Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Thị Phương Hoa cùng đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT, Bộ KH&CN và các doanh nghiệp đã ứng dụng tiến bộ công nghệ tiên tiến, thân thiện bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đánh giá, chương trình góp phần tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng KH&CN thân thiện với môi trường vào sản xuất; Áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu chất thải gây hiệu ứng nhà kính. Đồng thời, cam kết sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Tăng cường xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đặc biệt, trong bối cảnh tài nguyên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn kinh tế xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp.
Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ nhanh chóng đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, kinh tế xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”, “kinh tế nâu”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng và Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa trao Kỷ niệm chương cho hơn 60 đơn vị tham dự Chương trình. Ảnh Hoàng Minh/Bộ TN&MT
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội nước ta, nhất là tạo sự thay đổi khá lớn trong sản xuất công nghiệp. Đối với lĩnh vực môi trường, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (công nghiệp 4.0) có tác động tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung hạn và dài hạn nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet. Điều này, đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của công nghệ xanh trong nước cũng như trên trường quốc tế.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, đa số các ý kiến các doanh nghiệp đều cho rằng, để tạo cơ hội đổi mới công nghệ hướng đến nền kinh tế xanh, các doanh nghiệp cần nắm được các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Xu thế chung hiện nay đang có nhiều khuyến khích và ưu đãi đối với doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nhằm thực hiện các chương trình, mục tiêu thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi mô hình sang kinh tế xanh.. Khi doanh nghiệp tham gia vào chương trình này, doanh nghiệp sẽ được rất nhiều cái lợi cho cả bản thân doanh nghiệp, cho cộng đồng xã hội và người dân.
Buổi lễ cũng là dịp để các doanh nghiệp chia sẻ về quá trình đổi mới công nghệ hướng đến phát triển kinh tế xanh; đồng thời kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương những vướng mắc về cơ chế trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng và đầu tư công nghệ mới. Đặc biệt là khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi, chính sách và hình thức hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là tiêu thụ sản phẩm xanh.
Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/ton-vinh-doanh-nghiep-sang-tao-ung-dung-cong-nghe-xanh-d121810.html