Thứ sáu, 15/09/2017 14:13 GMT+7

Tăng tốc chuyển giao công nghệ từ trường đại học vào sản xuất

Gần đây, hoạt động chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều kết quả nghiên cứu từ các trường đại học đã được ứng dụng ngay vào sản xuất. Nhiều trường đại học đã thành lập các doanh nghiệp để tăng tốc quá trình chuyển giao công nghệ.


Các thành viên của BK-Holdings giới thiệu các sản phẩm chuyển giao công nghệ và dự án tại triển lãm "Thúc đẩy quốc tế hóa và liên kết nhà trường - doanh nghiệp"

 

Chúng tôi đến Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK-Holdings), Trường đại học Bách khoa Hà Nội để tìm hiểu về mô hình hoạt động của doanh nghiệp lần đầu được phép thành lập tại một trường đại học ở Việt Nam. PGS.TS Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty BK-Holdings cho biết, với mục tiêu xây dựng Trường đại học Bách khoa Hà Nội trở thành trường đại học nghiên cứu trọng điểm quốc gia về khoa học và công nghệ (KH&CN), ngày 24-3-2008, Trường đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập Công ty BK-Holdings. Hiện nay với doanh thu hằng năm khoảng 100 tỷ đồng, BK-Holdings hoạt động giống như mô hình một công ty mẹ có nhiệm vụ khuyến khích các nhà khoa học tại trường thành lập công ty để chuyển giao tri thức ra thực tiễn.

Ðến nay, đã có rất nhiều đề tài khoa học, quy trình công nghệ được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và được thương mại hóa thành công mang lại doanh thu hàng tỷ đồng cho mỗi đề tài. Ðơn cử như đề tài khoa học “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo đồ gá quay và thiết bị di trượt robot dùng cho công nghiệp” của PGS.TS Bùi Văn Hạnh đã thay thế cho việc nhập khẩu các thiết bị cùng chủng loại từ nước ngoài và đã được ứng dụng tại nhiều công ty trong cả nước.

Hay quy trình công nghệ chế tạo bột huỳnh quang ba mầu và các chất phụ trợ phục vụ cho chế tạo đèn huỳnh quang ống và huỳnh quang compact được thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách Khoa (BKContech), đơn vị thành viên của BK-Holdings đã được chuyển giao cho Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Ðông (Công ty Rạng Ðông) với giá trị 6,8 tỷ đồng. Ðề tài đã sản xuất và cung cấp cho Công ty Rạng Ðông các sản phẩm bột huỳnh quang ba phổ, thay thế cho việc phải nhập khẩu 100% nguyên vật liệu này.

Bên cạnh đó, việc ươm tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng được BK-Holdings chú trọng như dự án ETADI (ứng dụng mạng xã hội giao thông cho phép người dùng thu thập, chia sẻ trạng thái, kinh nghiệm khi tham gia giao thông) do một nhóm sinh viên năm cuối của Trường đại học Bách khoa Hà Nội sáng lập đang được triển khai ra thị trường. Sản phẩm trong quá trình phát triển đã được hỗ trợ bởi các giảng viên xây dựng bản đồ và một số hệ thống công nghệ thông tin khác. Ngoài ra, để giúp các nhóm khởi nghiệp thương mại hóa được sản phẩm, BK-Holdings đã phối hợp Công ty Up cung cấp không gian làm việc chung BK-HUP nhằm tạo điều kiện cho các nhóm khởi nghiệp này thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm khi sản phẩm mới chỉ là ý tưởng.

Theo Giám đốc điều hành BK-HUP Phạm Tuấn Hiệp, thì tại đây luôn có các hoạt động, hội thảo, những buổi làm việc để bổ sung những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho các nhóm khởi nghiệp và giới thiệu môi trường để có thể tương tác với các nhà đầu tư, những quỹ đầu tư. Mục tiêu trong thời gian tới của BK-HUP là sẽ xây dựng hình ảnh các nhà khoa học trẻ không chỉ là những người nghiên cứu mà còn là những doanh nhân, kinh doanh bằng chính sản phẩm nghiên cứu của mình, có thể tự quản lý hoặc tự phát triển công trình nghiên cứu đó một cách độc lập.

Hiện nay nhiều trường đại học cũng đã phát triển mô hình công ty trực thuộc, nhưng thực tế vẫn còn khá ít và hoạt động vẫn chưa có hiệu quả như mong đợi. Ðánh giá từ các chuyên gia cho thấy, hầu hết các đề tài nghiên cứu thành công ở quy mô phòng thí nghiệm tại các trung tâm, khoa, trường, nhưng để chuyển giao vào thực tiễn cần phải được ươm tạo ở quy mô công nghiệp. Mặt khác, các trường đại học thiếu hẳn các cơ sở để thực hiện chức năng như một doanh nghiệp, do đó khi thực hiện chuyển giao công nghệ bản thân các trung tâm, khoa, viện không có tư cách pháp nhân để vay vốn ngân hàng…

Những khó khăn nêu trên có thể thấy, mô hình công ty trong trường đại học còn tương đối xa lạ. Trong khi đó, ở các nước trên thế giới việc mở các công ty trong trường đại học đã được thực hiện từ rất sớm. Việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị khoa học và công nghệ công lập chưa phù hợp thực tế khi triển khai mô hình doanh nghiệp trực thuộc do các tài sản vẫn của Nhà nước. Các nhà khoa học tại trường đại học còn gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ vào sản xuất khi thiếu kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, các cơ chế, chính sách chưa đồng bộ..., nhất là việc phân bổ thời gian giữa nghiên cứu và giảng dạy, điều này khiến các thầy giáo, cô giáo chưa mặn mà trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Để mô hình doanh nghiệp trực thuộc trường đại học có thể hoạt động hiệu quả, nhà trường cần xác định rõ cơ chế hoạt động của doanh nghiệp, các hoạt động chuyển giao công nghệ theo hướng thị trường cần chứ không phải theo mô hình bao cấp như trước. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những cơ chế, chính sách rõ ràng hơn trong việc hỗ trợ các đơn vị trong quá trình chuyển đổi trong việc vay vốn, hỗ trợ những dự án đầu tiên để lấy kinh nghiệm… Có như vậy thì hoạt động này mới mang lại hiệu quả, đưa các tri thức, nghiên cứu khoa học từ nhà trường đi vào cuộc sống nhanh nhất.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/34031202-tang-toc-chuyen-giao-cong-nghe-tu-truong-dai-hoc-vao-san-xuat.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 2641

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)