành viên.
Tại Hội nghị, ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia cho biết thêm, Liên hợp thư viện là mô hình phổ biến trên thế giới, có xu hướng ngày càng gia tăng và vai trò ngày càng quan trọng đối với hiệu quả hoạt động của các thư viện.
Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN được thành lập năm 2004, với trên 30 thành viên chính thức và gần 100 quan sát viên với hoạt động chính là phối hợp bổ sung nguồn tin điện tử, chia sẻ các nguồn tin nôi sinh và hợp tác trong các lĩnh vực chuyên môn. Sau 16 năm hình thành và phát triển, Liên hợp thư viện Việt Nam là minh chứng cho một mô hình hợp tác phát triển nguồn tin thành công cả về lượng và chất, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho công tác phổ biến thông tin KH&CN và phục vụ cộng đồng nghiên cứu.
Ông Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Chủ tịch Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN trao đổi tại Hội nghị.
Ông Đắc Hiến cũng cam kết, trong thời gian tới, Cục Thông tin KH&CN quốc gia sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và mong muốn tiếp tục nhận được sự cam kết mạnh mẽ về hợp tác, chia sẻ và trách nhiệm cộng đồng của các đơn vị thành viên để thúc đẩy Liên hợp thư viện phát triển bền vững, đóng góp chung vào sự nghiệp thông tin thư viện của cả nước.
Theo Cục Thông tin KH&CN quốc gia, năm 2019-2020, Liên hợp thư viện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong việc phối hợp bổ sung và tăng cường hiệu quả khai thác nguồn tin KH&CN. Năm 2020, tình hình khai thác CSDL dùng chung của Liên hợp tăng mạnh, với tổng số 385.137 bài trong 8 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng tải về 48 nghìn bài, cao hơn trung bình một tháng năm 2017 (khoảng 47 nghìn bài/tháng) và năm 2018 (trung bình khoảng 37,6 nghìn bài/tháng).
Nhờ khai thác hiệu quả nên giá thành trung bình mỗi bài tải về của Liên hợp giảm qua các năm, hiện chỉ còn 0,2 USD/bài. Các đơn vị sử dụng hiệu quả nhất là Cục Thông tin KH&CN quốc gia, Trung tâm thông tin KH&CN TP. Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Bình Định, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Trà Vinh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Viện Hàn lâm khoa học xã hội...
Ông Phạm Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện trình bày những cơ sở pháp lý mới cho hoạt động liên thông thư viện tại Việt Nam.
Tại Hội nghị này, ông Phạm Quốc Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện cũng đã trình bày trước Hội nghị những cơ sở pháp lý mới cho hoạt động Liên thông thư viện tại Việt Nam với sự ra đời của Luật Thư viện và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật và mong muốn đây sẽ là bước ngoặt đánh dấu cho sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động liên thông, liên kết, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin tại Việt Nam.
Đại diện những thành viên chủ chốt đã tham gia Liên hợp thư viện từ giai đoạn đầu thành lập, bà Kiều Thúy Nga, Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam; Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin thư viện-Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định Liên hợp thư viện hoạt động thực sự hiệu quả với số lượng thành viên, số lượng tài nguyên dữ liệu cung cấp cho cộng đồng và cam kết các thư viện, với vị trí và vai trò khác nhau sẽ thực trách nhiệm của mình trong việc hợp tác, chia sẻ tài nguyên thông tin phục vụ cộng đồng.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Xuân Định đề nghị trong thời gian tới Liên hợp thư viện cần nâng cao hiệu quả phối hợp bổ sung các nguồn tin KH&CN quốc tế; Tạo nền tảng cho việc chuyển đổi số của các thư viện trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung của Liên hợp thư viện, gắn kết chặt chẽ các hoạt động giảng dạy và học tập trực tuyến với việc sử dụng tài nguyên thông tin số và các cơ sở dữ liệu của thư viện trong bối cảnh tình hình mới của Covid-19.
Đẩy mạnh chia sẻ nguồn tin KH&CN nội sinh trong phạm vi Liên hợp thư viện cũng như với cộng đồng thông qua Đề án Hệ tri thức Việt số hoá; Phát triển các nền tảng số cho phép thu thập, kết nối, chia sẻ các nguồn tin KH&CN giữa các đơn vị thành viên theo các tiêu chuẩn dữ liệu chung và dựa trên cơ chế mở, công khai, minh bạch; nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới vào tìm kiếm, khai thác và quảng bá các nguồn tin của Liên hợp thư viện;
Cục Thông tin KH&CN quốc gia nghiên cứu triển khai cung cấp dịch vụ mạng đám mây (testbed) trên nền tảng Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam cho các nhà khoa học, các nhóm start-up tại các đơn vị thành viên Liên hợp thư viện để tiến hành các hoạt động thử nghiệm mô hình tính toán và phân tích dữ liệu.
Hội nghị lần thứ 18 cũng diễn ra Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận tham gia và khai thác hiệu quả sub-consortium ScienceDirect giữa Cục Thông tin KH&CN quốc gia và Đại học Huế. Sau Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội và Thư viện KH&CN quốc gia, Đại học Huế trở thành đơn vị thứ 5 tham gia thụ hưởng CSDL ScienceDirect do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Cục Thông tin KH&CN quốc gia bổ sung tập trung.
Được biết, Hội nghị của Liên hợp thư viện Việt Nam về nguồn tin KH&CN được tổ chức định kỳ thường niên luân phiên tại các tỉnh thành trên cả nước, là dịp để các thành viên, quan sát viên tổng kết, đánh giá hoạt động năm vừa qua, thảo luận định hướng trong năm tới và tăng cường giao lưu, học hỏi trong các hoạt động ngành nghề.
Liên kết nguồn tin: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/lien-hop-thu-vien-la-dau-hieu-di-truoc-xu-huong-chung-cua-xa-hoi-20201011165039843.htm