Thứ ba, 19/05/2020 14:38 GMT+7

Công trình của nhà khoa học nữ về hỗ trợ sinh sản cho người hiếm muộn

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Ngọc Lan, một trong các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

Ngày 18/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020 và Lễ tôn vinh các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bên lề Lễ trao Giải, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Ngọc Lan, một trong các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

- Thưa Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Ngọc Lan, bà có thể chia sẻ về công trình nghiên cứu “So sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi ở các phụ nữ không có hội chứng buồng trứng đa nang thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm” vừa đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Ngọc Lan: Từ trước đến nay, khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tạo ra phôi, chuyển phôi tươi thường được thực hiện trong chu kỳ điều trị và số phôi dư có thể được đông lạnh để sử dụng tiếp nếu chuyển phôi tươi thất bại.

Kết quả chuyển phôi đông lạnh được ghi nhận có vẻ tốt hơn chuyển phôi tươi nên nhiều trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ và chỉ thực hiện chuyển phôi rã đông cho bệnh nhân.

Cách làm này có thể kéo dài thời gian điều trị và tăng thêm chi phí cho quy trình đông lạnh-rã đông phôi nhưng hiệu quả của phương pháp này cũng chưa được chứng minh và công bố rộng rãi. 

Từ câu hỏi lâm sàng “Phương pháp chuyển phôi tươi hay phôi đông lạnh hiệu quả hơn", tôi cùng các thành viên của Bệnh viện Mỹ Đức Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Đại học Adelaide (Australia) tham khảo phương pháp nghiên cứu của 2 giáo sư chuyên ngành là Giáo sư Ben W.Mol và Giáo sư Robert J.Norman, Đại học Adelaide, sau đó, thực hiện nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên so sánh hiệu quả của chuyển phôi đông lạnh với chuyển phôi tươi trên 782 bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang. 

Nghiên cứu tìm thấy tỷ lệ thai diễn tiến và tỷ lệ trẻ sinh sống giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi đông lạnh sau khi thụ tinh trong ống nghiệm là tương đương nhau. Công trình nghiên cứu có ảnh hưởng lớn và góp phần điều chỉnh phác đồ điều trị thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới hiện nay.

Trong quá trình thực hiện, dữ liệu nghiên cứu được kiểm tra và giám sát bởi một Ủy ban Giám sát dữ liệu độc lập gồm 3 giáo sư uy tín trên thế giới gồm: Giáo sư JLH Evers (Chủ biên Tạp chí Human Reproduction, người Hà Lan), Giáo sư S Bhattacharya (Chủ biên Tạp chí Human Reproduction Open, người Anh), Giáo sư E Schuit (Đại học Utrecht, người Hà Lan). Nhóm nghiên cứu đã phải trả lời, làm rõ nhiều câu hỏi và phản biện của những người bình duyệt, bổ sung, chỉnh sửa và được chấp nhận công bố trên tạp chí tháng 1/2018.

Công trình nghiên cứu có ý nghĩa hỗ trợ sinh sản cho người hiếm muộn bởi hằng năm trên thế giới có khoảng 2 triệu chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và 3 triệu chu kỳ chuyển phôi được thực hiện. Tại Việt Nam, có khoảng 20.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và 30.000 chu kỳ chuyển phôi. Kết quả nghiên cứu giúp các bác sĩ và bệnh nhân chọn lựa phương án chuyển phôi phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí, biến chứng và thời gian điều trị.

- Công trình nghiên cứu này có tính ứng dụng rất cao, mang hạnh phúc cho nhiều gia đình hiếm muộn, là người vừa giảng dạy, vừa làm công tác điều trị mà vẫn tâm huyết theo đuổi nghiên cứu, vậy đâu là nguyên nhân đưa tới thành công, thưa Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Ngọc Lan?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Ngọc Lan: Tôi bắt đầu nghiên cứu khoa học từ thời sinh viên, luận văn tốt nghiệp Đại học Y khoa là về thiếu máu trong thai kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó, công việc nghiên cứu luôn gắn liền với điều trị và giảng dạy. Đến nay, hàng ngày làm việc, gặp gỡ, điều trị bệnh nhân, tôi luôn có những câu hỏi lâm sàng như tại sao triệu chứng bệnh diễn tiến thế, phương pháp nào điều trị hiệu quả hơn…
 

Các nhà khoa học: PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan, PGS.TS Phạm Tiến Sơn, TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
 

Tôi may mắn được tham gia vào nhóm thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam từ năm 1997. Trong quá trình điều trị, chứng kiến nhiều hoàn cảnh, khó khăn và mong mỏi của bệnh nhân, tôi và các đồng nghiệp luôn cố gắng nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật điều trị sao cho hiệu quả, an toàn nhất để giúp các gia đình hiếm muộn có được niềm hạnh phúc như mong muốn.

Đặc biệt, điều may mắn của tôi là có mẹ đẻ vừa là người thầy luôn đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ và định hướng cho tôi trong công việc. Bên cạnh đó, chồng tôi cũng là đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực có vai trò định hướng quan trọng trong việc phát triển sự nghiệp của tôi.

Cho đến hiện tại, những ca điều trị khó, những ý tưởng nghiên cứu, tôi đều thảo luận với mẹ và chồng tôi, đôi khi thảo luận ngay trong bữa cơm gia đình. Điều này giúp tôi có cái nhìn đa chiều về một vấn đề, trường hợp xảy ra bất đồng, tôi lắng nghe các ý kiến của mẹ và chồng, dành thời gian suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Những ấn tượng về mẹ và công việc của mẹ - Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh đã khiến tôi say mê nghiên cứu và tiếp tục theo con đường của mẹ. Mẹ và các công việc của mẹ là tấm gương cho tôi rèn luyện về đạo đức nghề nghiệp.

- Đây là năm thứ hai một nhà khoa học nữ trong lĩnh vực Y sinh Dược học đoạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu, xin Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Ngọc Lan cho biết ý nghĩa của Giải thưởng đối với cá nhân bà?

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Ngọc Lan: Giáo sư Tạ Quang Bửu là một nhà khoa học lớn của Việt Nam, là người đã đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam. Giáo sư đã để lại những dấu ấn sâu sắc đối với nền giáo dục và khoa học Việt Nam.

Tuy nhiên, về nghiên cứu khoa học, tôi nghĩ nữ cũng như nam, đều có những trăn trở, suy tư, cũng như những khó khăn, thuận lợi và thách thức cần vượt qua để đi đến đích. Đối với nữ giới, việc sinh con và nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình là thiên chức, đây cũng là thách thức đối với cá nhân tôi cũng như những nhà khoa học nữ.

Việc nhận Giải thưởng mang tên Giáo sư Tạ Quang Bửu là vinh dự và niềm tự hào của các nhà khoa học, những tiêu chí xét chọn của giải thưởng ngày càng nâng cao uy tín của giải thưởng. Giải thưởng thật sự là nguồn động viên lớn lao cho các nhà khoa học, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ có chất lượng ở Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vương Thị Ngọc Lan!./.

Liên kết nguồn tin: https://www.vietnamplus.vn/cong-trinh-cua-nha-khoa-hoc-nu-ve-ho-tro-sinh-san-cho-nguoi-hiem-muon/640829.vnp

Nguồn: vietnamplus.vn

Lượt xem: 1748

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)