Để chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương từ nay đến năm 2020 tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghệ thông tin - truyền thông trong phạm vi cả nước, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng.
Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát lại các chiến lược, chương trình hành động, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp; thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục dạy nghề. Ngoài ra, xây dựng các cơ chế, chính sách về thuế, tài chính nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ…
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành cần khẩn trương triển khai xây dựng chính phủ điện tử; tiếp tục chủ động rà soát, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; sửa đổi các quy định quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hướng đơn giản hóa và hiện đại hoá thủ tục hành chính…
Có thể thấy rất nhiều giải pháp, nhiệm vụ cụ thể đã được đưa ra trong chỉ thị này. Tuy nhiên sẽ là thách thức lớn trong việc đạt được các mục tiêu. Bởi, năm 2016, theo báo cáo kết quả thực hiện Dự án “Đánh giá thực trạng tình hình đầu tư cho đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường của doanh nghiệp Việt Nam” tại 3 tỉnh gồm Thái Nguyên, Quảng Ninh và Bắc Ninh với trên 357 doanh nghiệp, có gần 40% doanh nghiệp có đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ nhằm bảo vệ môi trường, trong đó chỉ có 13% doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.
Nguồn vốn huy động để đầu tư cho đổi mới công nghệ chủ yếu vẫn là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và không nhiều doanh nghiệp được khảo sát có ý định đổi mới công nghệ trong 5 năm tới… Nguyên nhân của tình trạng trên là do doanh nghiệp không có thông tin (36,56%), công nghệ phức tạp khó ứng dụng (5,38%), chi phí ban đầu quá lớn (46,24%), thiếu nguồn nhân lực trình độ cao (9,5%)…
Có rất nhiều lý do để “đổ lỗi cho sự chậm trễ, yếu kém trên, mặc dù, trên thực tế, nhiều văn bản Luật đã được ban hành, được cho là đã có tác động trực tiếp đến hoạt động khởi nghiệp và phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) như: Luật KH&CN (2000, được sửa đổi năm 2013); Luật Sở hữu trí tuệ (2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009); Luật Chuyển giao công nghệ (2006); Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (2006); Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá (2007) và Luật Đo lường (2011); Luật Công nghệ cao (2008).
Mới đây, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, đã bổ sung các chính sách về chuyển giao công nghệ (CGCN) từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động CGCN; khuyến khích hợp tác công – tư để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ sẽ được đưa vào là đối tượng được ưu tiên xem xét hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia và các tổ chức tín dụng khác. Nhất là để thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN, tạo lập môi trường cho hoạt động CGCN, dự thảo Luật khuyến khích, đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước dành cho hoạt động KH&CN và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển tổ chức trung gian, nâng cao năng lực nguồn cung và nguồn cầu công nghệ…
Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một trong những nỗ lực tiếp theo của Chính phủ nhằm thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Tuy nhiên những chính sách đã có và khung khổ pháp lý sắp tới trong dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) chỉ là điều kiện cần, đổi mới khoa học công nghệ chỉ thực sự hiệu quả khi nó xuất phát từ nhu cầu và năng lực nội tại của doanh nghiệp. Nói cách khác, “chìa khoá” nằm trong chính tay các doanh nghiệp.
Liên kết nguồn tin: http://enternews.vn/cham-nhu-doi-moi-cong-nghe-110405.html