Thứ tư, 22/03/2017 09:38 GMT+7

Sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CCMCN 4) được cho là sẽ thay đổi hoàn toàn cách con người sống, làm việc và giao tiếp. Sẽ có nhiều cơ hội được tạo ra từ CCMCN 4, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và cả những tác động không nhỏ đến nền kinh tế của Việt Nam.

Giáo sư Klaus Schwab, Tổng Giám đốc Diễn đàn kinh tế thế giới nhận định CCMCN 4 đang diễn ra dựa trên cuộc cách mạng số. Đây là sự kết hợp công nghệ giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật: vạn vật kết nối, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… Các thiết bị, dây chuyền sản xuất trên toàn cầu sẽ có một địa chỉ để nhận dạng, được kết nối với nhau thông qua internet. Viễn cảnh không xa cho một nền công nghiệp thông minh mà trong đó, các máy móc được kết nối với nhau, tự đưa ra quyết định, điều chỉnh toàn bộ quy trình sản xuất… sẽ khởi đầu cho việc thay đổi toàn bộ xã hội của loài người. Nhiều chuyên gia nhận định, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi lớn nhất khi có điều kiện tiếp cận và sử dụng thế giới số này. Công nghệ mới sẽ tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, cách tiếp cận mới phục vụ nhu cầu hiện tại của con người. Qua đó sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản về cách thức sản xuất, phân phối bán hàng, phá vỡ các chuỗi giá trị ngành công nghiệp truyền thống. Nhà nước, Chính phủ sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng quyền kiểm soát, cải tiến hệ thống quản lý xã hội, cải thiện và bảo vệ môi trường tốt hơn.

Tuy nhiên, CCMCN 4 cũng có thể sẽ tạo những nguy cơ lớn đối với doanh nghiệp chưa sẵn sàng đón nhận các công nghệ hiện đại. Sẽ có nhiều đột phá từ những đơn vị cạnh tranh linh hoạt và sáng tạo nhờ việc tiếp cận các phương tiện số toàn cầu để phát triển, tiếp thị, bán hàng. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động dựa trên những thiết bị như vậy đang gia tăng theo cấp số nhân và tham gia vào nhiều dịch vụ mới như giặt, mua sắm, đỗ xe, dịch vụ mát-xa, du lịch… Nhờ ứng dụng công nghệ mới đã giúp những doanh nghiệp có thể cải thiện được chất lượng, giá cả cho phù hợp với giá trị của hàng hóa được phân phối, từ đó có thể cạnh tranh và đánh bại các đối thủ lớn khác với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Các doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường trong một thời gian dài đang bị những doanh nghiệp khởi nghiệp trong giai đoạn gần đây vượt qua như: Google, Facebook, Uber, Grab… Trong khi đó những doanh nghiệp vẫn giữ phương thức làm việc truyền thống đang tìm cách để tái cơ cấu, định hướng phát triển đầy khó khăn. Chính phủ sẽ gặp khó khăn trong quá trình truyển dụng, quản lý công nghệ toàn diện và phải đối mặt với cách thức tiếp cận hiện nay sẽ có sự tham gia của công chúng, cùng với sự phân bổ quyền lực dưới sự hỗ trợ của công nghệ. Bên cạnh đó, việc tự động hóa dần thay thế con người trong nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa và có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Nhất là với tốc độ phát triển như hiện nay, CCMCN 4 sẽ có thêm nguy cơ giải quyết xung đột bằng hình thức chiến tranh thông tin. Đó là khi những công nghệ, vũ khí hiện đại được điều khiển từ xa, chiến tranh mạng, tội phạm mạng ngày càng phát triển, có thể tham gia vào các hoạt động chiến tranh giữa các bên. Lỗ hổng mới này sẽ dẫn đến hàng loạt mối lo ngại mới, có thể dẫn đến hàng loạt nguy cơ với nhân loại.

Tiến sĩ Phạm Chí Trung, Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường (Văn phòng Quốc hội) cho rằng, CCMCN 4 đang diễn ra với tốc độ nhanh, theo cấp số nhân và có tác động ngày một gia tăng đến Việt Nam. Nếu tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại. Còn ngược lại thì sẽ khiến khoảng cách với các nước phát triển tiếp tục gia tăng. Do đó, để chuẩn bị sẵn sàng đón nhận CCMCN 4, cần có những nghiên cứu về cơ hội và thách thức liên quan CCMCN 4; tăng cường nâng cao nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân ở những khu vực có khả năng chịu nhiều tác động; nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết, hợp tác giữa khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh và ưu tiên đầu tư, phát triển công nghệ, sáng tạo… Có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ. Nhà nước cần có sự hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp và các trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển một số ngành chọn lọc, nhất là về lĩnh vực công nghệ thông tin.

Những CCMCN trước đây thường kéo dài hàng thập kỷ, qua đó doanh nghiệp, Chính phủ có thể dần thích ứng, xây dựng hệ thống đào tạo, tổ chức lại thị trường… Nhưng với tốc độ và quy mô phát triển như hiện nay của CCMCN 4 thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi thị trường ngày càng bị thu hẹp; Chính phủ các nước sẽ đối mặt với các nguy cơ mới về công nghệ thông tin và sự bất bình đẳng trong xã hội. Sự chuẩn bị cần thiết để đối mặt với CCMCN 4 không chỉ để quản lý được các rủi ro, mà còn tận dụng lợi thế trong một số lĩnh vực của các nước đi sau do CCMCN 4 đem lại.

(Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/32343002-san-sang-cho-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.html)

 

 

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3214

TAGS :
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)