Thứ tư, 27/06/2018 14:30 GMT+7

Chuyển giao công nghệ: Doanh nghiệp FDI đã thực sự chủ động?

Chuyển giao công nghệ là mục tiêu đã được các doanh nghiệp FDI xác định ngay từ khi bắt tay hợp tác. Tuy nhiên, số dự án như vậy dường như là không nhiều.

Câu chuyện chuyển giao công nghệ một lần nữa lại nóng lên khi mới đây, hội thảo chuyên đề về thu hút, chuyển giao công nghệ trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức, nhiều thực trạng về thu hút, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội đã được chỉ ra.
 

Doanh nghiệp FDI vẫn đang "giấu" công nghệ?
 

Doanh nghiệp FDI vẫn đang “giấu” công nghệ?

Cụ thể, FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số doanh nghiệp có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Nhìn lại giai đoạn 2006 – 2015, gần 14.000 dự án FDI mới có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ, đạt 4,28%. Theo đó, hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức đáng ngạc nhiên và có xu hướng ngày càng tụt hậu. Năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57, năm 2014 ở vị trí thứ 103, giảm 46 bậc. Trong khi đó, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Malaysia thứ 13.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có thể kể đến chuyện doanh nghiệp FDI “giấu” công nghệ.

Được biết, tính đến năm 2016 Việt Nam mới chỉ có duy nhất một dự án sử dụng vỏ hầm bê tông đúc sẵn tại công trình hầm là Công trình thuỷ điện Đại Ninh do Liên doanh Kajima Kumagai Sông Đà triển khai. Tuy nhiên, sau khi dự án thủy điện Đại Ninh hoàn thành, toàn bộ công nghệ, khuôn đã được nhà thầu chuyển về Nhật Bản. Ngoài ra, trong quá trình thi công sản phẩm, các công ty Việt Nam cũng không được tham dự nên quy trình sản xuất vỏ hầm cho đến khi Fecon Mining thử nghiệm thành công vẫn là một ẩn số.

Qua trao đổi với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công các dự án cho doanh nghiệp FDI, điều này có và đang diễn ra khá nhiều ở các địa phương. Vị doanh nghiệp này còn cho biết rằng, đôi khi doanh nghiệp ở nước ngoài còn sử dụng công nghệ điều khiển từ xa để vận hành dự án trong mô hình khép kín.

Như vậy, chưa cần tính đến yếu tố năng lực tiếp nhận công nghệ của Việt Nam có được hay không? Nhưng rõ ràng điều này cho thấy, doanh nghiệp FDI chưa thực sự chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.

3 khuyến nghị từ thực tiễn

Phải chăng, các ưu đãi đầu tư chưa đủ để doanh nghiệp có thể để chủ động đầu tư, chuyển giao công nghệ?

Tuy nhiên, trước khi trả lời câu hỏi này, phải nhắc đến thoả thuận hợp tác vừa công bố giữa các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là Nippon Concrete, Công ty cổ phần Fecon, Asahi Concrete, Global Works và nhà đầu tư Việt Nam là Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Sông Đáy về sản xuất vỏ hầm tàu điện ngầm, với tổng vốn điều lệ trị giá 6 triệu USD.

Được biết, năm 2016 Công ty CP Fecon đã có ý định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất bê tông vỏ hầm cho các dự án tàu điện ngầm. Đây là một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên nhà đầu tư này khi ấy đã kỳ vọng, với quyết tâm đóng góp cho sự phát triển bền vững hệ thống kết cấu hạ tầng của Việt Nam, doanh nghiệp đang từng bước góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án hạ tầng có yêu cầu kỹ thuật cao mà từ trước đến nay đa phần dành cho các nhà thầu nước ngoài thực hiện.

Vì vậy, dự án này được xem như là điển hình trong thu hút, chuyển giao công nghệ giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội tính đến thời điểm này.

Liên quan đến tăng cường thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ từ khối doanh nghiệp FDI, đã từng ghi nhận nhiều dự án đầu tư lớn, ông Nguyễn Trung Quỳnh - Phó trưởng ban Quản lý KCNC Hoà Lạc đề xuất 3 giải pháp để tạo liên kết trong cung cấp dịch vụ công nghệ từ khu vực FDI và các cơ sở R&D trong nước, tạo cơ hội tiếp cận công nghệ nguồn, nghiên cứu, cải tiến làm chủ công nghệ.

Một là, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi càng cao, khi đầu tư vào R&D tại Việt Nam ngày càng nhiều. Cụ thể, các chính sách ưu đãi sát với mức độ tiên tiến của công nghệ, mức độ đầu tư R&D của dự án và tỷ lệ sử dụng lao động trong nước trong hoạt động R&D.

Hai là, được hưởng thêm ưu đãi khi liên doanh đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam hoặc mở trung tâm R&D tại Việt Nam.

Ba là, cần tăng cường đánh giá về công nghệ dự án FDI, không nên chỉ đánh giá công nghệ hạn chế chuyển giao như hiện tại.

Liên kết nguồn tin: http://enternews.vn/chuyen-giao-cong-nghe-doanh-nghiep-co-thuc-su-chu-dong-131565.html

Nguồn: enternews.vn

Lượt xem: 4944

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)