Theo UBND thành phố, trong hai năm 2016 và 2017, Thành phố đã tích cực triển khai ứng dụng CNTT và đã đạt được những kết quả cụ thể: Nền tảng của chính quyền điện tử Thành phố từng bước được củng cố, hoàn thiện giúp cho bộ máy chính quyền Thành phố hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; đảm bảo giao dịch giữa Thành phố với công dân và các tổ chức được cải thiện, nâng cao chất lượng; thực hiện thuê dịch vụ Trung tâm dữ liệu chính của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; kết nối mạng diện rộng (WAN) tới các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 584 UBND xã, phường, thị trấn… TP đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và đưa vào khai thác hiệu quả từ năm 2016 để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố. Ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục, y tế, tài nguyên môi trường... được đẩy mạnh. Tiếp tục duy trì ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành nội bộ.
Hà Nội xếp 3/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT trực tuyến; là địa phương dẫn đầu cả nước về số hồ sơ giao dịch qua mạng; là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 tới 100% xã, phường, thị trấn; nằm trong top dẫn đầu về các chỉ số như: hạ tầng CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ; trang/cổng công tin điện tử; cơ chế chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT; nguồn lực ứng dụng CNTT.
Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Phan Lan Tú trình bày tờ trình và dự thảo nghị quyết
|
|
Năm 2017, Thành phố đã hoàn thành việc xác định các yêu cầu và tích cực chuẩn bị triển khai các thành phần quan trọng xây dựng Thành phố thông minh như: Trung tâm giám sát, điều hành tập trung của Thành phố; Hệ thống giao thông thông minh; Hệ thống du lịch thông minh. Thành phố sẽ hoàn thành Cổng thông tin du lịch Hà Nội cung cấp đầy đủ các thông tin thiết yếu cho du khách đến thăm Hà Nội và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giải đáp, hướng dẫn công dân, doanh nghiệp về Dịch vụ hành chính công của Thành phố. Thành phố cũng đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Vì vậy, việc điều chỉnh “Chương trình mục tiêu Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” là cần thiết. Tổng mức kinh phí sau khi điều chỉnh, bổ sung “Chương trình mục tiêu Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” là 3.000 tỷ đồng.
Nhất trí với sự điều chỉnh trên, đại biểu Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy) cho rằng, hiện 178 thành phố trên thế giới tham gia xây dựng thành phố thông minh nên Hà Nội cũng không thể đi ngược dòng. Cũng theo đại biểu này, con số 3.000 tỷ đồng dành cho mục tiêu khó mang lại nhiều kết quả và đặt ra yêu cầu làm thế nào để thu hút nhân lực giỏi.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Đỗ Thùy Dương, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phan Lan Tú cho biết, khung kiến trúc thành phố thông minh được Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng. Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ định hình xây dựng thành phố thông minh với những cách thức tiếp cận khác nhau.
Với thành phố Hà Nội, lộ trình cụ thể gồm ba giai đoạn: xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng cơ bản của thành phố thông minh; tiếp tục hình thành những nền tảng thông minh khác, thu hút người dân tham gia và quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số; phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao. Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội sẽ là thành phố thông minh phát triển cao.
Về nguồn vốn, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông cho hay, Hà Nội sẽ đầu tư 80% nguồn vốn và thu hút nguồn xã hội hóa. Về chính sách thu hút đầu tư và thu hút truyền thông, hằng năm UBND thành phố sẽ báo cáo HĐND thành phố các giải pháp và lộ trình cụ thể. Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố có những cơ chế, chính sách cụ thể; đồng thời có chương trình đào tạo cán bộ công chức trong lĩnh vực này./.
Liên kết nguồn tin: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/884745/ha-noi-dieu-chinh-chuong-trinh-muc-tieu-ung-dung-cntt-trong-hoat-dong-cua-co-quan-nha-nuoc-