Thứ hai, 25/11/2019 10:06 GMT+7

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững

“Cần phải xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước”, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh tại Lễ khai mạc sự kiện Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ (TechDemo) năm 2019.

Tối 24/11, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku, Gia Lai) đã tổ chức lễ khai mạc sự kiện Trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ (Techdemo) năm 2019. Sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức.

Tham sự kiện này có sự hiện diện của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, lãnh đạo các bộ, ngành, Quốc hội, địa phương, khách quốc tế, các nhà khoa học và  đông đảo các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong cả nước.

TechDemo năm 2019 có chủ đề “Kết nối công nghệ, bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, đây là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp và các tổ chức ở địa phương khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, giúp nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa, tạo điều kiện cho các nhà khoa học ứng dụng kết quả của mình vào sản xuất kinh doanh, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Khoa học công nghệ đã có nhiều tiến bộ

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019 nền kinh tế trong nước tiếp tục mở rộng và tăng trưởng triển vọng đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,8%, trong đó mô hình tăng trưởng đã có sự chuyển dịch cơ cấu giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô và mở rộng tín dụng.
 

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Lễ khai mạc TechDemo 2019.  Ảnh: B.N
 

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn năm 2011-2015 lên khoảng 43,3% trong giai đoạn 2016-2018. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn năm 2011-2015 là 4,3% năm, giai đoạn 2016-2018 đã tăng lên 5,8% năm. Đặc biệt năm 2018 tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm qua, đạt trên 7%, nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14 % so với mức tăng 17-18 % của cả năm trước đó.

“Những số liệu này cho thấy nền kinh tế chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị. Có thể khẳng định rằng, khoa học công nghệ có nhiều tiến bộ đạt được những thành tựu quan trọng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

Phó Thủ tướng cũng cho hay, đầu tháng 10 vừa qua theo công bố mới nhất của diễn đàn kinh tế thế giới thì chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng lên thứ hạng 67, tăng 10 bậc và 3,5 điểm trong một năm vừa qua. Việt Nam cũng là quốc gia có điểm số tăng mạnh nhất toàn cầu nằm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương có năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới.

Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam cũng liên tục được tăng cao, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc và công bố mới đây năm 2019 tăng tiếp 3 bậc và xếp thứ 42 trên 126 quốc gia, trong đó nhóm chỉ số về tri thức công nghệ của Việt Nam có thứ hạng cao nhất, xếp thứ 28.

Theo báo cáo chỉ số hiệu quả, đổi mới sáng tạo năm 2018, Việt Nam đã đạt kết quả trong việc tiếp cận với kiến thức khoa học công nghệ của thế giới và hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo điều kiện cho việc trao đổi tri thức hiệu quả, một số tổ chức doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và đã đạt được kết quả tương xứng…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, những chỉ số nói trên thể hiện sự chỉ đạo và những giải pháp của Chính phủ trong việc đảm bảo kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế cùng với các giải pháp tập trung vào thu hút các nguồn lực xã hội cho khoa học và công nghệ. Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao, hấp thụ và phát triển công nghệ góp phần tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đối diện với thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Phó Thủ tướng cũng đưa ra nhận định, với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trên nhiều phương diện, nhiều ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày sẽ thay đổi công nghệ sản xuất theo hướng tự động hóa, robot hóa ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.

Nhiều cơ chế, chính sách hiện hành chưa có tác động hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển và chuyển đổi thông minh tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, chưa thích ứng với xu hướng công nghệ thông tin, sự tiếp cận với công nghệ thông tin còn thiếu tính kết nối chưa có sáng tạo đột phá. Trình độ công nghệ của nền kinh tế xuất phát điểm còn khiêm tốn chưa đồng đều, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn lạc hậu. Doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa đủ năng lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới. Nhiều doanh nghiệp còn bị động với các xu thế phát triển mới, chưa sẵn sàng chuyển hướng mô hình tổ chức kinh doanh.

“Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa dư thừa lao động trình độ thấp, nhập khẩu công nghệ lạc hậu, mất an toàn, an ninh thông tin, đồng thời chịu tác động nhiều mặt về văn hóa xã hội, môi trường quốc phòng, an ninh”, Phó Thủ tướng cảnh báo.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc hình thành phát triển lực lượng lao động được trang bị đủ kỹ năng, trình độ để khai thác làm chủ được công nghệ, phương thức vận hành mới tạo ra được sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng việc làm mới cũng là một thách thức lớn đối với Việt Nam.

Chính vì thế, thời gian tới Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng kết hợp với sự phát triển công nghệ trong một số ngành lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính để phát triển mô hình kinh tế xã hội. Phải làm tốt hơn nữa về sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển khoa học và công nghệ, cần kết nối tốt hơn nữa giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Trong bối cảnh đó tôi vui mừng nhận thấy hoạt động trình diễn kết nối cung cầu công nghệ trong thời gian qua đã được tổ chức chu đáo nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà khoa học. Hoạt động trình diễn kết nối cung cầu công nghệ được tổ chức lần này một lần nữa khẳng định những nỗ lực và bước đi thiết thực của Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam dựa trên ứng dụng chuyển giao đổi mới công nghệ”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Cần có thêm nhiều giải pháp để phát triển thị trường khoa học công nghệ

Với mục tiêu đưa khoa học công nghệ thực sự là động lực then chốt cho phát triển kinh tế xã hội, các địa phương trong cả nước, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình  muốn khoa học công nghệ cần có thêm nhiều giải pháp cụ thể để phát triển thị trường khoa học công nghệ ngày càng thực chất hơn nhằm nâng cao năng lực trình độ khoa học công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng cường gắn kết chặt chẽ  giữa những người sản xuất doanh nghiệp địa phương với các đơn vị nghiên cứu, đồng thời huy động được các nguồn lực khác trong và ngoài nước hỗ trợ để thúc đẩy thương mại hóa đưa nhanh các kết quả nghiên cứu. Đổi mới công nghệ ứng dụng những công nghệ mới tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong đổi mới sáng tạo.

Để hiện thực hóa việc này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ khoa học và công nghệ, các bộ ban, ngành Trung ương và địa phương trong thời gian tới tập trung thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về một số định hướng giải pháp tạo đột phá chiến lược, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách với những cơ chế đặc thù cạnh tranh để tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, khuyến khích sự sáng tạo của người dân; gắn kết chặt chẽ giữa Viện nghiên cứu trường đại học với doanh nghiệp dịch vụ công nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ.

Phát huy vai trò và tạo cơ chế phù hợp để các trường đại học,Viện nghiên cứu có thể tăng cường nền tảng vốn có của con người cho đổi mới sáng tạo, nhất là gắn liền với các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận, chuyển giao công nghệ hấp thụ và làm chủ công nghệ và tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp.

Phát triển mạnh các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ tại các địa phương; Kết nối chặt chẽ với các tổ chức khoa học và công nghệ tại Trung ương hình thành cơ sở dữ liệu chung về công nghệ, chuyên gia công nghệ phục vụ cho hoạt động kết nối cung cầu công nghệ một cách có hiệu quả và thiết thự;   Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ, thúc đẩy hoạt động kết nối thương mại hóa và các kết quả nghiên cứu sẵn có của các Viện, trường với các doanh nghiệp

Mở rộng hoạt động kết nối cung cầu công nghệ sang một số nước phát triển để tăng cường hoạt động chuyển giao làm chủ và  phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra cần xã hội hóa mạnh các dịch vụ khoa học công nghệ, đặc biệt là dịch vụ thông tin tư vấn, môi giới đánh giá thẩm định và giám định dịch vụ công nghệ, các dịch vụ về sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sáng tạo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các loại hình chợ công nghệ và thiết bị, các sàn giao dịch điện tử, các trung tâm giao dịch công nghệ. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng khoa học công nghệ từ các đơn vị cơ sở sản xuất với các tổ chức, cơ quan, đơn vị nghiên cứu.

“Chúng ta chú ý đến đặc điểm về xã hội tự nhiên của miền Trung và Tây Nguyên đó là phát triển năng lượng công nghệ cao, năng lượng tái tạo gắn liền với thế mạnh phát triển các loại hình du lịch và nhất là du lịch về văn hóa dân tộc. Các bộ, ngành, địa phương cần tạo điều kiện để có thêm các tổ chức tư vấn hỗ trợ kỹ thuật chuyển giao công nghệ và cũng cần gắn với kết nối tài chính ngân hàng để hỗ trợ vướng mắc cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ cũng như  chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, Phó Thủ tướng lưu ý để hoạt động TechDemo đang diễn ra ở Gia Lai diễn ra thiết thực và thực chất.

Tại Lễ khai mạc TechDemo, UBND tỉnh Gia Lai đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng số vốn đầu tư 2.430 tỷ đồng, 6 dự án đăng ký ghi nhớ với tổng số vốn đầu tư lên tới 17.500 tỷ đồng.

Liên kết nguồn tin: https://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-la-nen-tang-thuc-day-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-20191125064924187.htm

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

Lượt xem: 4552

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)