Thứ sáu, 25/10/2019 16:11 GMT+7

Sở hữu trí tuệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0: Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế

Để tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mỗi quốc gia cần xác định những tác động của nó đối với từng lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực sở hữu trí tuệ cũng không ngoại lệ cần được đặt trọng tâm ưu tiên nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.


Sở hữu trí tuệ là trọng tâm ưu tiên nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nhiều cơ hội và thách thức

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) được xem là cơ hội vàng để các nước đang phát triển tận dụng thành tựu khoa học công nghệ phục vụ phát triển đất nước. Theo ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho hệ thống sở hữu trí tuệ là phải được xây dựng và vận hành thật sự hiệu quả, đóng vai trò kiến tạo cho đổi mới sáng tạo, thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Vấn đề sở hữu trí tuệ đã vượt ra khỏi biên giới một quốc gia và bản thân mỗi quốc gia riêng rẽ không thể xử lý được”, ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.

Cách mạng công nghiệp 4.0 với internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ phần mềm, các mô hình kinh doanh mới… đặt ra những vấn đề cấp bách về chuyên môn. Đó là các vấn đề liên quan tới xác lập quyền trong xử lý đơn liên ngành hay ứng dụng AI vào xử lý đơn, sử dụng big data cho hoạt động của cơ quan sở hữu trí tuệ và bảo hộ AI cùng những kết quả tạo ra từ AI…

Chuyên gia sở hữu trí tuệ Nguyễn Minh An, Công ty Luật Pacific cho rằng, việc đăng ký bằng sáng chế trong thế giới IoT rất có giá trị. Tuy nhiên, việc bảo hộ tài sản trí tuệ cũng khó khăn hơn và dễ dẫn tới nhiều vụ kiện xâm hại bằng sáng chế. Bởi thiết bị IoT của các nhà sản xuất khác nhau buộc phải có khả năng tương thích với nhau. Mà mỗi một hệ thống IoT, dù nhỏ cũng có thể phải tích hợp hàng nghìn sáng chế. Điều này dẫn tới việc rất nhiều bằng sáng chế bị chồng chéo nhau.

Ông Đỗ Thiên Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết, Cơ quan sáng chế châu Âu thống kê mỗi năm nhận hơn 5.000 đơn sáng chế liên quan đến IoT và số đơn tăng 54% chỉ trong 3 năm. Điều này khẳng định, các đơn sáng chế thuộc các lĩnh vực công nghệ thông minh sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với sự ra đời của các vật liệu mới và các sáng chế được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo. Sự phát triển này cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, ví dụ như bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm in bằng công nghệ 3D.

Đẩy mạnh kết nối, hội nhập

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Đỗ Thiên Hoàng, trước hết cần hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ để giải quyết các đối tượng mới phát sinh và tăng cường hợp tác quốc tế. Đối với cơ quan quản lý, thực thi quyền cần nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ mới vào quản lý, xử lý đơn, chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp, cần có hướng dẫn về quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ…

Đóng góp ý kiến cho hoạt động sở hữu trí tuệ Việt Nam, đại diện Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO), ông Manabu Niki cho rằng, cần có sự kết nối giữa sở hữu trí tuệ và các ngành công nghiệp. Để đồng hành cùng Cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan sở hữu trí tuệ cần có kế hoạch hành động sử dụng trí tuệ nhân tạo cho từng giai đoạn, từ sáng chế, kiểu dáng đến nhãn hiệu. Với Việt Nam, JPO cũng đẩy mạnh hợp tác song phương chương trình thẩm định nhanh đơn sáng chế, trao đổi thẩm định sáng chế, hỗ trợ hệ thống công nghệ thông tin.

Luật sư Nguyễn Minh An cho rằng, với sự bùng nổ của công nghiệp IoT, các nhà sáng chế cần đăng ký bằng sáng chế cho sản phẩm của mình càng sớm càng tốt. Khi viết đơn đăng ký sáng chế, cần chú ý những vấn đề quan trọng, như: Phạm vi bảo hộ ngoài quốc gia để tăng khả năng và phạm vi được bảo vệ; đa dạng hóa một sáng chế ở nhiều định dạng hay biểu đạt bằng nhiều cách để tăng tối đa tính bảo vệ; lường trước những hoàn cảnh sử dụng sáng chế…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cũng khẳng định: "Trong thời đại 4.0, sở hữu trí tuệ trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế". Vì thế, mặc dù nền móng cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã được xây dựng một cách tương đối vững chắc nhưng hiện trạng của chính hệ thống này cũng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đang đặt ra những đòi hỏi ngày càng cao như phải tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Để thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22-8-2019; Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn ngày 12-11-2018. Ngày 14-6-2019, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ để thi hành các nghĩa vụ theo Hiệp định CPTPP. Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Dự thảo hồ sơ đã được công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi.

Liên kết nguồn tin: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/948484/so-huu-tri-tue-trong-cach-mang-cong-nghiep-40-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-quoc-te

 

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 3805

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)