Trong hội thảo chuyên đề "Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh" thuộc Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN 2020 tổ chức sáng 22/10 tại Hà Nội, các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến và giải pháp phát triển nền tảng công nghệ số giữa các đô thị của Việt Nam với mạng lưới đô thị trong khu vực ASEAN.
Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh vai trò của nền tảng công nghệ số, là yếu tố cốt lõi để phát triển hạ tầng thông minh tại Việt Nam. "Trong xu thế phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0, hạ tầng công nghệ, nền tảng số trong nước đã có những bước phát triển rõ rệt", ông nói và lấy ví dụ về việc chỉ trong hai tháng xảy ra Covid-19, toàn bộ học sinh, sinh viên cả nước được triển khai các nền tảng học và làm việc trực tuyến với độ chịu tải lớn.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: BTC
Các nền tảng kỹ thuật phát triển từng ngày giúp kết nối người dân, đem lại sự thuận tiện, cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, Thứ trưởng Duy cho rằng, trong xu thế phát triển CMCN 4.0, việc phát triển hạ tầng thông minh không chỉ tập trung vào đô thị tại các thành phố lớn, mà cần triển khai tại những địa phương, vùng nông thôn với khái niệm "làng thông minh". Đồng thời nền tảng đó phải gắn liền với người dân, bắt đầu từ những nhu cầu đơn giản nhất.
Quảng Ninh là địa phương sớm triển khai dự án chính quyền điện tử, với mục tiêu phát triển các nền tảng công nghệ từ nhu cầu người dân, ứng dụng thành công giải pháp Chính quyền số FPT.eGov 4.0, giúp quản lý và điều hành cơ sở dữ liệu một cách hệ thống, thông minh. Nền tảng này đã giúp giảm 40% thời gian đi lại của người dân, tạo môi trường làm việc liên thông cho các cơ quan hành chính. Ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh chỉ ra vấn đề khó khăn khi triển khai giải pháp công nghệ tại địa phương là xây dựng kho dữ liệu chuẩn, liên thông.
Theo ông Nguyên, chính quyền số là nền tảng công nghệ gắn liền với nhu cầu người dân nhất, tác động trực tiếp với từng cá nhân. Nhưng có những dữ liệu liên quan thủ tục hành chính nhiều cấp, phức tạp, từ nhiều năm trước, để có thể chuyển đổi số thì phải chia sẻ được dữ liệu. Tuy nhiên "hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về những chuẩn mực trong việc chia sẻ dữ liệu", ông Nguyên nói.
Đưa ra các giải pháp để phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam, ông Koh Siong Lim, Giám đốc phụ trách Giải pháp dành cho khối Chính phủ, HPE khu vực Châu Á- Thái Bình Dương cho biết, ở địa phương, do có nguồn lực hạn chế, nên các giải pháp công nghệ cần được ưu tiên chọn lựa, tập trung giải quyết một vấn đề dữ liệu nhất định của giải pháp đó trong giao thông hoặc thủ tục hành chính, nhưng phải ảnh hưởng lớn tới quá trình chuyển đổi số của địa phương đó. Ngoài ra, cần định vị trước các giá trị, lợi ích có được trước khi tập trung phát triển nền tảng số, sau đó dần mở rộng thành hệ sinh thái chuyển đổi số.
Các hạ tầng thông minh được triển khai bao gồm chính quyền số, Y tế số, Giao thông thông minh và Bảo mật. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, dự báo đến 2050 sẽ có hơn 70% dân số trên toàn thế giới sống trong các đô thị. Xu hướng chuyển đổi số đô thị, xây dựng thành phố thông minh trở thành một điều tất yếu.
Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/chuan-hoa-kho-du-lieu-phat-trien-cong-nghe-so-4180655.html