Thứ sáu, 20/04/2018 09:46 GMT+7

Hướng tới ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4: “Nhà khoa học không nên ngần ngại bộc lộ ý tưởng”

E ngại bị lộ bí quyết công nghệ, quy trình tạo sáng chế, nhiều nhà khoa học giữ kết quả “trong kho”hoặc chỉ khai thác một cách nhỏ lẻ, nhưng điều đó không chỉ tiềm ẩn rủi ro, thiệt hại cho bản thân nhà khoa học.

Điều này mà còn ngăn cản tiến trình ứng dụng kết quả đó một cách chính thống và rộng rãi để mang lại lợi ích chung lớn hơn phục vụ cộng đồng.

Lợi ích kép từ việc đăng ký bảo hộ

Năm 1999, PGS Nguyễn Thị Trâm (Hội viên Hội Nữ trí thức Việt Nam) lập ra một nhóm nghiên cứu tự nguyện với mục đích tạo ra các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp cho nhiều vụ và vùng trồng lúa phía Bắc Việt Nam. Nhóm tự lập kế hoạch, tự nghiên cứu, tự nuôi nhau và nuôi các hoạt động nghiên cứu phát triển. Việc đó tạo nên áp lực buộc phải tạo ra được nhiều giống mới đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và kết quả giống lúa TH3-3 ra đời.

Sản phẩm này đã mang lại lợi ích lớn cho cả những người làm nghiên cứu cũng như các khách hàng. Nhóm nghiên cứu nhượng bản quyền “trọn gói” giống lúa TH3-3, thu về 16,4 tỷ, bên cạnh đó hằng năm, nhóm vẫn sản xuất hạt giống bố mẹ cấp cho các Công ty đã mua bản quyền lấy tiền tái sản xuất. Về phía những doanh nghiệp và người nông dân mua bản quyền giống TH3-3, lợi ích kinh tế mang lại có lẽ còn lớn hơn.

Đơn cử như Công ty TNHH Cường Tân, một công ty gia đình siêu nhỏ, thành lập năm 2005, từ chỗ chỉ có một bàn làm việc trong nhà, một kho chứa 10-20 tấn thóc giống và thuốc trừ sâu, vài xe gắn máy làm phương tiện giao dịch, từ khi mua bản quyền TH3-3 tháng 6/2008, đến nay (sau 10 năm) công ty này đã biến cả một vùng nông thôn nghèo sản xuất manh mún của 3 huyện Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường thành một làng nghề lớn sản xuất hạt giống lai F1 (công nghệ cao), với cánh đồng giống 500 ha, sản xuất giống 2 vụ là 1000ha/năm, cùng hệ thống cơ sở vật chất khang trang gồm khu điều hành, xưởng chế biến, khu kho máy nông nghiệp với nhiều thiết bị chuyên nghiệp.
 

Nhà khoa học cần nhanh chóng bảo vệ tài sản trí tuệ góp phần thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ảnh: Phương Nguyên
 

Tuy nhiên, sẽ không thể có tất cả những thành quả mang đến cho nhiều phía như vậy nếu như năm 2007 PGS Nguyễn Thị Trâm không nộp đơn đăng ký cấp bằng sở hữu giống TH3-3. Kinh nghiệm giản dị bà rút ra ở đây là, “muốn sản phẩm mới được ứng dụng, tác giả phải biến nó thành công nghệ có bản quyền”, và cho rằng có như vậy các khoản vốn đầu tư cho nghiên cứu của nhà nước mới tạo ra hiệu quả kinh tế cao và hiệu quả xã hội tích cực.

Cùng quan điểm với PGS Nguyễn Thị Trâm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho rằng việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là điều không tránh khỏi với các nhà khoa học. Trước thực trạng còn không ít nhà khoa học e ngại sẽ bị mất bí quyết trong quá trình đăng ký bản quyền sản phẩm nghiên cứu của mình, ông Lâm đưa ra lời khuyên: “muốn bảo vệ thành quả nghiên cứu của mình thì tất yếu phải bộc lộ cái mình có”.

Để bản quyền phát huy hiệu quả

Bản quyền chỉ mang lại lợi ích khi thuyết phục được khách hàng sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Vì vậy, kinh nghiệm tâm đắc của PGS Nguyễn Thị Trâm trong việc thương mại hóa giống TH3-3 là mời các doanh nghiệp cùng đưa hạt giống đến nhiều địa phương trình diễn. “Khi mời được doanh nghiệp cùng trình diễn nghĩa là chúng tôi đã tạo cơ hội để họ hiểu nhu cầu thị trường và hiểu giá trị giống mới này đầy đủ hơn. Nhờ vậy, họ sẵn sàng mua bản quyền sớm với giá cao”.

Mặt khác, để giữ ưu thế độc quyền, nhà khoa học nên chọn công nghệ theo hướng đối thủ ít bắt chước, theo kinh nghiệm từ PGS-TS Nguyễn Vân Anh, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Sản phẩm của PGS.TS Vân Anh và nhóm nghiên cứu của bà là thực phẩm chức năng lợi khuẩn tăng cường sức khỏe, trong khi trên thị trường có hàng nghìn sản phẩm lợi khuẩn khác nhau, cách làm cũng rất dễ bị sao chép. Người ta thường cung cấp các tế bào trong gói cho trẻ em hoặc người kém tiêu hóa uống, nghĩa là không bền trong bảo quản bởi 90% tế bào dinh dưỡng sẽ chết trong vòng 1-2 tháng, dẫn tới hiệu quả điều trị không ổn định.

Trái lại, PGS.TS Vân Anh và nhóm của bà sản xuất loại hỗn dịch trong ống nước, cung cấp các khuẩn thuộc bacillus có khả năng tạo bào tử, có thể sống sót và bảo quản trong vòng 2-3 năm, rất ổn định. Sản phẩm này đã mang lại thành công cho cả nhóm nghiên cứu cũng như doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của mình, các nhà nghiên cứu nên đăng ký bảo hộ càng sớm càng tốt. Ông Lê Ngọc Lâm cho biết quyền lợi của tác giả được bảo vệ kể cả khi kết quả nghiên cứu chưa được duyệt cấp bản quyền, bởi Luật Sở hữu trí tuệ tại điều 131 đã quy định về quyền tạm thời đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí. Cụ thể, trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp biết rằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.

“Vì vậy nhà khoa học, tác giả ý tưởng không nên ngại ngần bộc lộ ý tưởng với hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ và công chúng mà hãy mạnh dạn bảo vệ tài sản trí tuệ của mình” - ông Lâm khuyến cáo.

Liên kết nguồn tin: http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/huong-toi-ngay-so-huu-tri-tue-the-gioi-264-%E2%80%98nha-khoa-hoc-khong-nen-ngan-ngai-boc-lo-y-tuong%E2%80%99/20180419111342741p1c785.htm

 

Nguồn: Báo Khoa học và Phát triển

Lượt xem: 3602

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)