Thứ năm, 05/07/2018 15:19 GMT+7

Giữ “lửa” cho nhà sáng chế không chuyên

Dù không được đào tạo bài bản nhưng với lòng đam mê và tinh thần sáng tạo, nhiều nhà sáng chế không chuyên đã nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm thiết thực, đem lại lợi ích cho xã hội. Tuy nhiên, họ đang rất cần cơ chế hỗ trợ để có thể giữ “lửa” sáng tạo và đưa sản phẩm vào phục vụ cộng đồng.

Từ thực tiễn cuộc sống...

Nhiều người dân xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, hẳn không xa lạ với cái tên Tạ Đình Huy. Gắn bó với nghề nông từ nhỏ, anh Tạ Đình Huy thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Sau 12 năm tìm hiểu, chàng trai trẻ Tạ Đình Huy đã chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp tiện lợi. Ban đầu, máy chỉ có 3 chức năng là cày, phun thuốc trừ sâu và bơm nước. Sau đó, máy được tích hợp 8 rồi đến 15 chức năng gồm: Cày, tạo luống, phay đất, bừa, bơm nước, tạo hàng để gieo hạt, làm cỏ vườn, kéo rơ-moóc, tời kéo, đào bồn cà phê, đảo phân vi sinh, phun thuốc bảo vệ thực vật, phát điện, nghiền thức ăn chăn nuôi, đào hố trồng cây.

 

Nhà sáng chế nông dân Tạ Đình Huy thành công trong việc chế tạo máy nông nghiệp tiện lợi. Ảnh: Hà Thanh


Quá trình hoàn thiện chiếc máy không dễ dàng với Huy bởi nhiều người không tin một cậu trai làng không bằng cấp gì có thể làm nên chuyện. Thế nhưng, thành công đã đến khi sản phẩm của anh được thử nghiệm ngoài đồng trước sự chứng kiến của rất nhiều người. Tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến đặt hàng sản xuất máy đa năng ngày một nhiều. Tính đến nay, xưởng sản xuất của Tạ Đình Huy đã cho ra đời hơn 1.000 máy. Ngoài ra, anh còn cung cấp cho thị trường nhiều loại máy khác nhau như: Máy chăm sóc cây ngô, làm cỏ rau, trồng hoa ly…

Anh Phạm Văn Hát, xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, cũng nổi tiếng là người chế tạo ra nhiều loại máy nông nghiệp. Để có được thành công, anh đã trải qua nhiều khó khăn. Năm 2007, anh từng vay hơn 3 tỷ đồng đầu tư trồng rau sạch; sau 3 năm gắn bó với trang trại, vận may không mỉm cười với anh, Phạm Văn Hát không những trắng tay mà còn ôm một món nợ khổng lồ. Để trả nợ, năm 2011 anh Hát đã quyết định sang Israel để vừa lao động kiếm sống, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Chính mảnh đất Israel đã nảy nở “duyên” sáng chế máy nông cụ của Phạm Văn Hát.

Chiếc máy gieo hạt tự động là kết quả 2 năm miệt mài nghiên cứu của anh. Ưu điểm của máy là có thể đặt hạt chính xác theo cự ly định sẵn, thay thế phần việc của 40 người. Máy hiện có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và 14 nước trên thế giới như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… Hiện nay, ngoài việc trả hết số nợ cũ, vợ chồng anh Hát đã mua thêm mảnh đất 200m2 để mở xưởng sản xuất, tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm nông nghiệp hữu ích. Nhìn sản phẩm và hiệu quả, ít ai nghĩ rằng người tạo ra chúng mới chỉ học hết lớp 7.

... đến chính sách hỗ trợ

Thành công của hai nhà sáng chế không chuyên nói trên được xã hội ghi nhận, song cả Tạ Đình Huy và Phạm Văn Hát đều gặp nhiều khó khăn trong khâu làm thủ tục đăng ký sáng chế. Thủ tục “đòi” các bản vẽ, mô hình, bản kê khai trong khi các anh đều không được học hành bài bản, không biết cách thể hiện sáng chế trên giấy. Tuy nhiên, anh Hát cho biết, mới đây Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có giải pháp hỗ trợ và anh đã có thể nộp đơn đăng ký sáng chế.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Trần Văn Tùng, dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng có thể thấy các nhà khoa học không chuyên đã có đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất. Nhằm khuyến khích sức sáng tạo từ người dân, Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 đặt mục tiêu trong khoảng thời gian 2016-2020, tổng số đơn sáng chế, giải pháp hữu ích của người Việt Nam tăng 2 lần so với giai đoạn 2011-2015, tức đạt khoảng gần 6.000 đơn. Để thực hiện thành công mục tiêu này, sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình nghiên cứu, sáng tạo về KH-CN từ các bộ, ban, ngành là hết sức quan trọng. Thời gian qua, Bộ KH-CN đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng chế không chuyên thương mại hóa sản phẩm bằng nhiều cách: Tổ chức chợ công nghệ và thiết bị Techmart; hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp KH-CN; quảng bá sản phẩm qua một số kênh thông tin đại chúng... Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề một cách căn bản, Bộ KH-CN và các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế, chính sách khuyến khích việc nghiên cứu, sáng tạo nhằm nâng cao năng suất lao động.

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Việc hỗ trợ các nhà sáng chế trong chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó có nhiều nội dung được chú trọng như hỗ trợ tư vấn cho các tổ chức, cá nhân có thể tiếp cận, khai thác nguồn thông tin sáng chế; tư vấn hỗ trợ để các nhà sáng chế đăng ký xác lập quyền bảo hộ thành quả sáng tạo của mình; hỗ trợ hoàn thiện, khai thác, áp dụng những sáng chế đã được bảo hộ vào thực tế để thương mại hóa các sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ; vinh danh, khen thưởng nhà sáng chế có những giải pháp được áp dụng, đem lại hiệu quả to lớn…

Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới thiết lập mạng lưới hỗ trợ tài sản trí tuệ tại các viện, trường (Mạng lưới IP Hub), giúp các nhà sáng chế nói chung và nhà sáng chế không chuyên nói riêng trong việc đăng ký quyền bảo hộ, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm. Những chuyển động tích cực về mặt xây dựng chính sách cũng như sự quan tâm của xã hội, các tổ chức quốc tế… sẽ giúp những nhà sáng chế không chuyên có thêm điều kiện “vẫy vùng”, thỏa sức sáng tạo, làm lợi cho cá nhân, gia đình và xã hội./.

 

Liên kết nguồn tin:

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/906437/giu-lua-cho-nha-sang-che-khong-chuyen

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 3943

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)