Thứ hai, 03/04/2017 15:57 GMT+7

Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương: "Thảm đỏ" chờ đón doanh nghiệp bứt phá

Giải thưởng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) là giải thưởng danh giá mà các doanh nghiệp ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều hướng tới và mong muốn đạt được.

Tuy nhiên, với các tiêu chí xét giải cô cùng rất khắt khe đã đặt ra cho các doanh nghiệp Việt những thách thức không nhỏ.

Chất lượng - “tấm vé thông hành” vào sân chơi hội nhập

Thương mại quốc tế, hội nhập toàn cầu và khu vực là cơ hội, động lực chính của tăng trưởng, tự do hóa thương mại, là nền tảng để mở rộng, phát triển sản xuất xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, song song với những cơ hội, các chuyên gia kinh tế cũng đã phân tích, hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa luôn mang đến những cơ hội và cả những thách thức cho từng quốc gia và chính mỗi doanh nghiệp.

 Nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Thị Doan trao giải thưởng cho DN đạt giải GPEA năm 2015

Có thể thấy doanh nghiệp đã đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương (GPEA) như một đầu tàu về phong trào năng suất, chất lượng để thu hút, lôi kéo các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng Chất lượng Quốc gia bằng chính những kết quả thực tế đạt được của mình.

Theo ông Phùng Mạnh Trường, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam – Cơ quan thường trực Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho biết, khi tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, Giải thưởn Chất lượng Quốc tế Châu Á - TBD chính là cơ hội rất tốt để doanh nghiệp tự đánh giá mình, tự xem xét lại toàn bộ hệ thống quản lý của doanh nghiệp thông qua các tiêu chí của Giải thưởng.

“Thông qua quá trình xem xét, đánh giá của các chuyên gia đánh giá giải thưởng các cấp và trong chính cả quá trình lập hồ sơ, doanh nghiệp đã nhận diện rất rõ những điểm yếu, điểm mạnh và cơ hội cải tiến hoạt động quản lý của chính doanh nghiệp. Đây cũng là một nhân tố rất quan trọng đảm bảo cho định hướng phát triên bền vững của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.” ông Trường cho biết.

Đề cập đến những thách thức mà các tiêu chí của Giải thưởng đưa ra, nhiều doanh nghiệp cho rằng, đó chính là thước đo để doanh nghiệp soi mình từ đó tự điều chỉnh hoạt động để đáp ứng được yêu cầu khắt khe nhất.

Được biết, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia xét Giải GPEA phải được nhận giải Vàng Chất lượng Quốc gia ở nước sở tại trong vòng 2 năm gần nhất, phải do cơ quan Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đề cử… Bên cạnh đó, các tiêu chí xét duyệt giải thưởng đều áp dụng theo các tiêu chí của Mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Hoa Kỳ (Malcolm Baldrige).

Việc đánh giá, chấm điểm phải do các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật hàng đầu châu Á và thế giới thực hiện. Giải thưởng GPEA chỉ được trao cho các tổ chức, doanh nghiệp có mô hình kinh doanh hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo thông tin từ Cơ quan thường trực Văn phòng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, cho đến nay Việt Nam đã có 40 doanh nghiệp đạt Giải GPEA.

Giải thưởng của những doanh nghiệp tiên phong

Traphaco đã đạt giải Vàng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải GPEA năm 2013, bà Đào Thúy Hà - Giám đốc Marketing của Công ty cho biết, đây là sự ghi nhận với quá trình luôn đổi mới, đạt hiệu quả kinh doanh cao của doanh nghiệp.

"Giải vàng Chất lượng Quốc gia là động lực giúp doanh nghiệp phát triển, đổi mới, khẳng định uy tín trên thị trường, bạn bè đồng nghiệp và người tiêu dùng trong nước và quốc tế suốt thời gian qua", bà Đào Thúy Hà cho biết.

Theo bà Hà, những năm qua, dù kinh tế thế giới khó khăn nhưng Traphaco có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành, tăng trưởng lợi nhuận dẫn đầu ngành dược. Công ty không ngừng nỗ lực sáng tạo đổi mới, nâng cao chất lượng, nghiên cứu cho ra đời sản phẩm chất lượng cao nhất tới người tiêu dùng.

“Chúng tôi đi đầu trong việc trồng dược liệu sạch, tiên phong đổi mới trong hoạt động năng cao năng suất chất lượng của doanh nghiệp. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng GPEA đã đánh giá rât cao nỗ lực của Traphaco trong việc hướng tới khách hàng. Điều mà chúng tôi học hỏi được để áp dụng thành công như vậy chính là các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, đem áp dụng vào quy trình hoạt động”, bà Hà nói thêm.

 Ông Phạm Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc CTCP Thiết bị điện Đồng Nai (THIBIDI) –doanh nghiệp đạt giải GPEA năm 2016

Còn theo ông Phạm Ngọc Bích, Phó Tổng giám đốc CTCP Thiết bị điện Đồng Nai (THIBIDI) –doanh nghiệp đạt giải GPEA năm 2016 cho rằng, yếu tố mang lại thành công của doanh nghiệp chính là chất lượng cán bộ công nhân viên và tối ưu hóa chất lượng sản phẩm. “Bên cạnh nỗ lực cải tiến sản phẩm của doanh nghiệp cần sự hỗ trợ lớn từ phía nhà nước, các cơ quan chức năng, từ đó doanh nghiệp có cái nhìn rõ hơn trong việc lựa chọn công cụ nâng cao năng suất chất lượng thời kỳ hội nhập. Tôi mong các cơ quan báo chí quảng bá Giải thưởng Chất lượng Quốc gia đến toàn bộ doanh nghiệp và người tiêu dùng. Khi doanh nghiệp đạt được giải thưởng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia sẽ củng cố hơn niềm tin của người tiêu dùng”, ông Bích bày tỏ mong muốn.

Cùng được vinh danh tại Giải thưởng GPEA 2016, bà Phạm Thị Xuân Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Dược Lâm Đồng (LADOPHAR) cũng khẳng định rằng, Giải thưởng GPEA đã có tác động vô cùng lớn đối với hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp ở thị trường ngoài nước. Theo bà Hương, khi doanh nghiệp đạt được các tiêu chí đánh giá của Giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng GPEA thì đây chính là nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp tự tin xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài. “Giải thưởng chính là tấm vé thông hành cho doanh nghiệp tự tin hội nhập. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam muốn khẳng định mình thì phải là những doanh nghiệp đi đầu, tiên phong trong tất cả các lĩnh vực”, bà Hương chia sẻ.

Liên kết nguồn tin: http://vietq.vn/giai-thuong-chat-luong-quoc-te-chau-a--thai-binh-duong-tham-do-cho-don-dn-but-pha-d118184.html

 

Nguồn: vietq.vn

Lượt xem: 5528

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)