Thứ sáu, 06/07/2018 21:57 GMT+7

Cam kết mạnh mẽ thúc đấy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Minh chứng cho điều này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh: Chủ trương phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã được khẳng định tại nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ như chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm trong Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Trên cơ sở đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực phối hợp với các Bộ chức năng hoàn thiện hành lang pháp lý và các cơ chế, chính sách cần thiết hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp và đầu tư cho khởi nghiệp. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp trung ương và địa phương đã được khởi động để thúc đẩy hoạt động ươm tạo, đào tạo và tư vấn khởi nghiệp, thương mại hóa công nghệ, tài trợ và hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh

 

Bước đột phá từ “cảm hứng” IPP2

Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2) được hai Chính phủ Phần Lan và Việt Nam đồng tài trợ (thông qua Bộ Ngoại giao Phần Lan và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam) với ngân sách 11 triệu Euro và thực hiện trong 4 năm (2014-2018).

 

Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ KH&CN, Giám đốc Chương trình IPP2 Trần Thị Thu Hương phát biểu tại Hội nghị tổng kết.

 

IPP2 là chương trình ODA tiên phong thử nghiệm ở Việt Nam mô hình mới trong hỗ trợ xây dựng chính sách, đào tạo và xây dựng năng lực, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lành mạnh, thúc đẩy hình thành lực lượng doanh nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh, hướng tới nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững ở Việt Nam.

Trong 4 năm qua IPP2 đã cung cấp các hỗ trợ tài chính và tư vấn, đào tạo cho 35 dự án khởi nghiệp, dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, dự án hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học với mục đích trình diễn để nhân rộng mô hình hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Song hành với đó là đưa các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm tham gia tư vấn, soạn thảo các chính sách có tác động lớn trong dài hạn như Chương trình 844 Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia đến năm 2015; Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi; Chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm được lồng ghép vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao năng lực cho gần 100 cán bộ hoạch định chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Dự án này cũng đã thực hiện nhiều hoạt động xây dựng năng lực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn quốc tế cho các cá nhân, tổ chức và trường đại học tại Việt Nam.

IPP2 đã thiết kế Chương trình đào tạo khung theo chuẩn quốc tế, thử nghiệm đào tạo và cấp chứng chỉ cho 12 chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp và hơn 150 giảng viên nguồn về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ 50 trường đại học và tổ chức giáo dục trên toàn quốc. Chương trình đào tạo khung do các chuyên gia quốc tế của IPP2 phát triển dựa trên một số chương trình liên quan đã từng triển khai tại Phần Lan và Hoa Kỳ, với trọng tâm truyền thụ các kiến thức, kỹ năng, công cụ và phương pháp giảng dạy về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Các khóa đào tạo này đã đóng góp quan trọng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam thông qua việc cung cấp nguồn chuyên gia tư vấn và giảng viên chất lượng cao, góp phần đổi mới tư duy, kiến tạo và lan tỏa văn hóa đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Bên cạnh hoạt động hỗ trợ, xây dựng năng lực cho các giảng viên, IPP2 còn tài trợ cho các dự án của một số trường đại học Việt Nam nhằm thử nghiệm thiết kế các chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phù hợp với nhu cầu của từng trường, khuyến khích sự hợp tác giữa các trường đại học, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khuôn viên đại học, góp phần thúc đẩy việc đưa chương trình đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam.

Bước đầu có được một hệ sinh thái thuận lợi về đổi mới sáng tạo

Tại Hội nghị tổng kết – Grand Harvest Day của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn 2 (IPP2), Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ, với sự hỗ trợ của Chính phủ Phần Lan, IPP là chương trình ODA về đổi mới sáng tạo lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam từ năm 2009 và đến nay đã có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh và ông Kari Kahiluoto đang được giới thiệu về một số kết quả nổi bật của IPP2

 

Gần 10 năm trước, khi Chương trình được khởi xướng, Đổi mới sáng tạo – Innovation còn là một phạm trù mới và chưa được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Với các nỗ lực của IPP trong giai đoạn 1, Chương trình đã mang đến cho Việt Nam một xu hướng mới và tư duy hiện đại về đổi mới sáng tạo từ kinh nghiệm Phần Lan và các quốc gia tiến bộ trên thế giới, giúp đặt những bước đi đầu tiên cho Việt Nam trên con đường sử dụng đổi mới sáng tạo như một công cụ phục vụ phát triển nhanh và bền vững.

Cho đến hôm nay, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực, đổi mới sáng tạo đã trở thành một triết lý tiến bộ về tư duy và phát triển kinh tế – xã hội. Hướng tới một nền kinh tế phát triển dựa trên vai trò dẫn dắt của đổi mới sáng tạo là mục tiêu chiến lược của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đổi mới sáng tạo cũng đã trở thành một lĩnh vực mới thuộc đối tượng quản lý nhà nước, được Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức đảm nhiệm như một chức năng, nhiệm vụ quan trọng.

“Các bài học kinh nghiệm và thực hành tốt nhất về hỗ trợ khởi nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Chương trình IPP2 là nguồn tham khảo để các cơ quan, tổ chức, trước hết là các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành nghiên cứu, vận dụng trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của đơn vị mình.

Việc bước đầu có được một hệ sinh thái thuận lợi về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam là kết quả của quá trình đổi mới tư duy chiến lược của các nhà hoạch định chính sách về đổi mới sáng tạo và nỗ lực chung của cộng đồng khởi nghiệp, trong đó có vai trò đóng góp tiên phong của Chương trình IPP2 với sự hỗ trợ hiệu quả của Chính phủ Phần Lan” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.

 

Hội nghị tổng kết – Grand Harvest Day có khoảng 250 đại biểu đại diện cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, các tiểu dự án, các trường đại học, tổ chức và cá nhân đã và đang tham gia các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo do Chương trình IPP2 tổ chức trong 4 năm qua. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh và Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto sẽ tham dự và có bài phát biểu đại diện cho hai Bộ chủ trì Chương trình IPP2. Tham dự Sự kiện còn có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh – Trưởng ban chỉ đạo Chương trình IPP2 và đại diện các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, các Sở Khoa học và Công nghệ, các trường đại học đối tác của IPP2. Về phía các khách mời quốc tế, có sự tham dự của đại diện Bộ Ngoại giao Phần Lan, Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam, đại diện một số đại sứ quán và tổ chức quốc tế đã hợp tác và hỗ trợ Chương trình IPP2 trong thời gian qua.

Ngoài việc tổng kết hoạt động của IPP2 giai đoạn 2014-2018; giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ đổi mới sáng tạo của IPP2; trình diễn kết quả các tiểu dự án thì Hội nghị còn thảo luận chuyên sâu về 03 nội dung: Đào tạo, xây dựng năng lực về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hướng tới nền kinh tế sáng tạo; Đầu tư và tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng trưởng nhanh; Thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo bền vững.

Hội nghị cũng là diễn đàn mở nhằm chia sẻ thông tin về thực trạng, các thách thức hiện tại và tương lai của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, thảo luận các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy phát triển cộng đồng đổi mới sáng tạo bền vững ở Việt Nam; Các hoạt động kết nối hợp tác.

 

Liên kết nguồn tin: https://diemtin.com.vn/khoa-hoc/cam-ket-manh-me-thuc-day-hoat-dong-khoi-nghiep-doi-moi-sang-tao/

 

Nguồn: diemtin.com.vn

Lượt xem: 4919

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)