Thứ sáu, 22/02/2019 16:37 GMT+7

Tăng giá trị nông sản: “Phép màu” của khoa học và công nghệ

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những giải pháp, công cụ đóng góp tích cực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Do đó, trong năm 2019, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quan tâm đầu tư ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp.

Đi đầu về ứng dụng KH&CN

Ông Dương Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - cho biết, Bắc Giang là tỉnh đầu tiên ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN bốn bên giữa UBND tỉnh Bắc Giang với Bộ KH&CN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, giai đoạn 2014-2020. Chương trình đã góp phần quan trọng nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động KH&CN tỉnh Bắc Giang.


Khoa học và công nghệ đã tạo ra giá trị gia tăng lớn cho nông sản
 

Nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng KH&CN trong chế biến, bảo quản nông sản, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách, nổi bật là Nghị quyết số 130/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; Nghị quyết số 46/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Nhờ đó, đến nay Bắc Giang đã có 71 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 163 cánh đồng mẫu, hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả với diện tích 48.300 ha. Trong đó, nhiều mô hình có quy mô lớn với hàng chục ha như: Rau chế biến, rau an toàn 6.880 ha, cam 4.104 ha, bưởi 3.819 ha...

Bắc Giang cũng là một trong 3 tỉnh được Bộ KH&CN lựa chọn thực hiện thí điểm phổ cập kiến thức KH&CN đến người dân qua điện thoại di động trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Với 8 sản phẩm chủ lực được tỉnh công nhận, nhờ đóng góp của KH&CN, hàng năm đã tạo ra giá trị gia tăng lớn. Dẫn chứng về cây vải thiều, ông Dương Văn Thái cho biết thêm, với diện tích gần 29.000 ha, sau khi được tăng cường ứng dụng KH&CN, diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh tăng từ 1.000 ha lên đến 13.500 ha, diện tích đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 218,5 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS cho 394 hộ sản xuất. Nhờ đó, chất lượng vải được nâng lên, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Cũng nhờ triển khai ứng dụng các công nghệ cao trong bảo quản nông sản như: Công nghệ CAS của Nhật Bản, công nghệ bảo quản của Công ty Jural - Israel, công nghệ bảo quản bằng màng MAP... đã tăng được thời gian lưu giữ các sản phẩm nông sản, đảm bảo chất lượng, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu. Đến nay, sản phẩm vải thiều của Bắc Giang đã xuất khẩu hơn 30 nước trên thế giới. Năm 2017 từ cây vải thiều đã cho thu nhập 5.300 tỷ đồng, năm 2018 là 5.800 tỷ đồng.

Hay với sản phẩm gà đồi Yên Thế, từ việc được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mà quy mô, số lượng đàn gà tăng đáng kể với hơn 18 triệu con/năm, chất lượng gà được nâng lên. KH&CN cũng giúp các sản phẩm chế biến từ gà Yên Thế đạt Cúp Chứng nhận sản phẩm thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á và được bảo hộ tại 3 quốc gia (Lào, Trung Quốc, Singapore)...

Từ những kết quả này, ông Dương Văn Thái cho hay, năm 2019, tỉnh Bắc Giang sẽ tập trung rà soát các quy định của Trung ương, địa phương để tham mưu cấp ủy, chính quyền ban hành, sửa đổi các quy định về quản lý nhiệm vụ KH&CN; tập trung chỉ đạo nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả; tổ chức nhân rộng các kết quả nghiên cứu đề tài, dự án KH&CN; tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh...

Năm 2018, tỉnh Bắc Giang đã triển khai ứng dụng App 4G Plus - ứng dụng thông tin KH&CN và thông tin nông nghiệp trên các thiết bị thông minh. Bên cạnh đó, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu gồm 4.300 dữ liệu về nông nghiệp như: Quy trình kỹ thuật, tiến bộ giống cây trồng, vật nuôi, biện pháp canh tác...

Liên kết nguồn tin:

https://congthuong.vn/tang-gia-tri-nong-san-phep-mau-cua-khoa-hoc-va-cong-nghe-115924.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 2950

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)