Năm 2014, một thỏa thuận hợp tác sâu rộng về KH&CN được ký kết giữa UBND tỉnh Hà Giang và Viện Hàn lâm KH&CN. Trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh Hà Giang “đặt hàng” các nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao công nghệ làm tăng tính hấp dẫn của vùng đất du lịch và nâng cao giá trị các sản phẩm đặc thù của địa phương. Một số nhiệm vụ KH&CN đã được nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn như: xây dựng bảo tàng Cao nguyên đá Hà Giang, nâng cấp hồ treo lấy nước, sàng lọc cây dược liệu, chiết xuất dược liệu.
Với mục tiêu xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch quốc gia, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN) đã hỗ trợ triển khai xây dựng bảo tàng Cao nguyên đá Hà Giang bằng việc thiết kế không gian trưng bày, thu thập các mẫu vật về cổ sinh, địa chất, các loài động, thực vật. Sau hai năm triển khai, đã có khoảng 2.000 mẫu vật về địa chất, cổ sinh, động vật, thực vật và côn trùng được sưu tập. Các mẫu vật này góp phần giới thiệu thiên nhiên Hà Giang tới du khách, thu hút nhiều khách du lịch hơn trong những năm tới.
Các nhà khoa học Viện Địa chất (Viện Hàn lâm KH&CN) cũng đã xác định được nhiều giá trị mới của Cao nguyên đá Đồng Văn. Đó là: làm sáng tỏ sự hình thành hẻm vực Mã Pì Lèng; xác định đặc trưng của các di sản dạng địa hình địa mạo, đặc sắc của cao nguyên đá và sự phân bố của chúng; xác định được ba kiểu rừng đá điển hình trên Cao nguyên đá Đồng Văn; phát hiện mới mẫu hóa thạch tay cuộn khổng lồ và quần thể san hô bốn tia khổng lồ tại khu vực Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. Theo các nhà khoa học, việc bổ sung các giá trị về di sản địa chất, địa mạo, cổ sinh tầng là cơ sở khoa học để xác định các giá trị di sản và nâng cao độ hấp dẫn của Cao nguyên đá Đồng Văn.
Nước sinh hoạt cho người dân Hà Giang vào mùa khô (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau) luôn là một vấn đề nan giải. Nguồn nước khan hiếm, người dân phải sử dụng nước với định mức rất thấp so với tiêu chuẩn. Từ năm 2002, công trình hồ treo đã được thí điểm xây dựng tại xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, ứng dụng từ đề tài nghiên cứu khoa học của Viện Địa chất. Hồ chứa nước được xây trên sườn núi để thu nước từ vách đá, dự trữ cho người dân. Sau 20 năm sử dụng, hồ treo bị hư hỏng, xuống cấp, thấm nước do điều kiện địa chất phức tạp.
Với sự hợp tác lần này, các nhà khoa học phải hoàn thiện công nghệ hồ treo, cải thiện chất lượng và trữ lượng nguồn nước. Kết quả đã giải quyết nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân khu vực xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Qua những phát hiện khoa học mới về khả năng thu nước từ vách núi đá vôi, các kỹ thuật cải tạo, xử lý lưu lượng và chất lượng nước, các nhà khoa học cho rằng mô hình hồ treo có thể nhân rộng để phục vụ nhu cầu người dân tại khu vực miền núi phía bắc, khu vực địa hình đá vôi, thiếu nước.
Với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng phù hợp trồng cây dược liệu, nhất là cây dược liệu quý hiếm, tỉnh Hà Giang đã đề nghị Viện Hàn lâm KH&CN phân tích, xác định thành phần hóa học và đánh giá chất lượng 11 loài dược liệu chủ lực. Trên cơ sở đó, tỉnh xây dựng chiến lược phát triển cây dược liệu, đưa Hà Giang trở thành vùng trọng điểm quốc gia về dược liệu. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Hóa sinh biển (Viện Hàn lâm KH&CN) đã xác định các thành phần hóa học của 11 cây dược liệu như: đỗ trọng, hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, huyền sâm, đương quy, tam thất, thảo quả, ô đầu, đan sâm, xuyên khung, bạch truật.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang Nguyễn Đức Vinh cho biết, việc xác định tính chất lý hóa và dược tính của các cây dược liệu của Hà Giang có ý nghĩa rất quan trọng để “định vị” chất lượng cây dược liệu của Hà Giang so với những dược liệu cùng tên, cùng loài có mặt trên thị trường. Kết quả này cũng góp phần định hướng quy hoạch vùng dược liệu phù hợp cho tỉnh Hà Giang để phát triển kinh tế - xã hội. Để tăng giá trị cho dược liệu, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN) đã nghiên cứu xây dựng quy trình, chế tạo thiết bị chế biến sâm cau, ấu tẩu, giảo cổ lam và chuyển giao cho Hà Giang.
Đến nay, Hà Giang đã có sản phẩm đặc trưng và hình thành vùng nguyên liệu giảo cổ lam và ấu tẩu. Ngoài ra, hệ thống thiết bị hạ thủy phần trong mật ong theo công nghệ sấy tuần hoàn lạnh lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam cũng được chế tạo và lắp đặt tại huyện Mèo Vạc. Hiện nay, thiết bị đang được đưa vào vận hành thử nghiệm để tiến tới sản xuất hàng loạt. Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) Nguyễn Cao Cường cho biết, việc áp dụng công nghệ đã kết nối chuỗi nguyên liệu đầu vào từ các hộ dân, các cơ sở nuôi nhỏ lẻ đến nhà sản xuất để tăng giá trị cho dòng sản phẩm mật ong bạc hà đặc trưng của vùng cao nguyên đá.
Ông Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dựng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN) cho biết, hiện nay, với sự thành công của mô hình hợp tác với UBND tỉnh Hà Giang, nhiều địa phương có xu hướng “đặt hàng” các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, ứng dụng nhằm đưa nhanh các thành tựu KH&CN góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN sẽ tiếp tục xác định những nhiệm vụ mới có giá trị khoa học công nghệ cao để góp phần tạo nên giá trị gia tăng cho các sản phẩm của các địa phương trong thời gian tới.
Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/35083502-khai-thac-tiem-nang-vung-cao-nguyen-da-nho-hop-tac-khoa-hoc-va-cong-nghe.html