Thứ năm, 26/10/2017 15:40 GMT+7

Thích ứng cách mạng công nghiệp 4.0

Nhân loại đã và đang tiếp tục chứng kiến những đột phá mới về khoa học và tiến bộ công nghệ gần như vô tận, diễn ra trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực, ở nhiều nơi và nhiều thời điểm khác nhau. Đó là nền tảng và là động lực dẫn dắt cuộc “cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)” trên toàn cầu.

 

 

Với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, người máy làm việc thông minh có khả năng ghi nhớ và học hỏi vô biên, mạng Internet có thể kết nối toàn diện, cách mạng 4.0 sẽ mang lại cho doanh nghiệp những cơ hội rất lớn giảm chi phí kinh doanh, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng…. Song cách mạng 4.0 cũng đặt ra những thách thức rất lớn đòi hỏi người dân, doanh nghiệp cũng như ở tầm quốc gia phải có đủ trình độ, năng lực và phải chủ động sẵn sàng để thích ứng.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - ông Trần Đình Thiên, nhận định: “Việt Nam hoàn toàn có thể tiến lên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta có lợi thế người đi sau, đi tắt, đón đầu, không vướng bận thành công trong quá khứ”.

Tuy nhiên, mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 là nó có thể gây ra sự bất bình đẳng, đặc biệt có thể phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế lao động chân tay trong nền kinh tế, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, Internet kết nối toàn diện khiến nhiều giao dịch được thực hiện chỉ thông qua “một cú nhấp chuột”…, thì những yếu tố lợi thế của các nước đi sau như Việt Nam về nguồn nhân lực trẻ dồi dào, chi phí thấp… sẽ có thể trở thành gánh nặng. Khi đó, người dân có thể tìm kiếm việc làm khó khăn hơn, nhiều lao động có thể rơi vào cảnh thất nghiệp. Điều này đòi hỏi mỗi người cần phải không ngừng trau dồi trình độ, kiến thức, khả năng để có thể đứng được ở những vị trí làm chủ được công nghệ, điều khiển được các máy móc, thiết bị hiện đại một cách thông minh, hợp lý thì mới không bị đào thải.

Tiến lên cách mạng công nghiệp 4.0, cần ở tầm vĩ mô một định hướng chính sách có tính đột phá và thích ứng, đặc biệt là chiến lược phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

Đặc biệt với các doanh nhân, nếu là một ông chủ của doanh nghiệp có mục tiêu lớn và dài hạn, ngay từ bây giờ cần phải bắt tay vào xây dựng cho mình một chiến lược phát triển đón nhận những cơ hội và đương đầu với những thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 để có thể vươn lên tầm phát triển toàn cầu./.

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/thich-ung-cach-mang-cong-nghiep-40.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 3138

TAGS : CMCN 4.0
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)