Thứ sáu, 07/09/2018 15:46 GMT+7

Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM: Phát huy lợi thế của từng vùng, miền

Chương trình trong giai đoạn tới cần ưu tiên tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất gắn với thực tiễn, chuyển giao ứng dụng, phát huy lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa… trong đó, đặc biệt chú trọng đến các dự án, mô hình phục vụ triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Ảnh minh họa
 

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị Tổng kết Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2017 và định hướng giai đoạn 2018-2020.

Thông báo nêu rõ, cơ bản đồng ý với nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Chỉ đạo Chương trình, Phó Thủ tướng lưu ý phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 1, chương trình giai đoạn 2 cần tập trung vào các nhiệm vụ gắn với những vấn đề cấp thiết, xuất phát từ thực tiễn, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân và cộng đồng, trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thực hiện Chương trình, nhất là cơ chế chính sách hỗ trợ các vùng khó khăn (thôn, bản), nâng cao vai trò của người dân để phấn đấu vươn lên, cải thiện môi trường nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, an ninh trật tự nông thôn, phát huy nguồn lực; đánh giá bước đầu những kết quả đạt được giai đoạn 2016 - 2020, để đề xuất mô hình xây dựng nông thôn mới sau năm 2020.

Chương trình trong giai đoạn tới cần ưu tiên tập trung chỉ đạo triển khai các mô hình, dự án chuyển đổi sản xuất gắn với thực tiễn, chuyển giao ứng dụng, phát huy lợi thế của từng vùng, miền để phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa… trong đó, đặc biệt chú trọng đến các dự án, mô hình phục vụ triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Khẩn trương hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp quy để kịp thời triển khai thực hiện Chương trình. Cần hoàn thiện quy trình để đẩy nhanh tiến độ tuyển chọn, giao trực tiếp các nhiệm vụ phù hợp với đặc thù của Chương trình, nhất là đối với các nhiệm vụ đột xuất, theo đặt hàng của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, các Bộ, ngành và địa phương. Cần xác định rõ tiêu chí lựa chọn đề tài, dự án để đảm bảo sự chặt chẽ trong quá trình tuyển chọn, tránh dàn trải, tập trung được nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đối với những đề xuất có quy mô nhỏ của các địa phương nên lồng ghép thành những nhiệm vụ lớn, giải quyết những vấn đề có tính liên ngành, liên vùng.

Trong quá trình trình triển khai Chương trình, cần tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu trong nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn, để phát hiện, đề xuất các giải pháp, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ giải quyết các vấn đề cấp bách của thực tiễn trong triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới; các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ phải gắn kết chặt chẽ với các đơn vị đặt hàng và ứng dụng kết quả, nhằm bám sát được mục tiêu đề ra. Các đề tài nghiên cứu ứng dụng, các dự án xây dựng mô hình nhất thiết phải có hiệu quả thực tiễn, đồng thời góp phần làm sáng tỏ các cơ sở khoa học và thực tiễn để giải quyết những vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới gắn với mức độ hài lòng của người dân. Khuyến khích, phát huy tính phản biện khách quan của các đề tài, nhất là những nghiên cứu về cơ sở lý luận, cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Chương trình cần lồng ghép nguồn lực của các Chương trình khoa học công nghệ trong cả nước phục vụ xây dựng nông thôn mới, nhất là phối hợp có hiệu quả với ba Chương trình khoa học công nghệ vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, ưu tiên nghiên cứu xây dựng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới đặc thù cho các vùng. Đồng thời cần mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, huy động nhiều hơn các nguồn lực ngoài nhà nước cho thực hiện Chương trình. Huy động các dự án, chương trình hợp tác quốc tế để triển khai Chương trình, nhất là triển khai các dự án xây dựng mô hình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ít người. Ủy ban nhân dân các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương và bố trí kinh phí phục vụ cho các đề tài, dự án của địa phương.

Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động rà soát, phát hiện những vấn đề cấp thiết trong xây dựng nông thôn mới để đề xuất đưa vào chương trình khoa học công nghệ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài, dự án để triển khai thực hiện trên địa bàn đảm bảo chất lượng, tiến độ và đúng định hướng của Chương trình. Ban Chỉ đạo Chương trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra giám sát, chỉ đạo các cơ quan quản lý triển khai thực hiện Chương trình có hiệu quả.  

Về giải pháp để huy động vốn đối ứng từ ngân sách các địa phương, nguồn tài trợ từ các tổ chức hợp tác quốc tế, của doanh nghiệp, nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và chương trình khoa học công nghệ khác có liên quan, nhất là các Chương trình khoa học và công nghệ các vùng: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Khoa học và Công nghệ đề xuất cơ chế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về tiếp nhận và nhân rộng các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã được đánh giá, nghiệm thu theo quy định, trong đó, về việc đề xuất các cơ chế chính sách, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đề xuất sử dụng kết quả nghiên cứu của các đề tài để xây dựng các chính sách phục vụ tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới.

Về giải pháp khoa học công nghệ đã được đúc kết thành tài liệu, sổ tay hướng dẫn, quy trình, giao các cơ quan quản lý các ngành, các tổ chức chuyển giao khoa học, công nghệ, các cơ quan truyền thông tổ chức phổ biến rộng rãi cho người dân thực hiện; về những mô hình liên kết sản xuất, xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, giao Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố quan tâm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, các hợp tác xã tham gia nhân rộng mô hình và thực hiện liên kết một cách thiết thực, chặt chẽ và hiệu quả.

Mặc dù nguồn lực hỗ trợ còn nhiều khó khăn, nhưng sau 5 năm triển khai thực hiện, với sự ủng hộ rộng rãi và phối hợp khá chặt chẽ của các bộ, ngành và địa phương, Chương trình đã thực hiện được 69 nhiệm vụ khoa học công nghệ (47 đề tài và 22 dự án), bám sát các mục tiêu và nội dung của Chương trình, cơ bản phù hợp với yêu cầu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể: Triển khai xây dựng được 185 mô hình chuyển giao kết quả nghiên cứu và liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề, giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh được hưởng lợi, giúp các địa phương, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt.

 

Liên kết nguồn tin:

http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Chuong-trinh-KHCN-phuc-vu-xay-dung-NTM-Phat-huy-loi-the-cua-tung-vung-mien/344975.vgp

 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Lượt xem: 5932

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)