Thứ năm, 01/08/2019 15:58 GMT+7

Khoa học - công nghệ các tỉnh phía Nam: Hiệu quả từ các mô hình điểm

Từ những mô hình áp dụng khoa học - công nghệ đem lại hiệu quả cao về kinh tế, ngành Công Thương phía Nam đang nỗ lực chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh trên thị trường.

Theo Vụ khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Bộ Công Thương, từ năm 2018 đến nay, tại các địa phương khu vực phía Nam đã có nhiều mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản trị tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất hiện đại. Cụ thể trong 9 tỉnh, thành phố phía Nam có 55 mô hình được triển khai, trong đó hoàn thành 46 mô hình, 9 mô hình đang triển khai. TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều mô hình nhất với 26 mô hình.
 


Mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất bột tôm, bột ruốc tại Công ty Đại Phát (Cà Mau)

Bộ Công Thương đã tiến hành nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình, đề án năm 2018. Một số nhiệm vụ đạt kết quả nổi bật như Dự án "Sản xuất một số thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm công nghiệp chế biến tôm" do Viện Công nghệ thực phẩm và Công nghệ sinh học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) thực hiện tại tỉnh Cà Mau; hay Đề án "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất cá hộp không thanh trùng từ cá tra, cá basa tại An Giang"…

Trong lĩnh vực năng lượng, mô hình trạm biến áp không người trực cấp điện 110kV và 220kV đã được ngành điện triển khai trên diện rộng. Ngành dầu khí triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về dầu khí, thống nhất định dạng các tài liệu để ứng dụng vào công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.

Ông Mạch Văn Nhỉ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất TM-DV Ðại Phát (Cà Mau) - cho biết, từ nguồn ngân sách hỗ trợ của Bộ Công Thương, công ty đã chủ động nguồn kinh phí gấp rất nhiều lần được cấp để đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thiết bị, nhà xưởng phục vụ phát triển sản phẩm. Hiện doanh thu hàng tháng của công ty đạt 15-17 tỷ đồng.

"Công ty đặt mục tiêu phối hợp với Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm phát triển và tạo thêm các giá trị gia tăng cho các nguyên liệu, phế liệu từ thủy, hải sản; định hướng trở thành công ty hàng đầu tại tỉnh Cà Mau về chế biến phụ phẩm tôm và các phụ phẩm thủy, hải sản khác" - ông Nhỉ chia sẻ.

Ông Đặng Tất Thành - Tổ giúp việc Ban điều hành Đề án của Bộ Công Thương - nhận định: "Đây là một trong những dự án thành công của Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 của Bộ Công Thương khi đã tìm ra các hướng đi thiết thực và khuyến khích được DN đầu tư kinh phí, ứng dụng công nghệ nhằm đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng cao".

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, ứng dụng KH&CN của các DN trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh đang có những thay đổi nhanh chóng về công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Vụ KH&CN cho biết, năm 2019, Bộ Công Thương tập trung xây dựng những nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn, theo cụm nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh sự phối hợp, liên kết giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học với các lực lượng khoa học của các DN để mang lại hiệu quả cao hơn cho các chương trình được chọn lựa, cấp kinh phí.

Từ năm 2018 đến nay, nhiều nhiệm vụ KH&CN tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã được ứng dụng thành công trên thực tế, đem lại hiệu quả lâu dài cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; các sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường.

Liên kết nguồn tin:

https://congthuong.vn/khoa-hoc-cong-nghe-cac-tinh-phia-nam-hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-diem-122757.html

 

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3226

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)