Thứ hai, 14/05/2018 15:34 GMT+7

Thủ tướng: Xây dựng Chính phủ điện tử từ những việc nhỏ nhất

Chủ trì cuộc họp về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần thay đổi nhận thức và hành động cũng như thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy; phải nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”, như xây dựng một Chính phủ phi giấy tờ…

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Chiều nay (14/5), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc về việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan, thành viên Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.

Kinh nghiệm từ các nước

Từ việc khảo sát, học tập kinh nghiệm tại Pháp, Estonia, Malaysia về xây dựng Chính phủ điện tử vừa qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, có thể rút ra một số bài học từ các quốc gia đã đạt được những thành tựu nhất định trong lĩnh vực này. Đó là họ rất chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế về Chính phủ điện tử, Chính phủ số và dữ liệu mở. Estonia đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật về Thông tin công cộng được ban hành năm 2001, Luật về Chữ ký số năm 2000, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2008. Tương tự như vậy, Pháp cũng ban hành Luật Cộng hòa số để thúc đẩy môi trường Chính phủ điện tử, xã hội số.

Estonia xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia để cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp (1.500 dịch vụ trực tuyến) và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử eID do Bộ Nội vụ quản lý, xác thực thông qua số điện thoại (MobileID). Đến nay, 99% công dân Estonia được cấp 1 mã số định danh duy nhất (eID) và 1 thẻ căn cước điện tử kèm chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan Nhà nước.

Pháp xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống liên kết định danh quốc gia cho phép kết nối giữa các dịch vụ công trực tuyến với 1 lần đăng nhập duy nhất (France Connect). Với việc triển khai France Connect - hệ thống đăng nhập liên thông dựa trên sự liên thông giữa các dịch vụ công thông qua một định danh đã được kiểm định, công dân Pháp chỉ cần đăng nhập hệ thống này để có thể sử dụng tất cả các dịch vụ công trực tuyến do các cơ quan Nhà nước cung cấp.

Đây có thể là giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong bối cảnh chưa hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân nhưng đã có mã số thuế, mã số bảo hiểm xã hội và tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động cao.

Các nước đều xây dựng nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức với nhau theo hướng phi tập trung. Estonia xây dựng nền tảng x-Road, cho phép liên kết giữa các hệ thống thông tin khác nhau (tính đến hết năm 2016, có 975 cơ quan đã kết nối vào x-Road). Việc triển khai liên kết các hệ thống thông tin qua nền tảng x-Road đã giúp tiết kiệm cho người dân Estonia khoảng thời gian tương ứng 800 năm làm việc mỗi năm.

Estonia xây dựng Hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ (e-Cabinet) theo dõi, quản lý lịch họp, nghiên cứu, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng phục vụ Chính phủ và Hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation). Các hệ thống này giúp giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp của Chính phủ (có những cuộc họp Chính phủ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, cuộc họp ngắn nhất kéo dài 1 phút)…

Pháp xây dựng État Plateforme - nền tảng Chính phủ điện tử của Pháp với một kiến trúc mở cho phép dễ dàng trao đổi thông tin giữa các hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính.

Pháp đang thực hiện chính sách phi giấy tờ, áp dụng triệt để nguyên tắc 01 vào 02 ra (ban hành 1 văn bản mới thì phải bãi bỏ 2 văn bản cũ), áp dụng CNTT để số hóa các thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa; xử lý số hóa tại Văn phòng Chính phủ.

“Cần nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ cái nhỏ nhất, hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP kiến nghị quan điểm chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử và cho rằng, Văn phòng Chính phủ sẽ là cơ quan tiên phong trong xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử

Cho rằng việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử thời gian qua còn chậm, chưa như mong đợi, Thủ tướng nêu rõ, “chúng ta không hội nhập, không cải cách đổi mới, đặc biệt là áp dụng công nghệ thông tin mà trước hết là xây dựng Chính phủ điện tử thì chúng ta sẽ chậm phát triển vì năng suất thấp”. Thông qua xây dựng Chính phủ điện tử góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu đối với nhân dân.

Cho rằng một số bộ, ngành coi nhẹ, né tránh công việc này hay còn mang nặng tính hình thức, chưa quan tâm hiệu quả, Thủ tướng nhấn mạnh, từng thành viên Chính phủ, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều phải vào cuộc để triển khai mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn. Phải đổi mới cách làm với những giải pháp cốt lõi để nâng cao hiệu quả xây dựng Chính phủ điện tử, đặc biệt là hiệu quả quản trị công, nhằm phục vụ phát triển kinh tế, quản lý xã hội.

Các thành viên Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần thay đổi nhận thức, hành động và thống nhất với quan điểm mà VPCP vừa báo cáo là: Hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy; phải nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất.

Xây dựng Chính phủ điện tử gắn chặt với cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin ở mọi cấp, mọi ngành. Trong đó, công nghệ thông tin là công cụ thực hiện mục tiêu cải cách.

Với quyết tâm chính trị và các định hướng nêu trên, Thủ tướng nhất trí cần thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Ủy ban này sẽ do Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Ủy viên thường trực kiêm Tổng Thư ký. Cơ quan thường trực của Ủy ban đặt tại VPCP.

Thủ tướng cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, cơ sở pháp lý để triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là việc kết nối phi tập trung về chia sẻ dữ liệu, cởi mở thông tin chưa có thể chế để thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu riêng tư, Nghị định về định danh điện tử của cá nhân, tổ chức, Nghị định về chia sẻ dữ liệu.

VPCP phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành địa phương khẩn trương trình Thủ tướng ban hành kế hoạch triển khai Nghị định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó chú trọng giải pháp Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối với hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành địa phương để tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng cung cấp và giám sát thực hiện dịch vụ hành chính công cho công dân, doanh nghiệp.

Khẩn trương thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng phi tập trung như bài học của Estonia và Pháp. “Các đồng chí cho biết đây là giải pháp phù hợp với Việt Nam trong bối cảnh chúng ta có quá nhiều các hệ thống thông tin tại các cấp nhưng không kết nối được, không chia sẻ được với nhau”, Thủ tướng nói và giao VPCP trong tháng 11/2018 trình Thủ tướng xem xét phê duyệt đề án về giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan hành chính Nhà nước.

 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước. VPCP và các bộ, ngành phải là những cơ quan đi đầu trong việc thực hiện “phi giấy tờ” ở Việt Nam, để giảm giấy tờ nhiều hơn nữa.

Thủ tướng giao VPCP nghiên cứu đề án thiết lập hệ thống thông tin Chính phủ phi giấy tờ để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để rút ngắn thời gian họp, giảm giấy tờ hành chính và xây dựng hệ thống điện tử về tham vấn chính sách để cung cấp đầy đủ thông tin, giúp người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước ra quyết định kịp thời hơn.

“Cải cách ngay từ các phiên họp của UBND, phiên họp của Chính phủ thì đây có thể là hành động hưởng ứng một Chính phủ phi giấy tờ. Mình làm việc nhỏ này nhưng có ý nghĩa rất lớn trong việc rút ngắn thời gian”, Thủ tướng nói. VPCP cần nghiên cứu và sớm trình Chính phủ Nghị định về chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính Nhà nước và thiết lập Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để cung cấp kịp thời thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và hoạch định chính sách, bảo đảm tiết kiệm nguồn lực.

Về nguồn lực, Thủ tướng giao VPCP chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Thế giới và các cơ quan có liên quan của Việt Nam tìm kiếm nguồn lực phù hợp, đặc biệt là hỗ trợ kỹ thuật trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm.

Thủ tướng đề nghị các tập đoàn VNPT, Viettel và FPT cử một số chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này để hỗ trợ VPCP triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

“Chúng ta vừa làm, vừa cải cách, vừa đổi mới nhưng không phải chờ đợi. Các dịch vụ công trực tuyến phải tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, không để chậm trễ, để hỗ trợ nhân dân”, Thủ tướng nêu rõ./.

Liên kết nguồn tin:

http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Thu-tuong-Xay-dung-Chinh-phu-dien-tu-tu-nhung-viec-nho-nhat/336353.vgp

 

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Lượt xem: 2561

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)