Thứ sáu, 16/11/2018 10:27 GMT+7

KH&CN - lời giải cho bài toán năng suất và phát triển kinh tế tư nhân

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, giải bài toán về nghịch lý năng suất lao động ở Việt Nam.

Ứng dụng KH&CN còn hạn chế dẫn tới nghịch lý NSLĐ

Phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của khoa học và công nghệ  đối với sự phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, khu vực kinh tế tư nhân tại nước ta đang ngày càng phát triển mạnh với gần 620 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp tỷ trọng trong GDP là 40%, khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa vận chuyển.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân thu hút khoảng 51% lực lượng lao động cả nước và tạo thành khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm, thời gian gần đây đã hình thành một số tập đoàn tư nhân có quy mô lớn, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh.

Tuy nhiên, năng suất lao động trung bình của Việt Nam hiện còn rất thấp. Cụ thể, năng suất lao động toàn ngành kinh tế tính theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore, 17,6 % của Malaysia, 36,5% của Thái Lan, 42,3% của Indonesia, 56,7% của Philipines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.



PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hiện nay còn hạn chế. Ảnh: Hán Hiển

 

Theo PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, hiện có một nghịch lý về thứ hạng công bố quốc tế và năng suất lao động của Việt Nam. Cụ thể, thứ hạng công bố quốc tế của Việt Nam đứng thứ 60/239 quốc gia và vùng lãnh thổ, Lào xếp thứ 136/239, Thái Lan xếp thứ 42/239, Singapore xếp thứ 32/239. Như vậy, có thể thấy, thứ hạng công bố quốc tế của Việt Nam cao hơn Lào 76 bậc. Tuy nhiên, năng suất lao động của nước ta lại thua Lào, thậm chí thua xa Thái Lan và Singapore.

“Chúng ta phải thừa nhận một thực tế rằng, năng suất lao động của Việt Nam đang thuộc top thấp của thế giới trong khi xếp hạng công bố quốc tế của chúng ta không hề thấp. Nghịch lý này cho thấy mức độ đi vào thực tiễn trong nghiên cứu khoa học của chúng ta còn thấp, còn thiếu sự gắn kết giữa nghiên cứu với sản xuất, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế”, ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích.

Dẫn chứng thêm về vấn đề trên, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho hay, theo phân loại trình độ công nghệ theo Tiêu chuẩn của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO), các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu thuộc nhóm công nghệ thấp.

Trong tổng số các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị, 2/3 số doanh nghiệp đã gặp phải các trở ngại. Cũng giống như việc đổi mới công nghệ, trở việc lớn nhất cho việc cải tiến công nghệ của doanh nghiệp là hạn chế về tài chính.

Thúc đẩy ứng dụng KH&CN để phát triển kinh tế tư nhân

Cũng theo PGS. TS Nguyễn Anh Tuấn, trước thực trạng nêu trên, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển và ứng dụng KH&CN trong các doanh nghiệp tư nhân.

Cụ thể, nhận biết được tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân và để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có trên 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP khoảng 55%, ngay từ đầu nhiệm kỳ (Ngày 29/4/2016), Thủ tướng Chính phủ đã gặp mặt doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Ngay sau buổi gặp mặt này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NĐ-CP, đưa ra những mục tiêu, nguyên tắc và nhiệm vụ, giải pháp cụ thể tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển để trở thành động lực của nền kinh tế.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng đã thông qua Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu tổng quát là “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vứng, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Nghị quyết số 10/NQ-TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48/NĐ-CP về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TW.

Theo đó, việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động nhằm thống nhất  chỉ đạo các cấp ngành tập trung tổ chức quán triệt, triển khai, cụ thể hóa, Nghị quyết, đưa ra chủ trương, chính sách được ban hành thời gian gần đây của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn đồng bộ và hiệu quả, góp phần cụ thể thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, tập trung vào nhóm nhiệm vụ và giải pháp: Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để thực hiện chủ trương nêu trên, như vào ngày 18/5/2016, Chính phủ ban hành Đề án 844/QĐ-TTg về Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Tới ngày 12/6//2017, Quốc hội đã ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018); Luật Chuyển giao công nghệ ngày 19/6/2017; Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo…

Nói thêm về vấn đề này, ông Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật cho rằng, KH&CN luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng và là nguồn lực không thể thiếu được trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. KH&CN góp phần mở rộng và tăng cường năng lực sản xuất của nền kinh tế; thúc đẩy quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; góp phần tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường; thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.

Chính vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến; Hoàn thiện và bảo đảm thực thi hiệu quả pháp luật về sở hữu trí tuệ; Phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ.

Đồng thời, áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phú hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ; kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/khcn-la-loi-giai-cho-bai-toan-nang-suat-va-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-d150826.html

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 4383

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)