Thứ sáu, 04/01/2019 14:40 GMT+7

Phải chuyển bằng được từ “bắt buộc” sang “tự nguyện”

Chúng ta không nên bắt buộc doanh nghiệp phải dành bao nhiêu phần trăm doanh thu để trích lập Quỹ KH&CN hay đầu tư cho nghiên cứu KH&CN. Thay vào đó, Nhà nước cần kiến tạo chính sách để doanh nghiệp muốn sản xuất phải “đua nhau” đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. “Chừng nào còn bắt buộc là chúng ta còn thua”.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Chừng nào còn bắt buộc, chúng ta còn thua". Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Ngày 03/01, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm, đại diện Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính,… có buổi tọa đàm về định hướng và giải pháp để KH&CN trở thành động lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại tọa đàm, ý kiến của các đại biểu đều thống nhất khẳng định, KH&CN là quốc sách hàng đầu. Quan điểm này đã được khẳng định xuyên suốt trong nhiều văn kiện của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tế thời gian qua, KH&CN đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội nước nhà.

Tuy nhiên trong kỷ nguyên 4.0, để KH&CN tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng của mình với tinh thần “đã tiến bộ rồi, phải tiến bộ hơn nữa”, KH&CN thực sự trở thành động lực để đất nước đi lên và doanh nghiệp phải trở thành trung tâm của Hệ thống sáng tạo quốc gia như kỳ vọng, chúng ta cần phải có những giải pháp đột phá cả về nhận thức và hành động như: Nâng cao nhận thức về vai trò động lực có tính quyết định của KH&CN, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng KH&CN theo hướng gắn nghiên cứu với sản xuất và thị trường để doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia.

Nhận định dù đã được khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nhiều văn bản, tuy nhiên thực tế thời gian qua, KH&CN chưa được nhiều lãnh đạo từ trung ương đến địa phương quan tâm “chú ý” một cách thực chất,… nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cho rằng, chúng ta cần một tư duy mới trong quản lý KH&CN, lấy KH&CN là động lực hàng đầu để tạo chuyển biến về KTXH.

Theo nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, trước hết phải thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của KH&CN từ những người đứng đầu, người thủ trưởng cơ quan. Người đứng đầu cơ quan từ trung ương đến địa phương phải tập trung chỉ đạo phát triển KH&CN một cách thực chất, quyết liệt, chứ không phải bằng những phát biểu với nhiều mỹ từ - “nếu như vậy KH&CN chỉ là “trang trí”.

Nhấn mạnh quan điểm KH&CN phải đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, phải thể hiện rõ nét vai trò trong từng lĩnh vực cụ thể của đời sống kinh tế, xã hội như: Nông nghiệp, an toàn giao thông; vệ sinh an toàn thực phẩm;… nguyên Phó Thủ tướng gợi mở: Phải “dựa” vào doanh nghiệp để đẩy mạnh phát triển KH&CN. Theo đó, cần xây dựng cơ chế phù hợp để doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phát triển hiệu quả các khu công nghệ cao; đồng thời cần thiết kế cơ chế thực chất thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào sự phát triển KH&CN của đất nước…



Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu cần nghiên cứu giải pháp đột phá để doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của Hệ thống đổi mới sáng tạo. Cần có đột phá trong chính sách phân bổ nguồn lực (đặc biệt là chính sách thuế) để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KH&CN. Thay vì xây dựng chính sách theo hướng “bắt buộc” lập Quỹ KH&CN đầu tư cho nghiên cứu và triển khai thì cần có chính sách mà cụ thể nhất là chính sách thuế theo hướng tạo lợi ích để doanh nghiệp tự thấy cần phải tăng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển.

Chúng ta không nên bắt buộc doanh nghiệp phải trích lập bao nhiêu phần trăm doanh thu cho Quỹ KH&CN. Điều này dễ dẫn đến cách hành xử theo kiểu “đối phó”. Cần có chính sách để doanh nghiệp “đua nhau” đầu tư vào nghiên cứu, phát triển. Doanh nghiệp nào đầu tư nhiều cho KH&CN sẽ được ưu đãi về thuế, được ưu tiên phân bổ nguồn lực. “Nền khoa học công nghệ của Đất nước phải dựa trên một chính sách kinh tế minh bạch về phân bổ nguồn lực, tiếp cận thị trường… để thúc đẩy KH&CN phát triển” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý Bộ KH&CN đã xây dựng, đề xuất và thực hiện nhiều chính sách về công tác quản lý nhà nước về KH&CN, vừa qua có nhiều tiến bộ nhưng cần chú ý hơn một số vấn đề, ví dụ như:

Việc cần đổi mới mạnh mẽ hơn về cơ chế quản lý tài chính đối với KH&CN theo nguyên tắc nghiên cứu khoa học là có rủi ro; khắc phục cho được tình trạng dùng tiền nghiên cứu KH&CN để “tăng thu nhập” cũng như thực tế cán bộ nghiên cứu phải rất vất vả quyết toán đề tài.

Hay việc cần tăng cường thông tin khoa học nhằm kết nối, tạo mạng lưới chia sẻ kết quả nghiên cứu, ứng dụng. Bởi nếu có được mạng lưới chia sẻ sẽ tiết kiệm được rất nhiều kinh phí do không phải nghiên cứu lại từ đầu, cũng như hạn chế được tình trạng trùng lặp đề tài. Kinh phí dành cho nghiên cứu KH&CN sẽ được sử dụng hiệu quả hơn.

Mặt khác cần lưu ý, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển mới tập trung vào vấn đề nghiên cứu KH&CN, còn việc phổ biến, chia sẻ chưa được quan tâm đúng mức. Cần xây dựng tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực vừa phổ biến tri thức khoa học công nghệ vừa để xây dựng một xã hội học tập suốt đời.

Cuối cùng, nguyên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều nhấn mạnh, Bộ Khoa học và Công nghệ cần phát huy vai trò quan trọng là cơ quan chủ trì, nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các chính sách đột phá để KH&CN thực sự trở thành nguồn động lực cho phát triển trong thời kỳ CMCN 4.0./.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Phai-chuyen-bang-duoc-tu-bat-buoc-sang-tu-nguyen/356045.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 5912

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)