Thứ sáu, 30/08/2019 15:54 GMT+7

Chuyên gia giải đáp trực tuyến về "chìa khóa" phát triển cho doanh nghiệp

Vào lúc 9h30 ngày 29/8/2019, Chất lượng Việt Nam online tổ chức tọa đàm cùng khách mời thảo luận về vấn đề năng suất chất lượng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm với chủ đề “Năng suất chất lượng: “Chìa khóa” phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
 

Trong những năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước: chiếm trên 40% GDP, tạo việc làm cho khoảng 62% tổng số lao động cả nước… Tuy nhiên, với những hạn chế như: ít vốn, trình độ quản lý thấp, lao động thủ công, sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường… đang khiến cho khối doanh nghiệp này phải đối diện nhiều thách thức khi nền kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu rộng.

Trước bối cảnh đó, Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712) được triển khai đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Với những chính sách sát sườn hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương cùng sự vào cuộc của các hiệp hội ngành hàng đã giúp cho nhiều doanh nghiệp có đột phá về năng suất và nâng cao chất lượng quản trị. Đặc biệt giúp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thay đổi nhận thức trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ.

Thực tiễn những năm qua, nhờ chương trình Năng suất chất lượng quốc gia mà hàng nghìn doanh nghiệp đã được tiếp cận các đề án thông qua sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với nhiều bộ, ngành khác. Đặc biệt cùng với sự đồng hành của các hiệp hội, ngành hàng, sự hỗ trợ này đã xây dựng được các mô hình điểm, nhờ đó đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Để làm rõ hơn các nội dung này, Chất lượng Việt Nam Online tổ chức tọa đàm với chủ đề “Năng suất chất lượng: “Chìa khóa” phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khách mời trường quay gồm có:

+ Bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội

+ Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dệt may và du lịch Bình Anh

 

Trân trọng kính mời bạn đọc cùng theo dõi.

MC: Doãn Trung dẫn chương trình.

“Thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh hội nhập”

MC Doãn Trung: Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi bà Trịnh Thị Ngân. Bà đánh giá như thế nào về năng lực hội nhập của DN nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay?

Bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Đất nước chúng ta đã tham gia hội nhập rất sâu rộng. Các hiệp định thế hệ mới mới được kí kết và có hiệu lực trong thời gian vừa qua. Cũng gần 8 năm chúng ta thực hiện chương trình 712 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về chương trình Phát triển hỗ trợ năng suất chất lượng. Qua chương trình này thực hiện thì đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có những đổi mới và quan trọng nhất là tham gia đổi mới công nghệ. Trong quá trình tham gia hội nhập các doanh nghiệp đặt mục tiêu lớn và hoàn thiện những năng lực yếu kém. 

Vậy theo Bà, khả năng làm chủ thị trường của khối doanh nghiệp này trong bối cảnh hàng loạt các FTA được ký kết và có hiệu lực trong thời gian sắp tới?

Bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Trong thời gian vừa qua có sự hỗ trợ rất tích cực về phía các Bộ/ban/ngành Nhà nước. Về phía UBND thành phố Hà Nội cũng đã có những quyết định hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để đổi mới máy móc và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tất cả các chương trình này đều được hỗ trợ tối đa và tất cả các chương trình về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng luôn được các doanh nghiệp hưởng ứng tham gia. Và các doanh nghiệp cũng nhận được hỗ trợ từ các chương trình Năng suất chất lượng như 5S, KPI, Lean…. Tất cả các chương trình này chúng tôi cũng đã được hỗ trợ từ Viện Năng suất của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN cũng đã, hỗ trợ trang bị các doanh nghiệp nhỏ và vừa những tiêu chí để các doanh nghiệp tung ra sản phẩm ra thị trường và hội nhập với quốc tế.

MC Doãn Trung: Là DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, DN đã có sự chuẩn bị như thế nào trước xu hướng hội nhập cao của Việt Nam như hiện nay, thưa bà Oanh?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dệt may và du lịch Bình Anh: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, doanh nghiệp chúng tôi chủ yếu đầu tư vào yếu tố con người – nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ, thiết bị và quy trình. 

MC Doãn Trung: Với sự cạnh tranh khốc liệt từ các DN nước ngoài, theo bà Oanh đâu là hướng đi để có thể khẳng định được vị trí của DN nhỏ và vừa Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dệt may và du lịch Bình Anh: Như đã nói ở trên, định hướng của chúng tôi là tuyển chọn những nhân viên – nhân lực có trình độ, có tay nghề tốt. Đặc biệt sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng mà chúng tôi hướng đến.

MC Doãn Trung: Một vấn đề đang được rất quan tâm đó là năng suất chất lượng. Thưa bà Ngân, năng suất chất lượng có vai trò như thế nào đối với sự cạnh tranh của các DN nhỏ và vừa?
 

Bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội .
 

Bất kể mọi doanh nghiệp nào cũng phải nghĩ đến chuyện tăng chất lượng sản phẩm để làm sao tính đến chuyện sản phẩm của mình cạnh tranh được trên thị trường. Do vậy, đối với doanh nghiệp, Năng suất chất lượng là quyết định sống còn của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tham gia trên thị trường ở bất kì sản phẩm gì đều phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đi cùng với năng suất chất lượng cũng cần gắn liền với con người, năng lực sản xuất, thiết bị công nghệ và với những hạ tầng thương mại. 

MC Doãn Trung: Thực tiễn từ DN, bà có thể chia sẻ về những khó khăn trước áp lực về việc tăng năng suất và chất lượng sản phẩm trong bối cảnh cạnh tranh hết sức gay gắt như hiện nay, thưa bà Oanh?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dệt may và du lịch Bình Anh: Năng suất chất lượng là yếu tố tiên quyết quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi tập trung đầu tư vào yếu tố con người. Rõ ràng, nếu nhân lực không đạt được trình độ như doanh nghiệp mong muốn thì năng suất không thể cao được.

Bên cạnh đó, điều vướng mắc rất lớn với doanh nghiệp chúng tôi đó là sau khi đào tạo nhân lực có chuyên môn, họ lại muốn ra đi tìm môi trường khác. Để khắc phục việc này, chúng tôi đã áp dụng 5s để lao động chất lượng cao ở lại và cống hiến cho doanh nghiệp.

Năng suất chất lượng – chìa khóa phát triển của doanh nghiệp”

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712). Trong đó, dự án thúc đẩy hoạt động năng suất và chất lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.

Hơn 8 năm triển khai, Chương trình 712 đã đem lại những lợi ích lớn đối với các doanh nghiệp trong quá trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Để thấy rõ điều này, xin mời quý vị và các bạn theo dõi clip sau:

MC Doãn Trung: Thưa bà Ngân, qua clip vừa rồi có thể thấy việc hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, đặc biệt là DN nhỏ và vừa thông qua các dự án của Bộ KH&CN. Bà có thể cho biết chính sách thúc đẩy năng suất chất lượng có vai trò của như thế nào trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển?

Bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Tôi đánh giá rất cao chương trình 712 của Chính phủ ban hành, chương trình này cũng đã có nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa giúp nâng cao  năng suất chất lượng. Qua 8 năm thì chúng tôi thấy rằng chương trình đã góp phần giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tự đo lường được chất lượng, sản phẩm của lao động, của sản phẩm do mình sản xuất.

Trong thời gian vừa qua tôi đánh giá các chính sách cũng như các quy chuẩn của Việt Nam đều được xây dựng rất kịp thời và là thước đo giúp cho các doanh nghiệp tự mình hoàn thiện những điểm yếu và nâng cao hơn nữa Năng suất chất lượng, năng suất lao động.

MC Doãn Trung: Quan điểm của bà như thế nào về việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề năng suất chất lượng?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dệt may và du lịch Bình Anh: Theo tôi, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải quyết tâm làm sao để có chất lượng tốt, năng suất cao. Năng suất và chất lượng là hai yếu tố tỉ lệ thuận với nhau. Để phát triển cả năng suất và chất lượng, cần tập trung vào 2 yếu tố cốt lõi, đó là: yếu tố con người (ví dụ như trình độ sử dụng máy móc, quản trị doanh nghiệp… ), đầu tư máy móc nhằm xác định đối tượng khách hàng.

MC Doãn Trung: Thực tiễn từ DN Bình Anh, vấn đề đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất như 5S, KAIZEN, TPM…được triển khai và có kết quả như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dệt may và du lịch Bình Anh trong chương trình tọa đàm.

Bản thân doanh nghiệp của chúng tôi đã và đang sử dụng công cụ cải tiến năng suất 5s để phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, để cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt là để giữ công nhân có tay nghề cao.

MC Doãn Trung: Qua quá trình hỗ trợ, đồng hành cùng DN bà Ngân có thể chia sẻ về những gương điển hình đã có những sáng kiến đổi mới trong việc áp dụng công cụ quản lý, cải tiến, sáng kiến nâng cao năng suất chất lượng tại doanh nghiệp hay không?

Bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Trong thời gian vừa qua chúng tôi cũng đã cùng với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức nhiều buổi tư vấn, đào tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của Nhật như Panasonic, Canon… họ cũng học hỏi các công cụ tăng năng suất của mình và áp dụng và chính các doanh nghiệp của mình cũng học hỏi các phương pháp tăng năng suất từ họ.

Chúng tôi đã triển khai một loạt các công cụ tăng năng suất trong đó phải kể đến 5S theo tôi đánh giá là một trong những công cụ hiệu quả nhất và dễ dàng áp dụng cho mọi doanh nghiệp.

MC Doãn Trung: Thưa bà Ngân, mặc dù vấn đề NSCL được coi là vấn đề sống còn của DN, thế nhưng vẫn còn đâu đó những DN chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Ở vai trò hiệp hội DN, bà có chia sẻ gì về vai trò của tổ chức này đối với việc thúc đẩy hỗ trợ DN nâng cao năng suất?

Bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Chúng tôi có quan hệ rất thân thiết với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để thường xuyên có những buổi bồi dưỡng, đào tạo cho các doanh nghiệp trong quá trình đổi mới khoa học công nghệ và áp dụng trong các lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn những khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn. Vì thế, chúng tôi cũng đã làm công tác tuyên truyền tới các doanh nghiệp và các doanh nghiệp muốn tồn tại, phát triển thì phải có những tiêu chuẩn đo lường chất lượng làm sao đảm bảo các quy định và các sản phẩm tham gia thịt trường đòi hỏi chất lượng phải nâng cao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng giao thương với nhau để hỗ trợ, tư vấn cho nhau. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các diễn đàn cho các doanh nghiệp cùng học hỏi lẫn nhau để giúp đỡ nhau, làm sao các doanh nghiệp nói lên được khó khăn của mình để tất cả cùng cung tay giúp đỡ, tháo gỡ.

Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các bộ, banh ngành có những thông tư, hướng dẫn nhiều hơn nữa nhất là vấn đề nguồn nhân lực khi luật Doanh nghiệp nhỏ và  vừa có hiệu lực.

MC Doãn Trung: Hiện nay, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa sẽ ngày càng được đẩy mạnh, để tăng sức cạnh tranh thì vấn đề chất lượng được DN chú trọng như thế nào thưa bà Oanh?

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Giám đốc Công ty TNHH thương mại dệt may và du lịch Bình Anh: Thực tế khẳng định, chất lượng là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành hay bại của doanh nghiệp. Chất lượng sản phẩm phải đảm bảo quy chuẩn trong nước cũng như phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Theo tôi, “có được chất lượng quan trọng nhưng giữ được chất lượng bền vững lại là điều quan trọng hơn”. Bởi chất lượng cũng chính là con đường để đi tới xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.

MC Doãn Trung: Trở lại bài toán năng suất của doanh nghiệp, hiện năng suất lao động của doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là đang thấp so với nhiều nước trong khu vực. Theo bà Ngân, điều gì đã gây cản trở việc tăng năng suất lao động của doanh nghiệp VN?

Bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội: Chúng tôi cho rằng NSLĐ là sự quyết định của giá thành. Hiện nay, NSLĐ của Việt Nam trong khu vực là rất thấp.

Và chúng ta nếu không có những bước phát triển về nguồn nhân lực chúng ta sẽ bị thua với các nước trong khi vực chứ không nói gì đến thế giới. Thế nên chúng tôi thấy rằng, chương trình phát triền nguồn nhân lực là chương trình rất cần thiết hiện nay.  

Theo tôi hiện nay chi phí chi phí logistics của chúng ta rất lớn, lớn hơn nhiều so với thế giới do đó chúng ta phải làm sao để giảm được cái chi phí logistics. Hơn nữa theo tôi, hạ tầng giao thông của chúng ta cũng còn gây khó khăn cho các doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển. Bên cạnh đó, các khu công ghiệp còn hạn chế, các cụm doanh nghiệp chưa được đầu tư nhiều nên chúng tôi cũng kiến nghị về phía Nhà nước tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp trong vấn đề hạ tầng giao thông nhất là giao thông về thương mại, cảng biển. 

MC Doãn Trung: Vậy giải pháp nào có thể cải thiện vấn đề về năng suất của doanh nghiệp? Các hiệp hội có thể hỗ trợ gì cho các DN cải thiện vấn đề Năng suất chất lượng hay không thưa bà Ngân?

Bà Trịnh Thị Ngân – Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội:  Tôi rất mong Bộ KH&CN ban hành những quy chuẩn, tiêu chuẩn còn thiếu vì nhiều sản phẩm của chúng ta hiện nay trong quá trình sản xuất tham gia hội nhập quốc tế có nhiều sản phẩm của chưa kịp ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn. Thế nên, chúng ta cũng phải rà soát lại những tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm sao khi doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm nhất là các sản phẩm công nghệ cao thì hiện nay chúng ta chưa có tiêu chuẩn.

Trong xu thế mới chúng ta cũng cần đầu tư vào những sản phẩm trí tuệ và các chính sách về sở hữu trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo được đầu tư đổi mới và hỗ trợ cho doanh nghiệp để đối mới khoa học công nghệ. Nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì hiện nay cũng thiếu và yếu rất nhiều trong việc đổi mới công nghệ. 

Thưa quý vị và các bạn!

Vấn đề nâng cao Năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa trong doanh nghiệp Việt Nam luôn là vấn đề cốt lõi. Nếu giải quyết vấn đề này tốt sẽ tạo ra điều kiện của sự cạnh tranh, sự bền vững trong doanh nghiệp nói riêng và cả ngành kinh tế Việt Nam nói chung.

Thực tiễn những năm qua, nhờ chương trình Năng suất chất lượng quốc gia mà hàng nghìn doanh nghiệp đã được tiếp cận các đề án thông qua sự hỗ trợ của Bộ KH&CN cùng với nhiều bộ, ngành khác. Đặc biệt cùng với sự đồng hành của các hiệp hội, ngành hàng, sự hỗ trợ này đã xây dựng được các mô hình điểm, nhờ đó đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Một lần nữa, xin cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia chương trình.

Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và các bạn. Xin chào và hẹn gặp lại!

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/talkshow-nang-suat-chat-luong---chia-khoa-phat-trien-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-d162797.html

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 2121

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)